Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII: Một nhiệm kỳ với nhiều dấu ấn nổi bật

(Mặt trận) - Sáng 9/3/2022, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, tiến hành phiên họp trù bị để biểu quyết thông qua Chương trình Đại hội với các nội dung làm việc quan trọng, hoàn tất công tác chuẩn bị cần thiết cho phiên khai mạc, sẽ được tổ chức trọng thể vào sáng 10/3.

Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền

Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Quy định 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính

Các đại biểu biểu quyết thông qua Chương trình làm việc. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN 

1.000 đại biểu chính thức là những phụ nữ tiêu biểu tham dự Đại hội

Trước giờ khai mạc Phiên họp trù bị Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022-2027), các đại biểu dự Đại hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành kính dâng hương, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ (đường Bắc Sơn, Hà Nội).

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII Hà Thị Nga dẫn đầu Đoàn.

Đoàn đã đặt hoa, viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam. Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại," phía dưới là dòng chữ “Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.”

Trong giờ phút thiêng liêng, các đại biểu bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Người đã hiến dâng cuộc đời mình vì độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, Người đã đặt nền tảng tư tưởng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đưa đất nước vững bước trên con đường đổi mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Hình ảnh các đại biểu đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) 

Tiếp đó, các đại biểu dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã đặt hoa và dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ, tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của phụ nữ Việt Nam trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Người xác định phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ.”

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhận thấy phụ nữ có nhiều khả năng làm lãnh đạo, từ cấp cơ sở đến Trung ương, do đó, Người đề nghị Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành phải đặc biệt chú ý, cất nhắc phụ nữ vào đúng những vị trí, chức vụ phù hợp với khả năng để chị em có điều kiện phát huy năng lực của mình.

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11/3/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, với chủ đề: Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước, Đại hội sẽ đánh giá phong trào phụ nữ và hoạt động Hội 5 năm qua và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027.

Về dự Đại hội có 1.000 đại biểu chính thức là những phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho các lực lượng phụ nữ, các dân tộc, tôn giáo và các lĩnh vực hoạt động khác nhau trong cả nước và khoảng 200 đại biểu khách mời.

Nhiều kết quả nổi bật

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN 

Theo dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII, 5 năm qua, các cấp Hội Phụ nữ đã đăng ký gần 17 nghìn công trình/phần việc với cấp ủy chính quyền địa phương và gần 13 triệu hộ gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”. Hội đã khởi xướng, thực hiện nhiều mô hình như “Ngôi nhà Bình yên”, “Làng quê an toàn”, “Tuyến phố an toàn”…

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 và thiên tai, các cấp Hội, đặc biệt là cấp Hội cơ sở đã nỗ lực vượt khó, bám sát địa bàn triển khai hoạt động Hội, chủ động quan tâm chăm lo sức khỏe và đời sống cho hội viên, phụ nữ. Chỉ tính riêng trong hai năm 2020 - 2021, Hội đã vận động được trên 480 tỷ đồng và 730 nghìn phần quà san sẻ yêu thương; đỡ đầu gần 500 trẻ mồ côi. Trong nhiệm kỳ, Hội đã vận động được 746 tỷ đồng xây dựng và sửa chữa mái ấm tình thương với trên 3.000 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.

Bên cạnh đó, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường đã có những điểm khởi sắc, chuyển đổi mạnh mẽ. Hội đã vận động được 174,8 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương và xã hội hóa (79,3 tỷ đồng), qua đó giúp đỡ gần 73 nghìn phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; gần 12 nghìn mô hình kinh tế tập thể và gần 800 hợp tác xã được thành lập.

Công tác xây dựng tổ chức Hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện giám sát, phản biện xã hội và công tác đối ngoại nhân dân ngày càng đổi mới, đi vào thực chất. Bằng quyết tâm, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đến cuối nhiệm kỳ XII, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có trên 19 triệu hội viên (vượt gần 2,2 lần so với chỉ tiêu).

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ khẳng định, sự trưởng thành của hội viên phụ nữ ở tất cả các lĩnh vực đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới với những tiến bộ rõ nét.

Bà Hà Thị Nga cho biết, về mặt chính sách, cùng với tham gia triển khai các chính sách hỗ trợ của các địa phương, các cấp Hội đã kịp thời phát hiện những bất cập và đề xuất điều chỉnh để không phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau; quan tâm tới vấn đề giới khi thực hiện chính sách tại các khu cách ly, phong tỏa, các cơ sở y tế các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội (hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu liên quan đến vệ sinh phụ nữ, trẻ em; tiếp nhận, chăm sóc phụ nữ đi sinh đẻ an toàn...

Bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ

Các đại biểu biểu quyết thông qua đoàn Chủ tịch đại hội. Ảnh: TTXVN 

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đặt ra nhiều mục tiêu cho nhiệm kỳ XIII (2022 - 2027). Theo đó, hằng năm, mỗi cơ sở Hội duy trì thường xuyên ít nhất 1 loại hình hoạt động để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe.

Các cấp hội phụ nữ phấn đấu giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 17.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; đến cuối nhiệm kỳ, vận động, hỗ trợ thành lập mới 350 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý. Đến cuối nhiệm kỳ XIII, các cấp Hội nỗ lực hỗ trợ 80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được phát hiện tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội.

Hàng năm, mỗi cơ sở Hội sẽ vận động, hỗ trợ thêm 5 hộ gia đình đạt tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch” hoặc “gia đình 5 có, 3 sạch” (đối với địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu), phấn đấu cả nước giúp được thêm 55.000 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí; mỗi cơ sở Hội đăng ký và thực hiện 1 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Đến cuối nhiệm kỳ 2022 - 2027, Hội sẽ phấn đấu tăng thêm 800.000 hội viên; phấn đấu 100% cơ sở Hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn; 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội; 100% chi hội trưởng được tập huấn nghiệp vụ công tác Hội.

Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp Trung ương và cấp tỉnh chủ trì giám sát ít nhất một chính sách và phản biện xã hội ít nhất một dự thảo văn bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức Hội. Mỗi Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện, cấp xã giám sát ít nhất một chính sách và góp ý ít nhất một dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền. Đến cuối nhiệm kỳ, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp Trung ương đề xuất thành công ít nhất 5 chính sách, đề án. Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh đề xuất thành công ít nhất một chính sách, đề án liên quan đến phụ nữ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng Hoàng Thị Thu Hương cho biết, Hội Phụ nữ thành phố kêu gọi mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo vững bước, tự tin xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: có kiến thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc.

Theo bà Hoàng Thị Thu Hương, phụ nữ cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vượt khó vươn lên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đổi mới, sáng tạo trong triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII góp phần cùng thành phố thực hiện hiệu quả “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội”.

Có thể thấy, thời gian qua, phụ nữ Việt Nam, dù thuộc dân tộc, tôn giáo, địa vị, nghề nghiệp, địa bàn cư trú, lứa tuổi nào cũng luôn giữ gìn, phát huy truyền thống, phẩm chất đạo đức, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước.Các chị luôn chăm lo, vun đắp hạnh phúc gia đình, nỗ lực vươn lên khẳng định vai trò, vị thế to lớn trong đời sống xã hội.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho hay, Trung ương Hội đã gửi văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ khi trở về địa phương; đề xuất với Chính phủ một số giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp nữ, gia đình hội viên khó khăn vượt qua dịch bệnh...

Đặc biệt, Trung ương Hội đã phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu” để hỗ trợ kịp thời cho các trẻ em bị mồ côi cha mẹ do đại dịch COVID-19. Đây là hoạt động mạng đậm dấu ấn của tổ chức Hội và phụ nữ, qua đó thể hiện rõ vai trò chủ động, đi đầu của tổ chức hội trong việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, phụ nữ. Bằng nhiều hình thức, các cấp Hội đã tổ chức thăm hỏi, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch bằng những bữa ăn, những phần quà thiết thực, gửi thư khen tới các cá nhân, tập thể có thành tích trong phòng, chống dịch…

Vinh danh 13 công trình, phần việc vượt khó sáng tạo

Tại Phiên trù bị Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trao Bằng khen tặng 13 đơn vị có công trình, phần việc vượt khó sáng tạo chào mừng Đại hội.

Tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII đã phát động đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII với chủ đề 130 công trình, phần việc vượt khó, sáng tạo, hiệu quả chào mừng Đại hội; phấn đấu khi kết thúc đợt thi đua, mỗi tỉnh, thành phố, đơn vị giới thiệu ít nhất một công trình, phần việc, hành động thiết thực xuất sắc của tập thể và một hành động thiết thực xuất sắc của cá nhân để Trung ương Hội lựa chọn 130 công trình, phần việc xuất sắc tiêu biểu.

Hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt, nhiều tỉnh, thành phố đã phát động đợt thi đua đặc biệt trong hệ thống với chỉ tiêu cụ thể đối với cấp huyện và cơ sở, đăng ký và triển khai thực hiện các công trình, phần việc chào mừng cụ thể.

Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã thực hiện 105.162 công trình, phần việc, hành động; trong đó các cấp Hội đã vận động, trao tặng 511.988 suất quà, xây mới và sửa chữa 2.084 mái ấm tình thương, nhận chăm sóc và đỡ đầu 5.747 trẻ mồ côi do dịch COVID-19, hỗ trợ 3.042 mô hình sinh kế, tôn tạo 180 di tích, xây dựng và sửa chữa 918 công trình đường và trường học, trang trí và vệ sinh 6.553 đoạn đường… với tổng giá trị 625 tỷ đồng. 

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã lựa chọn 130 công trình, phần việc, hành động tiêu biểu đưa vào vòng bình chọn tại cụm. Sau khi thực hiện bình chọn trực tuyến 2 vòng, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 13 công trình, phần việc xuất sắc tiêu biểu toàn quốc chào đón Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Đây là lần đầu tiên, Trung ương Hội đổi mới cách thức lựa chọn 13 công trình, phần việc xuất sắc tiêu biểu toàn quốc thông qua bình lựa chọn trực tuyến thực hiện theo 2 vòng. Vòng 1: bình chọn trên fanpage của Hội Liên hiệp Phụ nữ 8 tỉnh/thành phố, đơn vị cụm trưởng để đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tương tác và bình chọn, mỗi cụm lựa chọn 3 công trình phần việc tiêu biểu có số lượt tương tác cao nhất cùng với 8 công trình/phần việc do Trung ương Hội đề cử đưa vào vào bình chọn vòng 2. Vòng 2 có 32 công trình, phần việc được tăng tải trên fanpage của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để cán bộ hội viên phụ nữ cả nước vào tương tác, bình chọn.

Danh sách 13 công trình, phần việc xuất sắc chào mừng Đại hội gồm:

Chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương" của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh; 

Công trình thi đua đặc biệt "100 hoạt động/phần việc hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo" của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk; 

Công trình thu gom phế liệu xây dựng "Khuôn viên nhà văn hóa phụ nữ tự quản" của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương; 

Tour tham quan trên nền tảng số 360 độ của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; 

Công trình"Kết nối yêu thương"của bà Trần Bích Thuận, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu Hòa Bình 1, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; 

Công trình Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ bảo vệ môi trường, xây dựng quỹ tình thương giúp trẻ mồ côi và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình;

Công trình "Xây dựng nhà trưng bày sản phẩm OCOP do phụ nữ sản xuất" của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng; 

Công trình: tu bổ, tôn tạo Khu Di tích địa điểm cơ quan Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam ở, làm việc tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên phối hợp với các đơn vị liên quan;

Đường tranh bích họa của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố  Vũng Tàu; 

Chương trình "Đồng hành cùng thành viên Tổ chức tài chính vi mô Tình thương (TYM) vượt qua đại dịch COVID-19" và Phong trào mỗi cán bộ TYM tiết kiệm tối thiểu 5.000 đồng/ngày trao học bổng cho con của TYM; 

Lắp hệ thống đèn năng lượng mặt trời tại khu vực Văn bia trấn ải – Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ xã Pha Long, huyện Mường Khương của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai; 

Tổ chức lao động cộng sản Mở rộng và san đắp lề đường bê tông nông thôn tại thôn Pha - xã Đồng Tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang;

Công trình " Phụ nữ Quân đội lan tỏa yêu thương" của Ban Phụ nữ Quân đội.