Cuốn sách của Tổng Bí thư về phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc: Góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước

(Mặt trận) - Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa phối hợp với Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và Tạp chí Cộng sản tổ chức xuất bản cuốn sách “Phát huy truyền thống Đại Đoàn kết toàn Dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách đã thể hiện tư duy nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về xây dựng, phát huy khối Đại Đoàn kết toàn Dân tộc, được minh chứng qua việc thực hiện phong phú, với sự chỉ đạo rất sâu sát, cụ thể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với từng giai cấp, tầng lớp, với các tổ chức, với nhân dân Việt Nam trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - Nhân tố quyết định Đại thắng mùa xuân năm 1975

Hiệp định Geneva 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Một biểu tượng chói lọi của văn hóa Việt Nam

  Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt và phát hành bản điện tử cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 

Tiếp cận cuốn sách với vai trò là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và là Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam ở Châu Âu, ông Hoàng Đình Thắng nêu rõ, việc ra mắt cuốn sách có ý nghĩa hơn khi được diễn ra đúng vào đúng dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2023).

Cuốn sách gồm bài tổng quan và 75 bài nói, bài viết, bài phát biểu tiêu biểu, bài trả lời phỏng vấn, thư, lời kêu gọi cùng với 142 bức ảnh tiêu biểu phản ánh sinh động các chuyến thăm và làm việc ở địa phương, cơ sở của 63 tỉnh, thành của Tổng Bí thư.

Nội dung cuốn sách được chia gồm 3 phần: Đại Đoàn kết toàn Dân tộc - Sức mạnh nội sinh, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, các địa phương, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc đổi mới đất nước.

Chia sẻ ấn tượng của mình về nội dung phần thứ nhất mà cuốn sách đề cập, ông Hoàng Đình Thắng cho rằng, với bài viết tổng quan và 4 bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội nghị Toàn quốc triển khai Chương trình Hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các bài viết, bài phát biểu thể hiện tư duy chiến lược, nhất quán, xuyên suốt của đồng chí Tổng Bí thư đối với nhiệm vụ phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò nòng cốt chính trị, hạt nhân đoàn kết, cùng các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức vận động, tập hợp, quy tụ đông đảo các tầng lớp nhân dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

 

 Ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và là Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam ở Châu Âu

Theo ông Hoàng Đình Thắng, tại Lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Bí thư đã phát biểu: “Đại Đoàn kết Dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta. Là biểu trưng sinh động của tư tưởng đoàn kết thống nhất toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc cần động viên, phát huy tốt hơn nữa vai trò đoàn kết các giai tầng, nêu cao vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới đồng bào, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài."

Điều này cho thấy, ở trong nước cũng như nước ngoài, tinh thần Đại Đoàn kết toàn Dân tộc luôn được Đảng ta coi là nhiệm vụ sống còn. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng ta luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác gắn kết, động viên các cá nhân tiêu biểu để họ ngày càng hướng về quê hương.

Cũng theo ông Hoàng Đình Thắng, truyền thống Đại Đoàn kết Dân tộc là yếu tố cốt lõi để xây dựng cộng đồng người Việt Nam có tổ chức, thống nhất, có vị thế ngày càng cao ngay trên nước bạn. Cũng nhờ tinh thần của Đại Đoàn kết Dân tộc, mỗi người Việt Nam ở nước ngoài thêm hiểu tầm quan trọng và sức mạnh của việc gắn kết, phối hợp trong mọi hoạt động của các hội đoàn người Việt trong khu vực.

Từ đó, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu được thành lập năm 2016, trải qua hai nhiệm kỳ Đại hội, Liên hiệp Hội đã tập hợp được các hội đoàn người Việt đến từ 23 nước thuộc châu Âu; đồng thời, thúc đẩy thành công việc thành lập Liên hiệp Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại châu Âu vào tháng 11/2021, Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu vào tháng 9/2022. Cả hai tổ chức này đều là hội thành viên trực thuộc Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu; được thành lập với mong muốn xây dựng Liên hiệp hội Người Việt Nam tại châu Âu hoạt động theo mô hình Mặt trận.

 

Ông Hoàng Đình Thắng cho rằng, trong ngôi nhà chung của khối Đại Đoàn kết Dân tộc, đặc biệt là đối với cộng đồng người Việt Nam làm việc và sinh sống ở nước ngoài, tinh thần đại đoàn kết đóng vai trò tích cực, là nguồn động lực để bà con hội nhập tốt hơn ở nước sở tại nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc Việt, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, phong tục, tập quán tốt đẹp, truyền thống văn hóa Việt Nam đến với chính quyền và nhân dân sở tại.

Cuốn sách là những bài học sâu sắc về đoàn kết, chiến lược Đại Đoàn kết toàn Dân tộc, tiến tới mục tiêu “Xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao làm điểm tương đồng, để động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ mọi thời cơ, sự đóng góp của nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."

“Xây dựng khối Đại Đoàn kết toàn Dân tộc là trách nhiệm, mục tiêu của toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội, mỗi người dân Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu. Nếu phát huy được sự đồng thuận của nhân dân; sự chung sức, đồng lòng của toàn dân thì nhiệm vụ nào cũng sẽ hoàn thành thắng lợi”, ông Hoàng Đình Thắng bày tỏ.

Ông Hoàng Đình Thắng cho rằng cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” cần được nghiêm túc nghiên cứu, đúc kết, rút ra bài học; từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước. Cuốn sách cần được coi là kim chỉ nam để tiếp tục phát huy truyền thống Đại Đoàn kết Dân tộc cả ở trong và ngoài nước.