Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tham nhũng của MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) -Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay của nước ta, đảm bảo sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng là giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát quyền lực Nhà nước. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, trên cơ sở xác định đúng đắn những yêu cầu cả về lý luận và thực tiễn đang đặt ra, cần thực hiện đồng bộ và nghiêm túc các giải pháp về hoàn thiện thể chế, về tổ chức thực hiện cũng như về điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Hướng dẫn tuyên truyền một số nội dung trọng tâm của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 25/11/2024

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW: Phương án nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

 Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác, ngày 29/10/2021

Vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với công tác phòng, chống tham nhũng

Trong thời gian qua, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ghi rõ vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng, nghị quyết đã chỉ rõ: “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết Nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Kết luận (số 21-KL/TW) Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) ngày 25/5/2012 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã chỉ rõ: “Phát huy tốt hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, của cộng đồng và Nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng, lãng phí. Khẩn trương cụ thể hóa cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ban hành quy chế về việc Nhân dân giám sát tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định yêu cầu “Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức Đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”; “Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…”.

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) năm 2018 được kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV thông qua đã quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên (Điều 74): “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm sau đây: Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phản biện xã hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiến nghị việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; Động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; Cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng; Giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, kiến nghị việc bảo vệ, khen thưởng người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, kiến nghị; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày”.

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 (Điều 23) quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí với các nội dung sau đây: Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; xác minh vụ việc tham nhũng, lãng phí; xử lý người có hành vi tham nhũng, lãng phí. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ, khen thưởng đối với người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, trả lời yêu cầu, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, qua các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước có thể thấy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có một vị trí hết sức quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Một số điều kiện bảo đảm cho công tác phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Hiện nay, một số điều kiện khách quan bảo đảm cho công tác phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là:

Về chính trị - tư tưởng: Đảng ta luôn chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng.

Về kinh tế - xã hội - văn hóa: Có thể nói cùng với sự phát triển của đất nước, trình độ dân trí, trình độ dân chủ, văn minh, nhân quyền trong xã hội cũng đã ngày càng được nâng cao. Đây chính là môi trường để nuôi dưỡng, khai thác những nhân tố hợp lý của nền dân chủ - pháp quyền trong đó chứa đựng cả những mô hình, nguyên tắc, nội dung của cơ chế tham gia phòng, chống tham nhũng của Mặt trận, góp phần kiểm soát quyền lực Nhà nước.

Bên cạnh đó, các thiết chế kiểm soát quyền lực của Nhân dân, ở mức độ chung nhất, như Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở cũng được tạo điều kiện về trụ sở làm việc, phương tiện kinh phí, lương và các chế độ chính sách cho cán bộ để thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình.

Về pháp lý: Với hệ thống pháp luật nói chung, hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng, các quy định pháp luật liên quan đến cơ chế kiểm tra, giám sát luôn được quan tâm, củng cố. Các văn bản luật hiện hành như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Luật Cán bộ, công chức; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập… bước đầu tạo ra những bảo đảm pháp lý cần thiết để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác phòng, chống tham nhũng.

Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tham gia phòng, chống tham nhũng thời gian tới cần bảo đảm một số điều kiện sau:

Một là, cần phải xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia vào phòng, chống tham nhũng.

Muốn phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng trước hết đòi hỏi vai trò này phải được thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Pháp luật phải quy định cụ thể quyền, trách nhiệm và hình thức tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào phòng, chống tham nhũng, đó là những thiết chế bảo đảm dân chủ và quyền giám sát, phản biện xã hội đối với Nhà nước; quy định rõ cơ chế bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy có hiệu quả trên thực tế vai trò của mình. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát Luật Phòng, chống tham nhũng để xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 - 2025. Chính phủ sẽ là cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chức năng tham gia xây dựng pháp luật của mình cần tham gia tích cực vào việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng; tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo Luật; trong đó cần cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm sự tham gia chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác này.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các chính sách, pháp luật về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT - UBTVQH14 - CP - ĐCTUBTWMTTQVN; đề xuất đưa dự án xây dựng Pháp lệnh về giám sát của Nhân dân vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2024. Phối hợp nghiên cứu, tham gia xây dựng và phản biện xã hội dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Hai là, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động và tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức khác trong tham gia phòng, chống tham nhũng.

Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tham gia phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Việc tham gia phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần bảo đảm sự tham gia của Nhân dân, của các thành viên Mặt trận, là tiếng nói của Nhân dân, của xã hội thông qua vai trò đại diện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trong đó tôn trọng các ý kiến khác nhau nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc. Nguyên tắc này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp trong việc hiệp thương, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình phối hợp công tác nói chung và các chương trình phối hợp thực hiện các nội dung công tác tham gia phòng, chống tham nhũng nói riêng của cấp mình. Các chương trình này phải có sự thống nhất trong phân công, thực hiện nhiệm vụ theo hướng gắn với quyền, trách nhiệm của từng tổ chức và trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng và hợp tác.

Cần tiến tới luật hóa cụ thể hơn nữa mối quan hệ giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên và giữa các tổ chức thành viên với nhau trong việc hiệp thương, phối hợp hành động để thực hiện các nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có việc tham gia phòng, chống tham nhũng. Trong việc phối hợp của Mặt trận và các tổ chức thành viên, những vấn đề lớn liên quan đến quyền và nghĩa vụ đông đảo các tầng lớp Nhân dân, thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giữ vai trò chủ trì, các tổ chức thành viên hữu quan cùng tham gia. Các vấn đề cụ thể liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội nào, tổ chức đó sẽ chủ trì hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên khác cùng tham gia.

Ba là, tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí chính thống để thực hiện các nội dung tham gia phòng, chống tham nhũng của Mặt trận.

Báo chí Việt Nam hiện nay ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong sự phát triển của xã hội, bên cạnh nhiệm vụ chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, báo chí chính thống đã thể hiện rõ bản lĩnh trong phòng, chống tham nhũng. Trong thời gian qua, bằng góc nhìn độc lập, tranh luận khoa học và giàu tinh thần xây dựng, báo chí đã góp phần phát hiện, vạch trần nhiều vụ việc tham nhũng. Do vậy, để tăng cường chất lượng và thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia phòng, chống tham nhũng của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục tăng cường hơn nữa sự phối hợp với báo chí để thực hiện công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng; đồng thời truyền tải thông tin dư luận một cách khách quan và trung thực, qua đó giúp công chúng nhìn nhận đúng tính chất của thông tin, sự việc.

Bốn là, nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân về công tác phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Công tác phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong xây dựng chế độ dân chủ hiện đại. Việc coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng nghĩa với tôn trọng dân chủ, tôn trọng Nhân dân, coi đây là một kênh quan trọng của kiểm soát quyền lực nhà nước. Cần chú trọng công tác nghiên cứu, tuyên truyền, tăng số lượng bài viết về công tác phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên các báo, tạp chí và các ấn phẩm khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của các tổ chức thành viên; tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn để hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ Mặt trận.

Năm là, phát huy tối đa nguồn lực về con người trong phòng, chống tham nhũng.

Cần có chế độ đãi ngộ phù hợp để khuyến khích đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận. Cấp ủy các cấp cần quan tâm kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để có đủ khả năng thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng vì đây là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều va chạm. Song song với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có các biện pháp nâng cao trình độ đội ngũ lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, có chính sách quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức, nắm và hiểu được tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Đồng thời, thông qua hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên tổng hợp ý kiến, đề nghị, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp Nhân dân, tập hợp dư luận xã hội là nguồn thông tin, tư liệu vô cùng phong phú trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng.

Sáu là, bảo đảm các điều kiện cần thiết về kinh phí cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và hoạt động phòng, chống tham nhũng nói riêng.

Nguồn kinh phí hoạt động của các cấp Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, do Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp phân bổ, cho nên rất khó bảo đảm được tính độc lập của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khi thực hiện phòng, chống tham nhũng. Mà đối tượng chính của công tác này lại là những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, cần đổi mới cách phân bổ ngân sách này, theo đó hàng năm kinh phí cấp cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nên do Quốc hội quyết định phân bổ trực tiếp cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội. Trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội sẽ chủ động phân bổ ngân sách cho các cấp theo hệ thống từ Trung ương xuống đến cơ sở của tổ chức mình theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước cho sát với yêu cầu thực tế của nhiệm vụ đặt ra ở mỗi cấp, mỗi địa bàn và từng thời kỳ.

Phùng Thị Ngọc Yến, ThS, Ban Dân chủ - Pháp luật, UBTW MTTQ Việt Nam