Gia Lai: Khi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Thực hiện mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai triển khai, một số thôn, làng trong tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo. Không chỉ từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, mô hình còn góp phần làm cho cảnh quan nông thôn xanh-sạch-đẹp.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - Nhân tố quyết định Đại thắng mùa xuân năm 1975

Hiệp định Geneva 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Một biểu tượng chói lọi của văn hóa Việt Nam

Ông Hoàng Văn Thạch-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đoàn Kết (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) cho biết: “Để triển khai mô hình, thôn đã thành lập tổ tuyên truyền về bảo vệ môi trường gồm 10 thành viên. Nội dung tuyên truyền chủ yếu về tác hại của rác thải nhựa, hướng dẫn cách phân loại, thu gom, xử lý rác thải và bỏ rác đúng quy định.

Bên cạnh đó, Chi hội Phụ nữ cũng triển khai mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông” và tặng giỏ nhựa đi chợ cho 80 hội viên. Nhờ vậy, lượng rác xả ra môi trường giảm hẳn, rác cũng được thu gom sạch sẽ”.

 Bà Lưu Thị Duyên (thôn Đoàn Kết, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) đi chợ bằng giỏ nhựa và hộp nhựa để giảm bớt việc sử dụng túi ni lông

Bà Lưu Thị Duyên (thôn Đoàn Kết) bày tỏ: “Thời gian qua, gia đình tôi và các hộ dân trong thôn sử dụng giỏ nhựa đi chợ và phân loại, bỏ rác thải đúng nơi quy định. Ngoài ra, tôi tham gia dọn vệ sinh khu vực công cộng. Nhờ vậy, so với trước đây, đường làng ngõ xóm trở nên sạch sẽ”.

Nói về hiệu quả mô hình, ông Lê Duy Khương-Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong-cho hay: Thôn Đoàn Kết rất chú trọng công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là kể từ khi thực hiện mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”. Vì vậy, mỗi lần họp giao ban, xã đều biểu dương và phổ biến kinh nghiệm từ thôn Đoàn Kết. Bên cạnh đó, xã cũng đã thành lập tổ thu gom rác 2 lần/tuần. Nhờ đó, cảnh quan môi trường cải thiện rõ rệt. “Tuy nhiên, mô hình chủ yếu dựa vào kinh phí do thôn tự huy động nên vẫn gặp khó khăn”-ông Khương nói.

Tương tự, xã Thành An (thị xã An Khê) cũng đã triển khai hiệu quả mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã-cho hay: “Mỗi thôn, chúng tôi huy động người dân góp kinh phí mua 5 thùng đựng rác và thành lập 1 tổ tự quản bảo vệ môi trường để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu gom, phân loại, xử lý rác. Nhờ vậy, tại các thôn không còn tình trạng vứt rác bừa bãi. Đặc biệt, rác thải tái chế sau khi phân loại được bán gây quỹ mua quà tặng cho người nghèo. Ngoài ra, các thôn cũng xây dựng con đường hoa nhằm tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp”.

Đường liên thôn đoạn đi qua thôn 6 (xã Thành An, thị xã An Khê) đã trở nên sạch-đẹp sau khi triển khai mô hình 

Nhận xét về việc triển khai mô hình này ở thôn Ninh Hòa, ông Kpă Ba-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Boòng (huyện Chư Prông) cho biết: “Người dân đều muốn thành lập tổ thu gom rác thải. Đến nay đã có hơn 200 hộ tham gia đóng tiền phí thu gom rác, riêng những hộ ở xa khu dân cư được hướng dẫn đào hố đốt rác. Nhờ vậy, thôn Ninh Hòa không còn tình trạng vứt rác bừa bãi như trước, các điểm tập kết rác tự phát trước đây cũng đã được dọn vệ sinh sạch sẽ”.

Bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-thông tin: Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 4 mô hình điểm tại 3 xã: Thành An (thị xã An Khê), Bờ Ngoong (huyện Chư Sê) và Ia Boòng (huyện Chư Prông). Các mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức và huy động được đông đảo người dân tham gia thông qua các việc làm cụ thể như: phân loại, bỏ rác đúng nơi quy định, xử lý rác thải, di dời chuồng trại ra xa nhà ở, trồng hàng rào xanh, con đường hoa… Nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày càng xanh-sạch-đẹp.

“Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường, chúng tôi mong muốn các ngành, địa phương liên quan tiếp tục hỗ trợ để nhân rộng mô hình cũng như tăng cường tập huấn công tác bảo vệ môi trường cho cán bộ Mặt trận các cấp”-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho hay.

NHẬT HÀO