Báo chí tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

(Mặt trận) - Báo chí là vũ khí sắc bén của Đảng, có đóng góp tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong những năm qua, “Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực vào cuộc, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh, phát hiện tham nhũng, tiêu cực, vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”(1). Bài viết làm rõ những đóng góp của các cơ quan báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Nghị định số 177/2024/NĐ-CP: Chế độ, chính sách đối với trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

Chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi từ 1/1/2025

Nghị định 178/2024/NĐ-CP: Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy

Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba năm 2022-2023 

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến đấu khổng lồ, là việc làm có ý nghĩa sống còn, “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”(2), trong đó, sự tham gia của báo chí có vị trí quan trọng, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm của báo chí và người làm báo

Theo thống kê, đến nay, cả nước có gần 800 cơ quan báo chí, truyền thông, với trên 40 nghìn người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, trong đó có trên 20 nghìn người được cấp thẻ nhà báo(3).

Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Điều 75 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan báo chí và nhà báo trong việc phòng, chống tham nhũng như sau: “1. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng.

Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng”.

Ngoài ra, Điều 13, 14 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 còn quy định cụ thể về việc họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; quyền yêu cầu cung cấp thông tin...

Những năm qua, báo chí đã cung cấp một lượng lớn thông tin về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên tất cả các loại hình báo chí, từ báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình... Nhiều bài phóng sự điều tra sau khi đăng tải, phát sóng đã tạo được tiếng vang lớn, được dư luận trong nước và quốc tế hoan nghênh, đánh giá cao. Các tuyến bài về chủ đề này đi sâu phân tích, nêu bài học kinh nghiệm, giải pháp, kiến nghị cơ quan chức năng áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng đã tạo những góc nhìn đa chiều về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí đặt ra và trả lời nhiều câu hỏi lớn mà dư luận quan tâm, như: nguyên nhân tham nhũng, tiêu cực; hậu quả; giải pháp phòng, chống..., từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Báo chí tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Công tác thông tin tuyên truyền và vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng đến việc hình thành, phát triển ý thức pháp luật cũng như việc tuân thủ pháp luật.

Hiện nay, báo chí có nhiều hình thức, cách thức tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng: (1) xuất bản các tác phẩm báo chí về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (2) đưa tin về những vụ việc tham nhũng, tiêu cực; (3) xuất bản các báo lý luận và thực tiễn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (4) sản xuất, phát hành những phim ảnh có nội dung về phòng, chống tham nhũng; (5) đưa các thông tin về hội thảo khoa học, tọa đàm của các chuyên gia, nhà quản lý về công tác phòng, chống tham nhũng; 6) mở các chuyên mục giáo dục và đào tạo về phòng, chống tham nhũng trên báo chí, các cuộc thi tìm hiểu nội dung về phòng, chống tham nhũng; (7) đưa tin về xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật trong việc phòng, chống tham nhũng...

Các cơ quan báo chí đã tập trung tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; các nội dung về xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, trọng liêm sỉ, danh dự; phê phán, lên án, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Tuyên truyền các quy định và chế tài xử lý đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý...

Qua đó, báo chí đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường và có nhiều đổi mới; sự giám sát của các cơ quan dân cử; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của nhân dân và báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy tốt hơn”(4)...

Như vậy, báo chí có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các diễn đàn để nhân dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình, phản ánh những ý kiến, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi những bất cập về chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Tất cả những phương thức, cách làm đó của báo chí là nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí”(5).

Báo chí, truyền thông tham gia phát hiện các vụ tham nhũng, tiêu cực

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế, chương trình phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền về nội chính và phòng, chống tham nhũng giữa các cơ quan: Ban Nội chính Trung ương, Báo Nhân Dân, Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam được tổ chức vào cuối năm 2021, đồng chí Phan Ðình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nêu rõ: trong thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đã có những bước đột phá rất quan trọng nhờ sự hoạt động tích cực của các báo nói chung cũng như sự phối hợp của các cơ quan báo chí nói riêng. Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò xung kích, đi đầu trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của đất nước và nhân dân; là tai mắt của Ðảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hình thức, cách làm, trong đó đáng chú ý là: báo chí phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng, sau khi nghiên cứu, thu thập thông tin, điều tra kỹ lưỡng, các cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin, sau đó các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ sự việc.

Bằng biện pháp nghiệp vụ báo chí, các cơ quan báo chí sử dụng nhiều kênh thông tin để phát hiện những vụ việc tham nhũng, tiêu cực như: thông tin từ bạn đọc gửi đến các phóng viên, cơ quan báo chí; tiếp nhận những thông tin, phản ánh, tố giác của người dân; cơ quan báo chí điều tra, xác minh, chuyển các chứng cứ đến cơ quan công luận cũng như cơ quan tư pháp. Các cơ quan báo chí đã thực hiện các biện pháp điều tra đặc thù của nghiệp vụ báo chí phát hiện những dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.

Báo chí tham gia giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Đánh giá vai trò của báo chí trong giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực vào cuộc, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh, phát hiện tham nhũng, tiêu cực, vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”(6).

Cơ quan báo chí tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phối hợp với các cơ quan, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; do đó, khi đưa tin, các cơ quan báo chí luôn bảo đảm tính chính xác, trung thực, khách quan cũng như thể hiện rõ trách nhiệm về những nội dung thông tin mà mình đã công bố. Báo chí cũng đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc tạo áp lực, tạo dư luận để các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ từ điều tra, thanh tra, kiểm tra, giám sát, truy tố cũng như xét xử những hành vi tiêu cực, tham nhũng. Báo chí đã góp phần vào thực hiện nghiêm phương châm chỉ đạo: không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

Báo chí, truyền thông đã phản ánh khách quan, đa chiều, công bằng về những vụ việc liên quan đến tham nhũng, thực hiện tốt sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” như Bác Hồ đã dạy”(7).

Để biểu dương, tôn vinh và khuyến khích, động viên các nhà báo, các cơ quan báo chí tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng, Nhà nước ta đã tổ chức nhiều giải báo chí phòng, chống tham nhũng, như Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, được tổ chức từ năm 2017 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức. Đến nay, đã tổ chức thành công 3 mùa giải, mỗi mùa giải, đều có trên 2.000 tác phẩm tham dự. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt và trách nhiệm của nhà báo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao giải cho nhóm tác giả đoạt giải A Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” lần thứ ba, năm 2020 - 2021. Ảnh: Minh Đức/TTXVN    

Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò của báo chí trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đối với báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tăng cường quản lý và định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí”(8). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Các cơ quan truyền thông cần đăng tin, bài định hướng đúng đắn dư luận xã hội để thấy rõ những kết quả tích cực của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như những hạn chế, yếu kém, những khó khăn, phức tạp; khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử. Bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, gây hậu quả xấu. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp một cách kịp thời, đúng pháp luật cho các cơ quan báo chí những thông tin có liên quan đến tham nhũng”(9).

Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam. Đồng thời, kiên quyết “xử lý nghiêm theo quy định Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng, không có cơ sở, căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội”(10).

Thứ hai, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “tập trung đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng và tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền”(11). Báo chí khi thông tin cần phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng sự thật, phản ánh đúng bản chất vấn đề. Khen ngợi, biểu dương cần đúng mực, không tô hồng, hoặc khi lên án, phê phán cũng không bôi đen.

Thứ ba, tiếp tục phát huy, cổ vũ, lan tỏa những mặt tích cực của báo chí, truyền thông trong đưa tin, bài về tham nhũng. Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “tăng cường thông tin, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, hành vi tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”(12).

Báo chí cần thực hiện tốt các nhiệm vụ: “chủ động, kịp thời cung cấp thông tin thiết yếu và tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, các thông tin về tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội; biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt”(13). “Kiên quyết đấu tranh loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”(14).

Thực tế chứng minh “phòng, chống tiêu cực mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”(15).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Một tờ báo có ảnh hưởng trong dân chúng rất mạnh”(16). Báo chí có nhiệm vụ quan trọng là phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, các kinh nghiệm tốt, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tạo thành sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển, thực hiện “Đôi cánh cho Việt Nam bay lên thì một bên là sức mạnh tinh thần, một bên là sức mạnh vật chất dựa trên công nghệ”.

_________________

(1), (2), (4), (5), (6), (7), (9), (12), (15) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 33, 13, 33, 21, 33, 40, 61, 50, 16.

(3) Báo cáo công tác báo chí năm 2020 và đánh giá khái quát giai đoạn 2016-2020, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021, Tài liệu Hội Nhà báo Việt Nam.

(3) Thống kê internet Việt Nam 2020, https://vnetwork.vn/, ngày 19-2-2020.

(8), (10), (11), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.234, 234, 234, 142.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, Sđd, tr.146.

(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.465.