Cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Bảo vệ môi trường đang ngày càng được xã hội quan tâm. Xác định được ý nghĩa và trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị của tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực nhằm huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

 Khu phố 6, phường Thanh Sơn (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) được trang bị thùng rác giúp người dân chủ động phân loại rác, bảo vệ môi trường.

MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh với vai trò kết nối các lực lượng, đã khơi dậy tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Từ phát động của MTTQ, cả cộng đồng tham gia tích cực các phong trào, cuộc vận động: "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường", "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh", "Toàn dân chung sức xây dựng NTM", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"…

Đặc biệt, tại nhiều địa phương đã đưa công tác bảo vệ môi trường vào quy ước, hương ước của khu dân cư và xem đó là một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hoá” hằng năm.

Thực hiện các giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh với vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, nhiều năm nay đã triển khai phong trào “Ngày thứ 7, Chủ nhật xanh” tại các khu dân cư đi vào nền nếp, huy động đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Từ phong trào này, nhiều tuyến phố, tuyến đường ngày càng trở nên phong quang, sạch sẽ; cống rãnh được khơi thông; cây xanh và hoa cũng được trồng nhiều dọc các tuyến đường làng, ngõ xóm…

Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hội phụ nữ các cấp còn duy trì hiệu quả nhiều phong trào, mô hình, như: Phân loại rác thải tại gia đình và nói không với rác thải nhựa gắn với mô hình Biến rác thành tiền; tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa; sử dụng men vi sinh để xử lý rác làm phân bón hữu cơ; chi hội phụ nữ sống xanh; chi hội “5 không, 3 sạch”… Hiệu quả lớn mà các mô hình, phong trào mang lại là ý thức, cũng như trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường được nâng lên, từ đó cụ thể hoá bằng những chương trình hành động thiết thực.

Cùng với Hội phụ nữ, phong trào bảo vệ môi trường cũng được Đoàn thanh niên trong tỉnh tập trung thực hiện. Riêng quý I/2021, toàn đoàn đã huy động trên 28.000 ĐVTN tham gia vệ sinh môi trường tại thôn, bản, khu phố, bờ biển và trồng 140.240 cây xanh.

Tại các cơ quan, xí nghiệp, trường học, lực lượng ĐVTN cũng chủ động tham gia vệ sinh trường lớp, khu vực cổng trường; thực hiện mô hình “Văn phòng xanh”, “Công sở văn minh xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, thiết thực hướng tới cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ĐVTN các địa phương đã đảm nhận nhiều phần việc, như: Sửa chữa đường làng, ngõ xóm, nhà văn hoá; trang trí khánh tiết tại các trục đường, tuyến phố, nhà văn hóa thôn, khu, trụ sở cơ quan; sửa chữa nhà bia tưởng niệm... Từ đó, tạo không khí thi đua sôi nổi trong ĐVTN có những hành động thiết thực, ý nghĩa hướng tới "Ngày hội toàn dân".

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian qua, Quảng Ninh đã nhận diện những tồn tại, bất cập, cũng như những áp lực đối với môi trường, từ đó ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án, đề án bảo vệ môi trường. Trong đó, tỉnh chú trọng thực hiện các dự án hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đô thị; trồng rừng, phục hồi, tái sinh rừng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; cải tạo và phục hồi môi trường các khu vực ô nhiễm tồn lưu; thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư…

Đặc biệt, để giải “bài toán” về rác thải rắn sinh hoạt, trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư và đưa vào vận hành các khu xử lý rác thải sinh hoạt, gồm: 5 khu xử lý liên vùng, liên huyện; 2 khu xử lý riêng cho một số xã đảo… Đối với các bãi chôn lấp không còn khả năng tiếp nhận và xử lý chất thải, hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường đã được UBND tỉnh chỉ đạo đóng cửa và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Đồng thời, tăng cường quản lý, thu gom và xử lý chất thải nguy hại, đảm bảo quy định của pháp luật; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, lưu trữ, buôn bán phế thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường...

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, tuy nhiên tốc độ đô thị hoá nhanh, hoạt động sản xuất than, điện sôi động trong những năm gần đây... vẫn là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn. Cùng với những giải pháp quyết liệt của các cấp, ngành, đơn vị thời gian qua, rất cần hơn nữa sự chung tay của cả cộng đồng bằng những hành động thiết thực bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Nguyễn Huế