Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh: Từ đoàn kết trong Đảng đến đồng thuận xã hội

(Mặt trận) - “Tôi chỉ có một đảng, Đảng Việt Nam” - Đó là lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I (ngày 31/10/1946). Đó là sự khẳng định của Người sáng lập ra Đảng, xây dựng thiết chế Nhà nước và mở đường kiến thiết đất nước và đó cũng là tuyên bố có giá trị bền vững, bởi Đảng không phải là tổ chức làm quan phát tài, mà Đảng luôn đồng hành cùng dân tộc, vì dân tộc, giương cao chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu, khát vọng của nhân dân.

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc là hệ thống quan điểm khoa học và có giá trị bền vững về Đảng luôn tiên phong trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết rộng rãi, tạo sức mạnh trong tổ chức Mặt trận và đồng thuận xã hội. Tư tưởng của Người về đại đoàn kết có ý nghĩa định hướng quan trọng cho công cuộc xây dựng đất nước, góp phần đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

"Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà"

Lịch sử dân tộc ta đã hun đúc nên một bảng vàng giá trị truyền thống, nổi bật và xuyên suốt cho đến nay là truyền thống đoàn kết và cố kết cộng đồng. Từ khi Đảng ra đời do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập đã trở thành chủ thể quan trọng và là trung tâm của đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở định ra đường lối chiến lược và sách lược đoàn kết dân tộc ta.

Chiến lược đại đoàn kết góp phần bảo vệ và phát triển Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy rằng, Đảng đoàn kết nhất định phải vào sâu trong quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ quần chúng, làm cho quần chúng mến Đảng, tin Đảng, ra sức ủng hộ Đảng và tự giác tự nguyện chịu Đảng lãnh đạo. Người khẳng định: "Ra sức phụng sự nhân dân, củng cố mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, kịp thời cho Đảng biết những nhu cầu của nhân dân, giải thích cho nhân dân thấm nhuần và thực hiện chính sách của Đảng".

Đảng đoàn kết, dân tộc đoàn kết và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân tạo nên sức mạnh vĩ đại để dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù. Trước lúc đi xa, trong Di chúc - mấy lời gửi lại cho toàn Đảng, toàn dân, Hồ Chủ tịch đã căn dặn: Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần "phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".

Đoàn kết thống nhất trong Đảng là điều kiện, cơ sở vững chắc để xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Theo Người, muốn đưa cách mạng đến thành công phải có lực lượng cách mạng đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng thành công xã hội mới; muốn có lực lượng cách mạng mạnh phải thực hiện đại đoàn kết, quy tụ mọi lực lượng cách mạng thành một khối vững chắc. Người nói: "Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn…".

Bởi vì, trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Người sớm nhìn thấy giai cấp nông dân Việt Nam là lực lượng cách mạng tiềm tàng, có những khả năng rất to lớn, nếu mà khéo tổ chức, khéo lãnh đạo, thì lực lượng ấy sẽ làm xoay trời chuyển đất, "bao nhiêu thực dân và phong kiến cũng sẽ bị lực lượng to lớn ấy đánh tan".

Đảng có giương cao ngọn cờ đại đoàn kết thì tiền đồ, tương lai của Đảng mới tất thành, có cơ sở xã hội rộng rãi thì sự nghiệp của Đảng mới thành công và vững chắc. "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công". Đoàn kết không phải là một thủ đoạn chính trị, mà là một nghệ thuật và là một quy luật nhân quả. Người nhấn mạnh rằng: "Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà".


 

Đảng đồng hành và đấu tranh chống âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết

Trong tình hình hiện nay, vấn đề đặt ra yêu cầu hết sức cấp thiết cho công tác dân vận của Đảng, tức là vấn đề xác lập, xây dựng mối quan hệ giữa Đảng với dân càng trở nên quan trọng nhằm mục đích bảo vệ Đảng. Nhân dân ta đã và đang bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nhân dân luôn có lòng tin vào con đường đi lên của đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Đảng luôn đồng hành và giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc chính là "động lực chủ yếu để phát triển đất nước". Bài học kinh nghiệm quan trọng được đúc kết là: "Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế". Đoàn kết ở đây dựa trên cơ sở mục đích, lý tưởng của Đảng, trên cơ sở lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc hoạt động của Đảng, trên cơ sở tôn trọng ý kiến cá nhân, mặc dù ý kiến đó là ý kiến bảo lưu trong tổ chức Đảng, đoàn kết trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Điều này khác với đoàn kết thống nhất hình thức, giả hiệu, mà là đoàn kết thực sự để Đảng Cộng sản cầm quyền trở thành lực lượng hạt nhân, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội và lãnh đạo toàn xã hội. Thực tiễn thành tựu của đại đoàn kết dân tộc là do phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy phải noi gương các tiên liệt, tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, củng cố niềm tin giữa Đảng với dân, tạo dựng nền tảng vững chắc cho quyền lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, đó là cơ sở để giữ vững ổn định chính trị, phát triển đất nước, xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; phải thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

Quan tâm, giải quyết tốt về vấn đề quyền và lợi ích của nhân dân. Đảng và Nhà nước luôn vì nhân dân, chăm lo cho sự phát triển tiến bộ của nhân dân. Phát huy tối đa quyền là chủ và làm chủ của nhân dân. Dân chủ từ cấp cơ sở và trong hệ thống chính trị các cấp; nêu cao phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Phải dành sự quan tâm đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo; không ngừng xóa đói, giảm nghèo đa chiều, nâng cao mức sống đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới; động viên đồng bào phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần vươn lên trong phát triển kinh tế, xây dựng bản làng văn hóa.

Đấu tranh phòng, chống mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại đoàn kết trong Đảng và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiện nay, có nhiều luận điệu xuyên tạc, sai trái phủ nhận về nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Chúng rêu rao rằng: Đảng viên thì nhan nhản, cộng sản thì vắng bóng; chia phe, kết phái; mượn danh chống tham nhũng để đấu đá, thanh trừng phe cánh dẫn đến cán bộ bị cách chức, "hạ bệ", gây bất ổn chính trị trong thời gian gần đây;... 

Ở đây, cần phải nhìn nhận rằng: Đoàn kết, thống nhất trong Đảng là truyền thống vẻ vang kể từ khi ra đời cho đến nay, thậm chí trải qua những thời đoạn khó khăn, Đảng ta vẫn giữ vững chí khí và trí tuệ tập thể. Cho đến nay, Đảng ta khẳng định việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là tất yếu, là để Đảng và dân tộc phát triển bền vững, ổn định và phồn thịnh. Dù có cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao buộc cho thôi các chức vụ trong thời gian gần đây là kết quả của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, chứ không có sự "bất ổn chính trị", bởi vì Đảng ta luôn thực hiện nguyên tắc "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể" để giữ vững đường lối và sự ổn định, phát triển tiến bộ, văn minh.

Tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời cảnh giác, phòng chống mọi hoạt động lợi dụng xâm phạm tự do tôn giáo và đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc, đặc biệt là các hoạt động lợi dụng người khoác áo tu hành để thực hiện mục tiêu vụ lợi, chia rẽ tôn giáo, kích động người dân làm những hành động trái pháp luật hiện hành.

Đảng ta đã khẳng định: Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của công dân. Mọi công dân đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi trước pháp luật, không phân biệt người theo đạo và không theo đạo, cũng như giữa các tôn giáo khác nhau. Điều 5, Hiến pháp 2013 quy định: "Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc". Nêu cao tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc, không phân biệt vùng miền, dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội; tiến tới xóa bỏ mọi thù hằn, định kiến, mặc cảm dân tộc, hướng về tương lai trên tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm và tin cậy lẫn nhau.

Kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục không đúng với truyền thống, giáo lý tốt đẹp; nhận diện, cảnh giác, lên án những hành động lợi dụng các vụ việc, các điểm nóng, bức xúc xã hội nhằm lôi kéo, phá hoại đoàn kết trong Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc ta nhằm hướng đến xây dựng một Việt Nam thống nhất, hùng cường.

TS. Lê Trung Kiên 

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh