Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ hội Tịch điền tại Hà Nam

(Mặt trận) -Sáng 7/2 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Nhâm Dần), tại cánh đồng Đọi Tín, xã Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), UBND tỉnh Hà Nam và thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2022.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ: Hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã về dự và thực hiện nghi lễ cày Tịch điền cùng nhân dân địa phương.

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, địa phương và nhân dân.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Lễ hội Tịch điền của Hà Nam là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia", từ lâu đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng - một lễ hội giàu tính nhân văn, ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai hoang, mở mang ruộng đồng, đề cao quan niệm: Lấy nông nghiệp làm căn bản, coi nông nghiệp là nền tảng ổn định đất nước, ổn định xã hội.

Chủ tịch nước nêu rõ, những năm gần đây, trong bối cảnh thiên tai dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 trong năm 2021, nông nghiệp, nông thôn của nước ta một lần nữa không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, tạo nền tảng ổn định cuộc sống, đóng góp vào hội nhập quốc tế, xuất khẩu lớn hàng đầu khu vực, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích và đề cao sự phát triển của nông nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch nước đánh giá, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Tỉnh Hà Nam là một trong những địa phương không chỉ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, mà còn triển khai nông thôn mới kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn Hà Nam có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, an sinh xã hội đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng nông thôn được giữ vững...

Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy, chính quyền, người dân chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, coi trọng sản phẩm nông nghiệp góp phần phục vụ nhân dân trong nước với 100 triệu dân; đề nghị thời gian tới địa phương cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong các khâu của chuỗi giá trị, công nghệ sau thu hoạch, hình thành nền nông nghiệp thông minh. Tập trung triển khai chương trình "Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị" với chất lượng tốt, an toàn, thuận lợi hơn cho người tiêu dùng... góp phần đưa nghị quyết 26 của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục đi vào cuộc sống.

Sau nghi lễ bái yết Thần Nông, cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu là màn trống khai hội do đội trống nữ làng Đọi Tam biểu diễn kết hợp với múa rồng. Buổi lễ đã tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày do bô lão trong làng thực hiện, theo sau là các thôn nữ đi gieo hạt giống.

Trong trang phục nhà nông, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các đại biểu và người dân địa phương thực hiện nghi thức tịch điền, cày những luống đất đầu tiên, khởi đầu cho mùa vụ mới bội thu. Trong dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tặng 200 suất quà cho nhân dân địa phương.

Theo “Việt sử lược”, vào mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (987), lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở vùng Đọi Sơn và bắt được chum vàng; năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc. Từ đó, hàng năm vào đầu xuân, nhà vua đã về Đọi Sơn mở Lễ Tịch điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng), cầu mưa thuận gió hòa, cầu được mùa, cầu quốc thái dân an, mở ra một lễ hội khuyến nông đầy ý nghĩa.

Nhận thức được tầm quan trọng của lễ hội này, các triều đại sau Lê Đại Hành đều duy trì nghi lễ cày tịch điền Đọi Sơn với các hình thức khác nhau. Thời Nguyễn là thời lễ tịch điền có nhiều “niêm luật” cụ thể, được tổ chức quy mô, do Bộ Lễ đứng ra chủ trì nhưng lễ hội này cũng chấm dứt dưới thời vua Khải Định. Sau một thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại. Từ năm 2017 Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn đã được Nhà nước công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn diễn ra trong ba ngày (từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng) với nhiều thủ tục tâm linh, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng phong phú, độc đáo. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và để đảm bảo an toàn, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2022 được Ban tổ chức chú trọng phần nghi lễ, phần hội được rút gọn chỉ còn tổ chức hội thi vẽ, trang trí trâu; triển lãm của hội sinh vật cảnh thị xã; trưng bày các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của các huyện thị trên địa bàn Hà Nam…/.

Theo TTXVN