Điện Biên Phủ - Chiến thắng của “thế trận lòng dân”

(Mặt trận) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Đây là thắng lợi lịch sử to lớn của dân tộc Việt Nam, là minh chứng cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Quy định 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính

HDBank đồng hành cùng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Dân công hỏa tuyến vận chuyển hàng hóa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu 

Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc

Chiến dịch Điện Biên Phủ - trận quyết chiến chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Pháp thể hiện rõ nhất, đầy đủ nhất sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam, mà biểu hiện tập trung là sức mạnh của “thế trận lòng dân” được xây dựng và không ngừng củng cố vững chắc trên cả nước, nhất là ở địa bàn chiến dịch.

Để có nguồn sức mạnh ấy, Đảng ta đã chủ động xây dựng chính quyền cơ sở rộng khắp, từ đó phát huy vai trò hạt nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào cách mạng ở khắp mọi nơi; thực hiện đầy đủ và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và tổ chức, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia chiến dịch.

Cùng với đó, chủ động, từng bước xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang ba thứ quân; tích cực chủ động đánh địch càn quét, tiễu phỉ, trừ gian bảo vệ địa bàn, bảo vệ các huyết mạch giao thông, các căn cứ... tạo điều kiện cho các lực lượng chiến dịch cơ động, triển khai, tạo lập thế trận tác chiến. Với việc phát huy cao độ sức mạnh của “thế trận lòng dân” chúng ta đã huy động được nguồn lực lớn nhất cho trận quyết chiến chiến lược.

Trong bảo đảm giao thông vận chuyển, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã đóng góp hơn 260 nghìn lượt dân công (tương đương với 14 triệu ngày công), hơn 21 nghìn xe đạp thồ và các phương tiện vận chuyển thô sơ khác.

Về bảo đảm vật chất, nhân dân cả nước đã đóng góp cho chiến dịch hơn 25 nghìn tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Riêng số vật phẩm đã vận chuyển được ra mặt trận là hơn 20 nghìn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt... đã vượt xa so với kế hoạch dự kiến ban đầu, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngay sau khi ta thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, lực lượng tham gia chiến dịch đòi hỏi phải đông hơn, thời gian chiến dịch phải kéo dài và khối lượng vật chất bảo đảm cũng tăng lên.

Trước tình hình đó, phát huy “thế trận lòng dân”, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, các cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương tổ chức động viên nhân dân ở các vùng tự do, vùng địch tạm chiếm đồng lòng đóng góp sức lực, tiền của, kịp thời cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã huy động bổ sung được hơn 3.160 cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và hơn 30 nghìn dân công, thanh niên xung phong phục vụ cho tiền tuyến.

“Thế trận lòng dân” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ càng được phát huy cao khi địch điên cuồng đánh phá, ngăn chặn quyết liệt việc vận chuyển của ta trên mọi cung đường dẫn tới mặt trận.

Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn do thời tiết khắc nghiệt và do địch gây ra nhưng những đoàn xe thồ, ngựa thồ... với hàng chục vạn bộ đội, dân công, thanh niên xung phong không quản hy sinh gian khổ, ngày đêm băng rừng, trèo đèo, lội suối, lấy sức mình vận chuyển lương thực, đạn dược ra mặt trận tiếp tế cho bộ đội đánh giặc.

Trong các nhiệm vụ: Mở đường, sửa đường, vận chuyển, cấp dưỡng, chăm sóc, cứu chữa thương, bệnh binh và công tác giao liên... đã có hàng nghìn tấm gương tình nguyện, tiêu biểu của nhân dân.

Đặc biệt, các nhà trí thức, khoa học, văn hóa văn nghệ, phóng viên báo chí cũng hăng hái lên đường ra mặt trận, mang lời ca, tiếng hát, các bản tin tuyên truyền, kịp thời động viên bộ đội qua các đợt chiến đấu.

Không ngừng củng cố khối đại đoàn kết

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành điểm hội tụ của mọi nguồn sức mạnh từ hậu phương đến tiền tuyến và là nơi biểu hiện tập trung nhất của sức mạnh lòng dân, của tư tưởng kháng chiến toàn dân sau hơn 8 năm vừa kháng chiến, kiến quốc, vừa chiến đấu, tích lũy xây dựng thực lực về mọi mặt.

Sức mạnh “thế trận lòng dân” là kỳ tích của ta nhưng cũng đồng thời là bất ngờ lớn đối với địch. Bởi, khi xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Tướng Henri Navarre và Bộ Chỉ huy quân viễn chinh xâm lược Pháp trù tính rằng, đối phương sẽ không thể nào khắc phục nổi những khó khăn về mặt tiếp tế, vận chuyển bảo đảm hậu cần cho những đơn vị chủ lực hoạt động dài ngày. Lý do bởi địa bàn tác chiến quá xa hậu phương, phương tiện vận chuyển rất thô sơ, phải vượt qua địa hình rừng núi phức tạp, dưới sự kiểm soát gắt gao và đánh phá ác liệt của quân Pháp, vì thế đối phương sẽ bị nghiền nát tại “cối xay thịt” Điện Biên Phủ.

Sai lầm cơ bản của quân Pháp là không đánh giá hết sức mạnh của dân tộc Việt Nam được thể hiện ở tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng quả cảm, trí thông minh, tài sáng tạo của quân và dân ta mà cốt lõi là lòng dân và “thế trận lòng dân” đã được phát huy cao độ, tạo sức mạnh vô địch nhấn chìm bè lũ xâm lược. Qua đó, đã để lại nhiều bài học quý về xây dựng “thế trận lòng dân” trong trận quyết chiến chiến lược của toàn dân tộc.

Vận dụng bài học này vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta cần coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền cho các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới...

Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; tăng cường đoàn kết, đồng thuận xã hội; vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; các cuộc vận động... nhằm đưa đường lối, chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên các địa bàn và cả nước, tạo nguồn lực cho quốc phòng, an ninh. Quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh ngay từ trong quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hằng năm và giai đoạn của từng địa phương, ngành, lĩnh vực, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thực tiễn cuộc kháng chiến chống Pháp cho thấy, chúng ta đã xây dựng và giữ vững được nhiều vùng tự do rộng lớn làm hậu phương vững chắc, phù hợp với thế trận chung của chiến tranh nhân dân như: Vùng rừng núi Việt Bắc, khu vực Thanh - Nghệ - Tĩnh, Nam - Ngãi - Bình - Phú, Đồng Tháp Mười, Khu 9... trong đó, các vùng tự do Việt Bắc, Tây Bắc là hậu phương trực tiếp của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đây là một trong những kỳ tích, độc đáo, sáng tạo của Đảng, toàn quân và toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến trường kỳ, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính; đồng thời, tạo chỗ dựa, cung cấp tiềm lực cho chiến tranh và bảo đảm mọi yêu cầu của chiến trường.

Đặc biệt, với một chiến dịch lớn như Điện Biên Phủ, phải bảo đảm cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày; bảo đảm về con người cũng như vật chất, hậu cần - kỹ thuật cao nhất và phức tạp nhất so với các chiến dịch khác, nếu không có một hậu phương vững chắc và sự nỗ lực phi thường của nhân dân, của “thế trận lòng dân” thì cũng không thể giành được thắng lợi.

Theo đó, tại hậu phương của chiến dịch, ta đã tập trung chăm lo phát triển tổ chức Đảng, chính quyền các cấp; tích cực xây dựng lực lượng vũ trang địa phương tham gia tác chiến phối hợp; củng cố và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo cơ sở để tập hợp và phát huy mọi khả năng của các thành phần dân tộc, các ngành, các giới, các tầng lớp nhân dân tham gia chiến dịch. Đây là nhân tố rất quan trọng bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

70 năm đã trôi qua, những bài học quý về xây dựng “thế trận lòng dân” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phù hợp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.