(Mặt trận) -Khởi nghiệp với mô hình nuôi cá lồng trên sông - một mô hình hoàn toàn mới ở địa phương, nhưng chị Ngụy Hồng Cúc, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đại Lương, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã vượt qua khó khăn, làm giàu trên chính quê hương mình.
|
Dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn, chị Ngụy Hồng Cúc đã thành công với mô hình nuôi cá lồng trên sông Phó Đáy. |
Phát huy lợi thế nguồn nước sông Phó Đáy, chị Ngụy Hồng Cúc cùng gia đình bắt đầu xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông từ năm 2016. Khởi nghiệp với 6 ô lồng nuôi các loại cá rô phi, chép và trắm, chị Cúc đã gặp nhiều khó khăn.
2 tháng đầu tiên, cá phát triển bình thường, nhưng đến tháng thứ 3, do là mùa khô, mực nước xuống thấp khiến các lồng nuôi chạm đáy sông; thêm vào đó, do chưa có kinh nghiệm nên gia đình chị Cúc thả cá mật độ dày, chất thải nhiều, dẫn đến phát sinh nhiều khí độc, làm một lượng lớn cá bị ngạt khí chết, số khác bị nhiễm bệnh.
Chị Cúc chia sẻ: “Kết thúc vụ nuôi đầu tiên, gia đình tôi lỗ gần 100 triệu đồng, song cái được duy nhất chính là bài học kinh nghiệm thấm thía: Muốn nuôi cá trên sông thì phải nắm bắt được quy luật dòng chảy; muốn cá phát triển tốt, khả năng sống cao, khỏe mạnh thì không chỉ cần cung cấp đủ thức ăn mà phòng và trị bệnh cũng rất quan trọng”.
Vấp phải khó khăn ngay từ bước đầu khởi nghiệp, nhưng chị Cúc không nản chí mà mày mò tìm hiểu kỹ thuật khắc phục. Thông qua các kênh thông tin đại chúng và đặc biệt là mạng xã hội, chị Cúc biết đến chương trình hỗ trợ khởi nghiệp về mặt kỹ thuật của kênh truyền hình VTC16. Chị đã nộp hồ sơ và được nhận hỗ trợ.
Mô hình của chị Cúc được chuyên gia thủy sản phân tích và lên kế hoạch cụ thể về mọi mặt: Dự kiến con giống, thức ăn, thuốc thú y, thời gian nuôi và lợi nhuận dự tính. Có được sự hỗ trợ này, cùng với tinh thần học hỏi, sự nhạy bén, tiếp thu nhanh các kỹ thuật, công nghệ nuôi cá hiện đại, an toàn, các lồng cá của chị Cúc dần cải thiện chất lượng. Vụ cá thứ 2 thành công, mang lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng, những vụ tiếp theo cho thu lãi bình quân 350 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình lân cận, hội viên Hội Phụ nữ, đoàn viên, thanh niên đã tìm đến gia đình chị học hỏi về kinh nghiệm triển khai mô hình nuôi cá lồng.
Không tự bằng lòng với những kết quả đó, chị Cúc cùng gia đình tiếp tục mở rộng quy mô nuôi cá, đầu tư thêm lồng, nâng tổng số lồng cá của gia đình lên 10 lồng và chuyển hướng nuôi, tập trung nuôi cá trắm và cá chép giòn - loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao.
Chị Cúc cho biết: “Những năm gần đây, cá chép giòn được các nhà hàng, quán ăn, khách sạn ưa chuộng vì có vị ngọt, không tanh, thịt giòn. Nuôi cá chép giòn vất hơn rất nhiều so với nuôi cá chép thường trong việc theo dõi, chăm sóc, phòng bệnh nên chi phí cao hơn. Tuy nhiên, giá thành của cá chép giòn cao gấp 2 lần cá chép thường nên tôi quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực này”.
Trung bình mỗi năm, chị Cúc xuất bán gần 8 tấn cá chép giòn cho các nhà hàng, quán ăn trong tỉnh và xuất buôn đi nhiều tỉnh khác như Hà Giang, Bắc Ninh, Tuyên Quang…
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Ngụy Hồng Cúc còn rất năng nổ, nhiệt tình với các hoạt động phong trào. Chị Cúc hiện là Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Bí thư Chi đoàn thôn. Trong các phong trào của địa phương và các đoàn thể, chị luôn gương mẫu đi đầu và tích cực tìm tòi, đề xuất tổ chức nhiều hoạt động mới, thiết thực, ý nghĩa.
Với những thành tích trong phát triển kinh tế và hoạt động phong trào ở địa phương, chị Cúc luôn được cấp ủy, chính quyền và người dân tin yêu, quý trọng bởi sự gương mẫu, nhiệt huyết trong công tác.
Chị vinh dự được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành như Chứng nhận “Thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi” năm 2019 do Tỉnh Đoàn tặng; Bằng khen “Gia đình tiêu biểu làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc” năm 2019 do Hội LHPN tỉnh tặng; được kênh VTC16 cấp Giấy chứng nhận “Nông hộ khởi nghiệp tiêu biểu” giai đoạn 2015-2020…
Thùy Linh