Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng - Nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên: Giữ vững thanh bảo kiếm để chữa lành vết thương

(Mặt trận) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với việc xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ luật trong đảng. Nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định trong lĩnh vực này được ban hành, thực thi và đạt nhiều kết quả rõ nét, góp phần xây dựng đội ngũ ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đối với cán bộ, đảng viên càng trở nên đặc biệt quan trọng và cấp thiết, đòi hỏi phải được tiến hành một cách đồng bộ, hiệu quả, thực chất.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc đưa tư tưởng “Dân là gốc” của Đảng vào cuộc sống hiện nay

Điện Biên Phủ - Chiến thắng của “thế trận lòng dân”

Phát huy vai trò của người cao tuổi trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ảnh: Thủy Nguyên

Không kiểm tra coi như không lãnh đạo

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Đảng ta khẳng định, kiểm tra là một chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng; lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng. Kiểm tra, giám sát là “thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương”.

Vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đối với tổ chức đảng sớm được V.I. Lê-nin chỉ ra. Người nhấn mạnh, việc kiểm tra đảng viên và kiểm tra việc chấp hành thực tế công tác là mấu chốt của toàn bộ công tác. “Phải nghĩ đến chuyện kiểm tra lại những chủ trương mà chúng ta tuyên bố hàng giờ, quyết định hàng phút, rồi từng giây chứng minh tính chất không vững chắc, không kiên định và khó hiểu của những chủ trương đó”. V.I. Lênin cũng chỉ rõ hướng đổi mới công tác kiểm tra: “Kiểm tra nhân viên công tác và kiểm tra việc chấp hành thực tế công tác - mấu chốt của toàn bộ công tác, của toàn bộ chính sách hiện nay là ở đấy, vẫn ở đấy và chỉ có ở đấy”.

Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I.Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh ví công tác kiểm tra như “ngọn đèn pha” giúp cho việc lãnh đạo đúng đắn. Người chỉ ra: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Vì vậy, theo tư tưởng Người, công tác kiểm tra phải được tiến hành toàn diện ở tất cả các khâu, từ chuẩn bị đến cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết. Điều này trái ngược hoàn toàn với tác phong chỉ chú ý ban hành nghị quyết, chỉ thị mà thiếu kiểm tra đôn đốc công việc thực tế. Bởi kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng là một phương thức hoạt động quan trọng, thông qua đó thúc đẩy, giáo dục cán bộ, đảng viên nêu cao trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; làm cho tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên giữ vững bản lĩnh, lập trường, mục tiêu, lý tưởng cách mạng; đồng thời, cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn ngừa cán bộ, đảng viên khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở: Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không như vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng. Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội thì công tác kiểm tra càng có tác dụng, tầm quan trọng đặc biệt… Người coi kiểm tra là một phương tiện, một liều thuốc đặc hiệu chống lại căn bệnh “nghị quyết một đằng thi hành một nẻo” và bệnh quan liêu giấy tờ.

Song, muốn đạt hiệu quả cao thì phải “khéo kiểm soát”. “Khéo” tức là phải trên cơ sở khoa học, có hình thức, phương pháp kiểm tra linh hoạt, đa dạng. Người phê phán nghiêm khắc lối làm việc quan liêu; thiếu kiểm tra, kiểm soát cụ thể; thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều; ngồi một nơi chỉ tay năm ngón. Cách làm việc như thế rất có hại. Nó làm cho lãnh đạo không đi sát với phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương, nghị quyết không được chấp hành đến nơi đến chốn...

Hiện nay, đất nước ta đang bước vào giao đoạn phát triển mới, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra từ nhiệm kỳ Đại hội VII vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn…, vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng càng phải được đặc biệt coi trọng, tiến hành một cách thực chất, hiệu quả.

Nếu buông lỏng hoặc xem nhẹ công tác kiểm tra, giám sát tất yếu dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Đó là “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, nhiều người phạm tội tham nhũng, biến thành “giặc nội xâm”, hại dân, hại nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Bài học về vụ án Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu (năm 1950) bị tử hình do phạm tội tham nhũng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhắc nhở chúng ta về chính sách sử dụng cán bộ, về vị trí, vai trò không thể xem nhẹ của công tác kiểm tra, giám sát.

Công tác kiểm tra phải đi trước một bước

Sáng 27-4-2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo. Ảnh: TRÍ DŨNG 

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giữ gìn kỷ luật trong đảng, khẳng định đó là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo. Ngay trong Điều lệ vắn tắt của Đảng thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng ngày 3-2-1930, mục V đã quy định rõ: "Trách nhiệm của đảng viên và các đảng bộ là giữ theo kỷ luật của Đảng một cách rất nghiêm khắc”. Đồng thời chỉ ra phương hướng xử lý vi phạm: “Nếu không chấp hành những nghị quyết của Đảng, hoặc phạm những điều mà đảng cho là sai lầm thì do đảng bộ mình lấy quy luật mà xử phạt chỉ trích, giải tán uỷ viên, giải tán cả đảng bộ, tạm thời không cho làm việc trọng yếu của Đảng, khai trừ tạm thời hoặc vĩnh viễn".

Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cách mạng, ngày 16-10-1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Quyết nghị số 29/QN/TW về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương - Cơ quan Kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng. Quyết nghị có đoạn ghi: “...Trung ương quyết định thành lập Ban Kiểm tra, đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng...”.

Trải qua các thời kỳ cách mạng khác nhau, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng đã nhiều lần được bổ sung, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, phát triển về tổ chức và đội ngũ cán bộ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), Điều lệ Đảng quy định đảng ủy cơ sở được cử ủy ban kiểm tra. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Điều lệ Đảng quy định tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên cho ủy ban kiểm tra từ cấp huyện ủy, quận ủy và tương đương trở lên; quy định cơ quan Ủy ban kiểm tra cấp trên hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo ủy ban kiểm tra cấp dưới thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra. Đặc biệt, nhiệm vụ kiểm tra của các cấp ủy, tổ chức đảng đã chính thức được "luật hóa" thành một điều (Điều 30) trong Điều lệ Đảng. Tiếp đó, để tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên từ lúc còn manh nha, chức năng giám sát được Đại hội X của Đảng (2006) bổ sung theo hướng dân chủ hóa. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã được “Giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, nghị quyết của cấp ủy và đạo đức, lối sống...”.

Cùng với không ngừng xây dựng và hoàn thiện tổ chức, cơ chế hoạt động của cơ quan chuyên trách ngang tầm nhiệm vụ, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, như: Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 14-02-1998, của Bộ Chính trị khóa VIII, “Về tăng cường công tác kiểm tra của Đảng”; Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 30-7-2007, Hội nghị Trung ương 5 khóa X, “Về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”; Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28-7-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về những điều đảng viên không được làm”; Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 9-12-2021, của Ban Bí thư “Thực hiện một số nội dung Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28-7-2021, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”; Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW, ngày 29-11-2021, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương “Thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm”...

Để tiếp tục định hướng công tác kiểm tra, giám sát trong giai đoạn mới, ngày 18-4-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 34-KL/TW về Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết, thống nhất và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kiên quyết xử lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cũng không ngừng đổi mới, phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra của Chính phủ, công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo đúng chức năng và thẩm quyền của mỗi cơ quan. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội, như tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội, vi phạm trật tự kỷ cương; nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kết quả này được văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương. Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”.

Đặc biệt, trong nhiều vụ việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, công tác kiểm tra đã “đi trước”, chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, không chờ đợi thanh tra, điều tra. Nhờ đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực mới, khó, tồn tại lâu dài như: Đất đai, tài chính, thị trường chứng khoán…. Đây là bước đổi mới quan trọng, kinh nghiệm tốt đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra tại cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 27-4-2022: Từ thực tế của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã rút ra kinh nghiệm hoàn toàn đúng cả về lý luận, thực tiễn và đường lối. Đó là công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, cứ có dấu hiệu là ủy ban kiểm tra có quyền vào kiểm tra. Đây là kinh nghiệm hay, đúng nguyên tắc, kỷ luật Đảng trước, rồi đến kỷ luật về hành chính, tiếp đến là xử lý hình sự. Điều này phù hợp với đường lối và thực tiễn đã chứng minh là đúng, có kết quả tốt.

Kỷ luật Đảng là nghiêm minh, đồng bộ, có bước đổi mới mang tính đột phá

Kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII

Có thể nói thời gian qua, với quan điểm làm nghiêm từ trên xuống dưới, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã khẩn trương, quyết liệt kiểm tra, kết luận rõ nhiều vụ việc khó, phức tạp, qua đó, xem xét, kỷ luật nhiều tập thể, cá nhân vi phạm và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật những đảng viên và tổ chức đảng vi phạm, trong đó có cả các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, cán bộ đương chức, nghỉ hưu.

Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, năm 2021, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 51.620 tổ chức đảng và 272.512 đảng viên (có 55.666 cấp ủy viên), kết luận 371 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; phải thi hành kỷ luật 7 tổ chức đảng và 308 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.005 tổ chức đảng và 8.982 đảng viên, có 4.307 cấp ủy viên các cấp (tăng 18,1% tổ chức đảng và 15,7% đảng viên so với năm 2020). Qua kiểm tra, kết luận có 1.575 tổ chức đảng và 6.695 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 194 tổ chức đảng và 3.465 đảng viên…

Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên; trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Quá trình xem xét, xử lý các vụ việc được tiến hành bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, “thấu tình, đạt lý”, góp phần răn đe, cảnh tỉnh, được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Một tín hiệu đáng mừng là nhiều nơi sau kiểm tra đã quyết tâm khắc phục vi phạm, các phong trào của địa phương, đơn vị có nhiều chuyển biến, mang lại kết quả rõ rệt. Điều này đúng với phương châm của công tác kiểm tra, giám sát là nghiêm minh để “chữa lành vết thương” và “trị bệnh, cứu người”. Tinh thần này được thể hiện trong lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, ngày 23-6 vừa qua: Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là bài học răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo để những người khác không vi phạm. “Chứ không phải thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ từng dạy cắt một vài cành sâu, mọt để cứu cả cây”.

Một bước đổi mới trong công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng có thể nhận thấy tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang. Quyết định này để kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, theo đúng phương châm “có vào có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị và quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng do các vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc tập trung dân chủ, về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn đến tài sản, ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của Đảng, chính quyền địa phương và cá nhân đồng chí. Như vậy, lần đầu tiên trong cùng một thời điểm, có tới 4 ủy viên Trung ương Đảng ra khỏi Ban chấp hành Trung ương.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là vấn đề toàn diện, xuyên suốt, đồng bộ, liên thông, vận hành gắn liền với hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là công việc hệ trọng, mang tính tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng. Trong bối cảnh mới, quá trình đó cần phải được tiến hành liên tục, thường xuyên để không ngừng hoàn thiện, bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của giai cấp, của dân tộc.