Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua nêu gương về đạo đức cách mạng

(Mặt trận) - Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định, một trong những phương thức lãnh đạo trọng yếu của Đảng là nêu gương. Từ đó, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng cần không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo thông qua xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, tiên phong, có đạo đức cách mạng, nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đồng bào dân tộc thôn Đăk Mút, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum_Ảnh: TTXVN

Nêu gương về đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nêu gương về đạo đức cách mạng trong Đảng, nhằm nâng cao hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng. Đây là vấn đề có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền.

Trong buổi nói chuyện tại lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương ngày 11 tháng 5 năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu vấn đề: “Vì sao ta phải chỉnh Đảng?”. Người huấn thị: “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu”(1). Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, tổ chức đảng các cấp phải luôn “tự giác nêu gương” về đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhiều lần đề cập đến vấn đề “gương mẫu” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người chỉ rõ: “người đảng viên ở bất kỳ đâu, bất kỳ làm việc gì, bất kỳ địa vị nào và hoàn cảnh nào, cũng phải luôn luôn: - Đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết./ - Phải ra sức tham gia công việc kháng chiến./ - Phải gần gũi dân chúng, thương yêu, giúp đỡ dân chúng, tổ chức và lãnh đạo dân chúng./- Phải giữ vững đạo đức cách mệnh, là chí công vô tư”(2); “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất./  Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng/... Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”(3). Đây là những chuẩn mực đạo đức cách mạng mà người cán bộ, đảng viên cần phải có, để quần chúng nhân dân nhìn nhận, học hỏi và noi theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đạo đức là gốc, là “lõi” của văn hóa xã hội. Người cho rằng, có đạo đức cách mạng thì “khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc”(4); “khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa”(5). Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, bồi dưỡng về đạo đức cách mạng để thực sự là lực lượng tiên phong về trí tuệ, phẩm chất đạo đức, là những “hạt giống” tốt để nhân rộng trong xã hội.

Đảng ta là “Đảng cầm quyền”, “Đảng của toàn dân”, “Đảng của cả dân tộc”, đội tiền phong, đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc. “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”(6). Nguồn gốc sức mạnh của Đảng là ở mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Chính vì vậy, để xứng đáng là lực lượng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn, đổi mới; đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, tận tâm, tận lực, vì nước, vì nhân dân, giữ vững bản chất giai cấp, bản lĩnh chính trị, cách mạng, tiên phong; chống các biểu hiện tha hóa quyền lực, tha hóa con người, giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân”(7). Người cho rằng, muốn vận động, tập hợp, dẫn dắt, lãnh đạo quần chúng nhân dân tin theo Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải là tấm gương về đạo đức cách mạng. Người thường căn dặn, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Cán bộ, đảng viên vừa là “đày tớ”, vừa là người lãnh đạo nhân dân. Họ phải là tấm gương mẫu mực để nhân dân tin theo, noi theo và làm theo. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao, trọng trách nêu gương càng phải lớn. Họ phải nêu gương trong tu dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng, trong tôi luyện, kiên trung lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, trung hiếu với nhân dân; nêu gương tận tụy, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; nêu gương trong tự phê bình và phê bình, trong thấm nhuần và thực hiện nghiêm đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Những nội dung này rất quan trọng, tạo nên hiệu quả tối ưu trong công tác lãnh đạo của Đảng, nhân lên sức mạnh nội sinh to lớn của dân tộc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, một tấm gương sống có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền; lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng. “Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”(8). Bởi thực tế, “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(9), từ lời nói, việc làm đến cách ăn, ở đều phải để cho dân tin, dân phục, dân yêu. Cán bộ, đảng viên dù ở vị trí nào, nếu có tâm, có tầm, có tài, có đạo đức, “lời nói đi đôi với việc làm” thì sẽ tạo sự lan tỏa, tác động tích cực đến cộng đồng, giúp quần chúng tự soi, tự sửa, hoàn thiện bản thân. Thông qua công tác nêu gương của cán bộ, đảng viên, phương thức lãnh đạo của Đảng sẽ được phát huy, nhân lên sức mạnh, nâng cao năng lực để Đảng lãnh đạo, dẫn dắt quần chúng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của cách mạng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương về đạo đức phải được thực hiện trên ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc. Với mình, phải cần, kiệm, liêm, chính; “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”; làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thường xuyên học tập, rèn luyện, không ngừng hoàn thiện bản thân. Với người, phải thật thà, chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp, gắn bó mật thiết với nhân dân. Với việc, phải tận tâm, tận lực, chí công vô tư, gương mẫu, đi đầu, trách nhiệm. Người cũng chỉ ra ba nguyên tắc để xây dựng đạo đức mới cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng là: 1- Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức; 2- Xây đi đôi với chống. Xây dựng đạo đức cách mạng phải gắn chặt với chống chủ nghĩa cá nhân; 3- Tu dưỡng đạo đức suốt đời.

Cán bộ, đảng viên xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai hướng dẫn đồng bào kỹ thuật canh tác_Ảnh: TTXVN 

Để việc nêu gương về đạo đức cách mạng trở thành phương thức lãnh đạo hiệu quả của Đảng trong giai đoạn phát triển mới

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng hơn 93 năm qua, Đảng ta luôn chú trọng thực hiện phương thức nêu gương về đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; quan tâm công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về xây dựng Đảng để không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả phương thức lãnh đạo, thực hiện tốt vai trò “lãnh đạo đất nước và xã hội”. Đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay là nhờ đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự cống hiến tận tụy, hy sinh của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, những tấm gương mẫu mực, trung với nước, với Đảng, hiếu với dân.

Dù vậy, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “trong hàng chục vạn cán bộ và đảng viên xứng đáng, còn lẫn vào một số người thấp kém về tinh thần và đạo đức cách mạng. Họ còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân trong mình”(10). Người căn dặn toàn Đảng: “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”(11).

Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững phẩm chất đạo đức của người cách mạng; thiếu tu dưỡng đạo đức sẽ rất dễ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì “tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(12). 

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã nêu rõ quan điểm: Một trong 8 phương hướng để nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Để bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng, cùng với sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, phải tập trung xây dựng Đảng về đạo đức; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Không đạt được mục tiêu này, Đảng sẽ suy yếu và không thể giữ được vai trò cầm quyền, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới.

Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 30-7-2007, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” là một bước tiến quan trọng, đánh giá quá trình hơn 20 năm đổi mới tư duy, nhận thức và phương thức lãnh đạo của Đảng gắn liền với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986); đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, ngày 17-11-2022, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW, “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”. Một trong 6 nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết số 28-NQ/TW nhấn mạnh, đó là: Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; từ đó, dẫn đến những thay đổi tích cực về lề lối, phong cách làm việc, cách thức lãnh đạo, hiệu quả hoạt động của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua việc tổ chức thực hiện cương lĩnh, chiến lược, định hướng về chính sách, chủ trương lớn; thông qua công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thời gian qua, trên cả nước đã có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, mô hình điển hình(13) trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ việc học tập và làm theo Bác, nhiều cách làm hay, sáng tạo trong rèn luyện, nêu gương về đạo đức cách mạng được phát huy, nhân rộng, góp phần lan tỏa sâu rộng trong Đảng và trong nhân dân(14).

Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương, cho nên ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, từ đó có những hành động thiết thực trong công tác và cuộc sống, tạo được sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện các chủ trương, quy định về nêu gương của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đương đại đang chứng kiến tốc độ phát triển mạnh mẽ như vũ bão của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, truyền thông, trí tuệ nhân tạo, nhiều diễn biến quan hệ quốc tế phức tạp, thời cơ đan xen thách thức, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với Đảng cầm quyền, tác động trực tiếp đến phương thức lãnh đạo của Đảng.

Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế, sức mạnh tổng hợp và uy tín trên trường quốc tế được nâng lên. Song, “Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn; các mối đe dọa độc lập, chủ quyền, lợi ích chiến lược của đất nước... tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sự chống, phá quyết liệt của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động”(15). Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu, chưa phát huy hết trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, còn thụ động, né tránh trong công việc, trông chờ vào cấp trên; việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu, chưa tạo ra được hiệu quả lan tỏa thực sự tích cực.

Đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn cho thấy, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, đủ năng lực, góp phần tăng cường, nâng cao hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng để lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(16). Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quan điểm được Đại hội XIII của Đảng nêu lên là: Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng(17).

Bên cạnh đó, Đảng cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ... Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết(18).

Để việc nêu gương về đạo đức cách mạng trở thành phương thức lãnh đạo hiệu quả của Đảng, phát huy được vai trò, năng lực lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng, cần thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên về nêu gương và “tự giác nêu gương”theo phương châm “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Cần nhận thức sâu sắc rằng, việc nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của cán bộ, đảng viên trước Đảng và nhân dân. Trách nhiệm nêu gương đó phải được thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, hoạt động tự phê bình và phê bình; đến trong quan hệ với nhân dân, trong công tác, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn đoàn kết nội bộ.

Nguồn gốc sức mạnh, quyền lực của Đảng là ở nhân dân. Đối với Đảng cầm quyền, nguy cơ nguy hại nhất, đáng sợ nhất là tự cắt đứt mối liên hệ với nhân dân; do vậy, cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức vụ càng cao càng phải rèn luyện, tu dưỡng, nêu gương về đạo đức cách mạng; kiên quyết đấu tranh với “lợi ích nhóm”, với những tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu suy thoái về phẩm chất đạo đức, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Hai là, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả các quy định của Đảng về nêu gương(19) gắn với thực hiện các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng(20) và các quy định khác của Trung ương, nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Thấm nhuần quan điểm coi công tác cán bộ là công tác “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ, mỗi cán bộ, đảng viên phải có ý thức “gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết; chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(21).

Ba là, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””; trong đó, tập trung làm tốt ba vấn đề: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên.

“Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, kiên quyết, kiên trì, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, nhu cầu văn hóa tinh thần trong Đảng, tạo dấu ấn rõ rệt về xây dựng văn hóa Đảng, để Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”(22).

Bốn là, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, kết hợp với phát huy vai trò giám sát của các cơ quan báo chí, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống; đấu tranh, ngăn chặn mạnh mẽ, hiệu quả các biểu hiện lệch lạc, sai trái, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống.

Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, chiến lược; “chống” là quan trọng, cấp bách. Đề cao phương châm “nói đi đôi với làm”, “rèn luyện suốt đời”, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” để việc nêu gương về đạo đức cách mạng thực sự mang lại hiệu quả to lớn trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; qua đó, nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như của các tổ chức đảng trước quần chúng nhân dân, đưa việc nêu gương thực sự trở thành nền nếp, tập quán đạo đức, văn hóa tốt đẹp trong Đảng và toàn xã hội./.

TS LẠI XUÂN MÔN
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Trung ương

------------------------------

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 415, 54
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 11, tr. 603
(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 11, tr. 602, 603
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 12, tr. 402
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 11, tr. 607
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 14, tr. 223
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 6, tr. 16
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 14, tr. 468
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 15, tr. 616
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 5, tr. 292
(13) Hằng năm, nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm giới thiệu “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Tính riêng 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, số lượng tấm gương điển hình, tiêu biểu được tôn vinh là 640 tập thể, cá nhân.
(14) Tỉnh Hà Giang: Thực hiện nêu gương với phương châm “trên trước, dưới sau”, “người giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Tỉnh Lai Châu: Đăng ký nêu gương từ 1 đến 2 việc cụ thể: 1- Việc khắc phục hạn chế, khó khăn, thiếu sót kéo dài; 2- Việc đột phá, đổi mới, sáng tạo, cấp bách. Thành phố Hà Nội: Thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố. Tỉnh Sóc Trăng: Thực hiện “8 xây, 8 chống”. Tỉnh Khánh Hòa: Đổi mới lề lối, cách thức làm việc với phương châm “Tỉnh sát xã, huyện sát thôn, xã sát từng hộ dân”. Tỉnh Hòa Bình: Xây dựng chuẩn mực đạo đức theo tinh thần “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Tỉnh Bắc Giang: Ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng kiểm điểm, tự phê bình và phê bình các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ...
(15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 228
(16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. I, tr. 180
(17), (18) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. I, tr. 183 - 184, 187
(19) Quy định số 101- QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”,...
(20) Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” và Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Quy định về những điều đảng viên không được làm”,...
(21) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 15, tr. 98
(22) Xem: PV: “Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện