Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tập thể

(Mặt trận) - Sáng 10/3, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Luật đất đai (sửa đổi) thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tập thể.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

 Chủ trì Hội thảo

Chủ trì Hội thảo có ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam khẳng định với mục tiêu lấy ý kiến vào dự thảo Báo cáo góp ý vào Luật đất đai sửa đổi để hoàn thiện dự thảo Luật đất đai phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đặc biệt những chính sách về đất đai đối với các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là HTX, Liên hiệp HTX đã được nêu trong Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới cần được thể chế hóa đưa vào Luật HTX 2012 sửa đổi và Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.

“Kinh tế tập thể (KTTT), HTX có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Chính vì vậy, việc chăm lo cho khu vực KTTT, HTX là vai trò của Nhà nước và tất cả các bộ ngành”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Theo TS Trần Hồng Hà, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, việc tổng hợp những ý kiến đóng góp từ khu vực KTTT là rất quan trọng, vì đây cũng là vấn đề khó khăn, vướng mắc của các HTX lâu nay và cũng là vấn đề sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KTTT trong giai đoạn mới.

Để góp phần chuyển hóa những quan điểm, chủ trương, chính sách trong các Nghị quyết số 18 (về đất đai), 19 (về nông nghiệp, nông dân, nông thôn), 20 (về kinh tế tập thể) được Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua vào Dự thảo Luật, TS Trần Hồng Hà cho rằng cần có cách tiếp cận vấn đề một cách khoa học, khách quan và thực tiễn. Đặc biệt phải nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung trong ba Nghị quyết nêu trên có liên quan đến cụm từ khóa “đất đai - KTTT”, hay vấn đề “đất đai với HTX”.

“Vấn đề tích tụ đất đai, xác lập quỹ đất dành cho các tổ chức KTTT thuê, ưu đãi về giá và thời hạn cho thuê đất đều đang còn nhiều vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn đối với khu vực KTTT. Nghị quyết 20-NQ/TW đã chỉ rõ 3 ý này nhưng trong Dự thảo Luật mới chỉ đưa ra các quy định về tập trung và tích tụ đất đai chung cho các tổ chức, cá nhân chứ không có điều khoản cụ thể trực tiếp nào liên quan đến vấn đề đất đai của khu vực KTTT, HTX” TS Trần Hồng Hà đặt vấn đề và cho rằng khu vực KTTT, HTX rất mong chờ làm sao có thật nhiều từ “KTTT", "HTX" trong Luật Đất đai nhằm tháo gỡ những tồn tại trong nhiều năm qua và thúc đẩy khu vực này phát triển.

Ngoài ra, TS Trần Hồng Hà cũng kiến nghị một số nội dung trong Nghị quyết Trung ương cần được cân nhắc bổ sung vào dự thảo Luật đất đai như: không điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng đất; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; Nhà nước có chính sách đất đai đặc thù cho tổ chức KTTT…

Quang cảnh Hội thảo 

Còn theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng khi tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cũng là thời cơ để cùng bàn, cùng trao đổi, cùng đóng góp ý kiến với Quốc hội, Chính phủ về vấn đề đất đai, để làm sao có Luật đất đai hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp cận và áp dụng vào sản xuất kinh doanh. Bởi trong Nghị quyết 20/NQ/TW đã quy định rõ “phải có chính sách cho khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp cận đất đai, phải có quỹ đất để HTX tiếp cận và phải có chính sách phù hợp để HTX tiếp cận đất đai”.

Kiến nghị các chính sách hỗ trợ ưu đãi về đất đai đối với HTX và Liên hiệp HTX theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, PGS.TS Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng ban Chính sách, Phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam cho rằng cần đổi mới chính sách pháp luật về đất đai tạo điều kiện thuận lợi để KTTT, HTX tích tụ, dồn điền, đổi thửa, tập trung ruộng đất tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị. Cùng với đó cần ngăn ngừa sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất; quy định rõ về chuyển nhượng đất, chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí, thuê đất đối với các loại hình HTX nông nghiệp và HTX phi nông nghiệp…

PGS.TS Phạm Thị Tố Oanh cũng khuyến nghị trong sửa đổi Luật đất đai, Luật HTX cần nghiên cứu bổ sung các quy định về ưu tiên dành quỹ đất công ích, đất dịch vụ để giao hoặc cho thuê (kể cả theo hình thức đấu giá) đối với các loại hình HTX, Liên hiệp HTX. Trong trường hợp địa phương không còn quỹ đất để giao, cho HTX thuê, có cơ chế miễn tiền thuê đất đối với HTX nông nghiệp.

Tại Hội thảo nhiều ý kiến cũng đã đề xuất cần quy định chính sách đặc thù về giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức KTTT, tạo điều kiện tập trung ruộng đất để đưa kinh tế hộ lên sản xuất hàng hóa lớn, giao đất, cho thuê đất đối với HTX, kiến nghị các chính sách hỗ trợ ưu đãi về đất đai đối với HTX, Liên hiệp HTX theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW…