Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ VI

(Mặt trận) - Sáng 1/12, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra tại Hà Nội. Đại hội đánh dấu chặng đường 25 năm xây dựng, phát triển của Hội với nhiều thành tích, góp phần vào sự phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đại hội vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Phát biểu khai mạc Đại hội, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, Đại hội nhiệm kỳ VI có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính lịch sử. Bởi Đại hội diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân đang triển khai mạnh mẽ chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh vừa phát triển đất nước, vừa phải căng mình đối phó với dịch bệnh diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, toàn xã hội, trong đó có Hội Khuyến học Việt Nam.

Nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự phối hợp của nhiều tổ chức, bộ, ban ngành, và đồng thuận của nhân dân,  hệ thống Hội đã có nỗ lực vượt bậc, đoàn kết nhất trí, lao động sáng tạo, không ngừng đổi mới, đạt được nhiều kết quả tốt. Hội đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Đại hội V đề ra, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục đào tạo; đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Kết quả này đánh dấu sự phát triển cả về chất và lượng của hệ thống Hội, bước đầu đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới dưới sự tác động mạnh mẽ của cách mạng 4.0...

 Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam; khẳng định sự đóng góp không mệt mỏi của toàn thể thế hệ lãnh đạo, hội viên đã góp phần quan trọng, không thể thiếu vào sự nghiệp phát triển, đổi mới giáo dục của nước nhà cũng như sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Hơn 21 triệu hội viên Hội Khuyến học Việt Nam thực sự đã và đang phấn đấu xây dựng các mô hình từ công dân học tập đến gia đình học tập, dòng học học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập để xây dựng cả một xã hội học tập, trong đó hơn 21 triệu hội viên là những người thực sự gương mẫu đi đầu.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam về mặt kinh tế có chỉ số xếp hạng trung bình nhưng các chỉ số về sự học đều đứng ở thứ hạng cao hơn nhiều so với những nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Chỉ số đổi mới sáng tạo của nước ta trong 4-5 năm qua liên tục đứng thứ dưới 50, năm 2021 đứng thứ 44. Điều đó cho thấy, toàn Đảng, toàn dân đều chú ý đến sự học, qua đó góp phần vào sự cải thiện các chỉ số liên quan.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Hội Khuyến học Việt Nam góp phần quan trọng vào việc nâng bậc các thứ hạng này. Nếu không có Hội Khuyến học Việt Nam, phong trào khuyến học, khuyến tài thì chắc chắn các chỉ số liên quan đến con người, giáo dục… của Việt Nam không thể đạt được tiến bộ như hiện nay.

Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã có những bước tiến khá dài về xây dựng một nền giáo dục mở từ những ngày đầu tiên khi triển khai Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, tới đây cần đẩy mạnh hơn nữa. Không chỉ đơn giản là việc xây dựng các kho học liệu mở, tạo điều kiện để cho tất cả mọi người học liên thông từ trong hệ thống bổ túc văn hóa trước đây… hay giải quyết các vướng mắc cụ thể mà quan trọng hơn là mở ra một phương thức đào tạo mới mà Việt Nam cần tranh thủ thực hiện để tiến lên mạnh mẽ. Trước đây, đào tạo theo phương thức một thầy, một chương trình và nhiều học trò nhưng giờ hướng tới mỗi người học riêng một chương trình phù hợp với mình, cũng có những tiết học một học trò và nhiều thầy. Đây là xu thế rất mới của thế giới mà nếu chúng ta đón đầu thì sẽ tận dụng được thời cơ.

Phó Thủ tướng đề nghị, Hội Khuyến học Việt Nam làm đầu mối triển khai các hoạt động nâng cao kỹ năng cho người dân; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đưa ra thật nhiều mô hình mới, cách làm hay. Các cấp Hội, đặc biệt dưới cơ sở phối hợp tốt với các hệ thống, cơ sở giáo dục đào tạo nghề nghiệp, các ngành thương binh xã hội, nông nghiệp, cố gắng trong nhiệm kỳ này khôi phục, phát huy, đưa hoạt động của 10.000 Trung tâm học tập cộng đồng đi vào hoạt động thực chất, hiệu quả; dùng công nghệ đổi mới hoạt động của hệ thống trung tâm.

Đoàn Chủ tịch Đại hội. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Nhìn lại chặng đường 25 năm qua Hội Khuyến học Việt Nam rất lớn mạnh cả về chất và lượng, tổ chức Hội đã phủ kín các xã, phường, thôn, bản với hơn 21 triệu hội viên, đưa việc học tập suốt đời và xây dựng các thiết chế học tập của người dân gắn chặt với đời sống cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố. Hội đã khơi dậy, phát huy truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc; thúc đẩy từng người dân, từng dòng họ, từng bản làng tham gia vào việc học tập thường xuyên. Hội luôn gắn việc học của mỗi người dân với lời dạy của Bác Hồ - “Học không bao giờ cùng” như một triết lý của sự học hành… 

Trong 5 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vẫn tiếp tục phát triển và khẳng định nội lực của hệ thống Hội khuyến học toàn quốc. Trong giai đoạn này, Hội đã thực hiện tốt chức năng tư vấn, đề xuất với cấp ủy và chính quyền các cấp về chỉ đạo các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; công tác triển khai thực hiện Đề án 281 đạt vượt mức mục tiêu tỷ lệ các mô hình học tập đề ra; Quỹ Khuyến học Việt Nam đã huy động được hơn 47,8 tỷ đồng để giúp đỡ học sinh, sinh viên, người lớn có điều kiện tham gia học tập tốt  hơn...

Tại Đại hội, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tặng Cờ Thi đua xuất sắc cho 24 đơn vị; Bằng khen cho 18 đơn vị; Bảng vàng vinh danh khuyến học cho 14  cán bộ, hội viên đã có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 1996-2021.

Đại hội Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ VI đã bầu ra 94 đại biểu vào Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam khóa VI.

Ban chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam thống nhất bầu nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tiếp tục làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026.