Công tác cán bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong xây dựng Đảng

(Mặt trận) - Thực tế cho thấy, việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ gây ra những hậu quả rất nặng nề, làm suy giảm năng lực lãnh đạo, mất uy tín của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Nói về tầm quan trọng của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc.” Người cho rằng muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém, lựa chọn cán bộ là khâu đầu tiên nhưng quyết định đến thành quả cuối cùng.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

 Toàn cảnh Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Trong hơn 5,3 triệu đảng viên hiện nay, đại đa số đa số đều có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức, luôn giữ vai trò tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ, làm tốt việc động viên quần chúng nhân dân vượt qua mọi thử thách, đưa cách mạng nước ta giành nhiều thành công to lớn trong giai đoạn mới.

Nếu cán bộ là "gốc rễ" của mọi công việc thì công tác cán bộ là "gốc rễ của gốc rễ." Công tác cán bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Lựa chọn cán bộ tương tự như việc chọn giống cây - giống tốt thì cây khỏe, giống xấu hoặc bị nhiễm bệnh thì cây sẽ còi cọc, thậm chí là chết yểu.

Chính vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, coi đây là khâu “then chốt của then chốt,” cùng với việc hết sức quan tâm làm tốt công tác cán bộ, còn chú trọng phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Thực tế cho thấy, việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ gây ra những hậu quả rất nặng nề, làm suy giảm năng lực lãnh đạo, mất uy tín của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Những người bất tài, phẩm chất đạo đức kém, khi ngồi vào vị trí quan trọng rất dễ sa vào tội tham nhũng, tiêu cực, gục ngã trước sự lôi kéo của thế lực thù địch, gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tác động đến sự tồn vong của Đảng, chế độ. Hơn nữa, nạn chạy chức, chạy quyền tạo ra một thế hệ cán bộ không chăm trau dồi nghiệp vụ, đạo đức, mà chỉ lo xây dựng “mối quan hệ”, sẵn sàng dùng tiền để giải quyết mọi vấn đề.

Không khó để nhìn ra những cán bộ kém cỏi nhưng thăng tiến “thần tốc.” Dương Chí Dũng leo lên chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines dù trình độ quản lý yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài, gây ra những thiệt hại to lớn cho ngân sách nhà nước.

Trịnh Xuân Thanh khi còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), đã phạm nhiều khuyết điểm, làm thất thoát số vốn lớn của Nhà nước mà vẫn thăng tiến rất nhanh, lên đến chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang. Cả hai trường hợp này đều đã bị trả giá, bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trần Vũ Quỳnh Anh cũng là một trường hợp được cất nhắc rất nhanh, được bổ nhiệm lãnh đạo một phòng ở Sở Xây dựng Thanh Hóa, được quy hoạch Phó Giám đốc Sở, khi chưa đủ điều kiện. Khi Thanh tra tỉnh Thanh Hóa vào cuộc, xác định quy trình bổ nhiệm Trần Vũ Quỳnh Anh có nhiều sai phạm, cả người bổ nhiệm và người được bổ nhiệm đều đã bị xử lý. Ông Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng bị kỷ luật khiển trách; còn Trần Vũ Quỳnh Anh đã bị khai trừ khỏi Đảng, mất hết chức vụ.

Gốc có vững, cây mới xanh tươi, việc lựa chọn cán bộ đúng chuẩn thì công việc mới đạt hiệu quả. Nhằm chấn chỉnh việc chấp hành nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ, ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Quy định số 114-QĐ/TW thay thế cho Quy định số 205-QĐ/TW và có nội dung bao trùm hơn. Trong khái niệm “tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” có cả tội “chạy chức, chạy quyền.”

Ngay từ đầu, ở phần giải thích từ ngữ, quy định mới đã làm rõ thế nào là quyền lực trong công tác cán bộ và thế nào là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong các khâu liên quan đến công tác cán bộ, gồm tuyển dụng, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, chỉ định, điều động; phong, thăng, giáng, tước quân hàm; đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ và phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Theo Quy định số 114-QĐ/TW, hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được quy định rất cụ thể, chi tiết. Đó là dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình. Đó cũng việc để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ. Đó là việc lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Đó là chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn...

Hành vi chạy chức, chạy quyền được quy định như sau: Môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích khác nhằm mục đích có được sự ủng hộ; chạy tuổi, chạy danh hiệu thi đua, bằng cấp... nhằm đạt đủ tiêu chuẩn, điều kiện để có được chức vụ, quyền lợi; lợi dụng các mối quan hệ thân quen để tác động, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm, nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi...

Các hành vi tiêu cực khác được nêu rõ trong quy định mới: Gặp gỡ nhân sự trái quy định, nhũng nhiễu đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự; thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý; làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu; báo cáo lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ không đầy đủ, không trung thực...

Quy định số 114-QĐ/TW nêu trách nhiệm rõ ràng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tham mưu; trách nhiệm của cán bộ tham mưu; trách nhiệm của nhân sự.

Theo quy định 114-QĐ/TW, câu thần chú “làm đúng quy trình,” “trách nhiệm tập thể” đã không còn hiệu nghiệm, vì không khó để cơ quan có thẩm quyền truy ra sai phạm ở cấp nào, cá nhân nào.

Quy định mới phân biệt rõ việc xử lý trách nhiệm trong kiểm soát quyền lực và trong tham nhũng, tiêu cực về công tác cán bộ. Khi vi phạm về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thì tập thể, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ đều phải xử lý nghiêm minh theo quy định, đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý sau: Trường hợp bị khiển trách thì sau ít nhất 12 tháng kể từ ngày quyết định khiển trách có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Trường hợp bị cảnh cáo thì xem xét miễn nhiệm, sau ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định miễn nhiệm có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ.

Trường hợp bị cách chức thì sau ít nhất 60 tháng kể từ ngày quyết định cách chức có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Trường hợp bị khai trừ khỏi Đảng thì đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Các trường hợp này đều không được bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra...

Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ là việc khó, nhưng rất quan trọng, góp phần làm cho công tác cán bộ ngày càng thực chất hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới. Việc quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định 114-QĐ/TW vào thực tế sẽ tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đây là trách nhiệm không chỉ của từng cấp ủy Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, mà rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia giám sát của nhân dân./.