Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chỉ dẫn và động lực quan trọng đối với báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay

(Mặt trận) - Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra nhiều nhận định, định hướng, chỉ đạo quý báu đối với báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là những chỉ đạo có tính hệ thống, xuyên suốt trong các bài phát biểu, bài báo từ năm 1986 đến năm 2022. Trên cơ sở phân tích các định hướng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong cuốn sách, bài viết đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại nước ta trong bối cảnh hiện nay.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng có 29 năm làm báo chuyên nghiệp, trải qua các vị trí từ phóng viên tập sự đến Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Đồng chí đã chấp bút viết, biên tập nhiều tác phẩm báo chí với nhiều thể loại khác nhau, từ xã luận, chuyên luận, bình luận, tiểu phẩm đến giới thiệu sách, giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn, phê phán các biểu hiện sai trái, tiêu cực... Đồng chí nắm được tư duy, phương pháp của người làm báo, thấu hiểu sự trăn trở, suy tư của người làm báo trong quá trình sáng tạo một tác phẩm báo chí hay phục vụ công chúng. Sau này, khi đã ở cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng chí vẫn tiếp tục viết báo, quan tâm đặc biệt đến các nhà báo và chỉ đạo sát sao công tác báo chí(1).

Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, đồng chí Tổng Bí thư đưa ra nhiều nhận định, định hướng, chỉ đạo quý báu đối với báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Khẳng định vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được khẳng định trong các văn kiện của Ðảng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Báo chí năm 2016, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018... Với vị thế là cơ quan ngôn luận của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, là tiếng nói và diễn đàn của các tầng lớp nhân dân, báo chí luôn giữ vai trò rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong nhiều bài phát biểu, bài viết trong cuốn sách, Tổng Bí thư luôn coi trọng và đề cao vai trò của báo chí trong các thiết chế giám sát và phản biện xã hội góp phần tạo nên sức mạnh trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Báo chí là một trong những công cụ đắc lực và hiệu quả trong việc ngăn ngừa và vạch trần tệ tham nhũng”(2); “Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí...”(3).

Tổng Bí thư khẳng định: chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Vậy một câu hỏi được đặt ra là vì sao lại có được những kết quả đó? Đồng chí nhấn mạnh 5 nguyên nhân cơ bản, trong đó sự chủ động vào cuộc rất tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng(4).

Nhìn nhận, đánh giá cụ thể những kết quả công tác báo chí đã đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư cho rằng: “Hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh; nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng được nâng lên. Công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm, dư luận quan tâm, giúp định hướng tốt dư luận xã hội và cũng thể hiện sự công khai, minh bạch của Đảng, Nhà nước trong xử lý tham nhũng. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng”(5).

Việc quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực,... tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.“Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được tăng cường và có nhiều đổi mới; sự giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của nhân dân và báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy tốt hơn”(6).

Trên thực tế, thông qua thực hiện chức năng của mình, báo chí góp phần phát hiện, đấu tranh với những vụ việc, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực từ đó phản ánh, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý, giám sát việc thực thi của các cơ quan chức năng, đồng thời tuyên truyền cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ngoài các vụ việc được cung cấp thông tin từ các cơ quan chức năng, báo chí đã phát hiện, khai thác thông tin một cách đa dạng qua phản ánh, tố cáo của người dân, qua thư bạn đọc hoặc các phương pháp điều tra đặc thù của phóng viên... Như vậy, báo chí chính là phương tiện, diễn đàn để người dân thực hiện quyền giám sát, tự do ngôn luận, phản ánh, kiến nghị, đề xuất ý kiến đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền.

Nâng cao năng lực của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ngay từ năm 1986, trong bài viết trên Tạp chí Cộng sản với bút danh Phan Chính, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đề xuất phải tăng cường công tác tư tưởng, trong đó “công tác tư tưởng phải được đổi mới về cả nội dung và hình thức, tổ chức và phương pháp, con người và phương tiện tuyên truyền, giáo dục”(7). Riêng đối với báo chí, cần “sắp xếp lại và kiện toàn hệ thống báo, đài từ trung ương đến địa phương, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các cơ quan báo chí, nâng cao chất lượng, nâng cao tính quần chúng và tính chiến đấu của báo chí, làm cho báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đáp ứng yêu cầu và trình độ ngày càng cao của nhân dân”(8).

Vấn đề phát triển năng lực của báo chí về phòng, chống tham nhũng là định hướng xuyên suốt cho đến những năm 2021, 2022: “Nghiên cứu xây dựng kênh hoặc chương trình truyền hình thường xuyên trên Đài Truyền hình Việt Nam về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là xây dựng liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân”(9).

Cụ thể hóa những chỉ đạo về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, phát biểu tại các hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư yêu cầu: “Các cơ quan truyền thông cần đăng tin, bài định hướng đúng đắn dư luận xã hội để thấy rõ những kết quả tích cực của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như những hạn chế, yếu kém, những khó khăn, phức tạp; khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”(10).

Phát biểu kết luận Phiên họp thứ 19 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 23-01-2021 và Cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo, ngày 27-4-2022, đồng chí nhấn mạnh: “đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục chấn chỉnh, đấu tranh, loại bỏ tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng sẽ “làm chậm sự phát triển”, làm “hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, “nhụt chí”, “làm cầm chừng”, “phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”(11). Đây là những nhiệm vụ không mới, nhưng rất quan trọng. Bởi tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao nhận thức, tinh thần, ý thức, đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất.

Về cách thức làm báo, Tổng Bí thư chỉ rõ, phải chú trọng thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, “Khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử”(12).

Các nhà báo cần học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của nhà báo Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng vĩ đại của Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã sử dụng báo chí như một thứ vũ khí vô cùng sắc bén, lợi hại để tấn công kẻ thù và phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội. Người luôn chọn lựa, gọt giũa, cân nhắc từng từ, từng câu. Tác phẩm của Người dù viết bằng thứ tiếng nào, thuộc thể loại nào, cũng thể hiện đậm nét đặc điểm luận chiến, thấm sâu chất tư duy trí tuệ, tạo nên một phong cách riêng. Những phương hướng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra đối với nhà báo vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Vì vậy, Tổng Bí thư nhiều lần nhắc nhở các nhà báo cần học tập tấm gương nhà báo Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc quan điểm của Người: “phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”, như Bác Hồ đã dặn”(13). Phải quán triệt sâu sắc tư tưởng “dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng, nhưng không đơn giản “theo đuôi”, chạy theo dư luận(14).

Những bài học kinh nghiệm, những lời dạy bảo ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là kim chỉ nam quý báu cho mỗi nhà báo trong sự nghiệp “phò chính, trừ tà”. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, đất nước đứng trước những cơ hội mới, đồng thời cũng phải đương đầu với nhiều thách thức to lớn, do đó nền báo chí nước nhà phải đảm đương những nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi các nhà báo cần nắm bắt và vận dụng những giá trị quý báu trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí nói riêng. Nhờ đó, báo chí có thể bảo đảm tính kế thừa các giá trị tinh hoa của truyền thống và phát huy sự sáng tạo, hiệu quả trong hoàn cảnh mới.

Cần có cơ chế hỗ trợ báo chí hoạt động hiệu quả hơn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thực hiện nghiêm túc cơ chế khen thưởng, kỷ luật là nguyên tắc tạo động lực, khuyến khích, đồng thời bảo đảm báo chí nói chung, nhà báo nói riêng hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng. Tổng Bí thư chỉ đạo: “Bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước, xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu”(15).

Phát biểu kết luận Phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 28-9-2015, đồng chí cũng nhắc nhở điều này: “chỉ đạo xử lý vi phạm quy định về quản lý, cung cấp thông tin và những hành vi lợi dụng việc tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ”(16).

Liên quan đến công tác khen thưởng, kỷ luật, báo chí, nhất là các nhà báo đảng viên phải tăng cường tự phê bình và phê bình. Trong Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ngày 27-02-2012, Tổng Bí thư đưa ra vấn đề: “phải có kỷ luật kỷ cương; vì đây là mặt trận tư tưởng của Đảng, người làm báo là những chiến sĩ trên mặt trận này. Từng đảng viên là nhà báo dịp này cũng phải thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Các đồng chí lãnh đạo cơ quan báo chí, trước hết là các đồng chí Trung ương, tổng biên tập có quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương không, có thực hiện đúng Quy định những điều đảng viên không được làm không?”(17).

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư chỉ đạo: “Phải có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người chống tham nhũng, những người tham gia phê bình”(18). Đây là sự nhắc nhở không chỉ đối với công tác phòng, chống tham nhũng nói chung mà còn đối với báo chí về trách nhiệm cũng như quyền lợi khi tham gia phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, trong các chỉ dẫn của Tổng Bí thư về cơ chế hỗ trợ báo chí, còn có định hướng để báo chí được bảo đảm về cơ chế cung cấp thông tin, thực hiện tốt hơn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng: “yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các thông tin do báo chí phản ánh về tham nhũng, tiêu cực”(19); “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp một cách kịp thời, đúng pháp luật cho các cơ quan báo chí những thông tin có liên quan đến tham nhũng”(20).

Một số khuyến nghị

Từ việc nghiên cứu cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; với những định hướng cơ bản trên, đề xuất một số khuyến nghị sau:

Một là, những chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra yêu cầu, định hướng quan trọng đối với báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi báo chí phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới mục tiêu xây dựng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng” và cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”. Đó là những chỉ dẫn có giá trị lý luận và thực tiễn cao để báo chí làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, góp phần tạo ra bước tiến mới, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân dân.

Hai là, các hoạt động quản lý thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí cần được thực hiện hiệu quả, đồng bộ, về mục tiêu quản lý, chủ thể quản lý, đối tượng quản lý, phương thức, công cụ quản lý. Các chủ thể quản lý cần đổi mới tư duy, chiến lược trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng như phương châm Tổng Bí thư đã đúc kết: “Nhận thức phải chín; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng; góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, thực sự có kết quả rõ ràng, cụ thể”(21).

Ba là, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được chú trọng nâng cao chất lượng, thu hút sự hưởng ứng, tham gia tích cực, đông đảo của các cơ quan báo chí, nhà báo và các tầng lớp nhân dân. Sau ba lần tổ chức thành công, giải thưởng lần thứ tư, năm 2022-2023 tiếp tục được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức và chính thức phát động từ ngày 13-11-2021 tại Hà Nội. Các cơ quan báo chí, cơ quan phối hợp và các nhà báo cần phát huy kết quả đạt được của ba mùa giải trước, đề cao trách nhiệm, đồng lòng, chung sức để lựa chọn được những tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc vinh danh tại Lễ trao giải diễn ra vào tháng 11-2023 vừa qua.

_________________

Ngày nhận bài: 26-6-2023; Ngày bình duyệt: 10-7-2023; Ngày duyệt đăng: 24-7-2023.

(1) Đỗ Phú Thọ: Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn, https://www.qdnd.vn, truy cập ngày 06-6-2023.

(2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (2), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.66, 21, 100-101, 97, 33, 220, 221, 205, 61, 205, 61, 40, 105, 79, 201, 335, 334, 34, 61, 40.