“1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”

(Mặt trận) - Từ thành công của Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”, năm 2022, thông qua triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn từng cán bộ, đoàn viên, người lao động nỗ lực vượt khó, không ngừng sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn và đất nước.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

 

CNVCLĐ không ngừng vượt khó, sáng tạo

Trước những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, trong bối cảnh các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp tích cực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, lần đầu tiên Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã phát động Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên nền tảng công nghệ số. Chỉ sau gần 80 ngày thi đua cao điểm, đã có 250.177 sáng kiến tham gia, vượt hơn 300% so với mục tiêu đề ra.

Nội dung sáng kiến tham gia Chương trình rất đa dạng, xuất hiện trên nhiều lĩnh vực, ngành, nghề với sự tham gia của nhiều lực lượng lao động, từ các kỹ sư lành nghề, lãnh đạo doanh nghiệp, các công chức, viên chức, cán bộ khoa học, đến những người công nhân sản xuất trực tiếp ngày đêm gắn bó với máy móc, nhà xưởng. Phần lớn các sáng kiến tham gia chương trình được đánh giá bằng kết quả làm lợi cụ thể, với tổng giá trị ước đạt 148.967 tỷ đồng.

Trong đó có thể kể đến một số sáng kiến tiêu biểu như: “Cải tiến dụng cụ trong công đoạn xử màu” của anh Dương Văn Hùng - đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên làm lợi hơn 30 tỷ đồng; sáng kiến “Nghiên cứu, chỉ đạo lập biện pháp và chỉ đạo thi công khấu vượt phay lò chợ cơ giới hóa 7-3.1 vỉa 7 công suất 1,2 triệu tấn/năm đảm bảo an toàn, hoàn thành kế hoạch sản lượng TKV giao” của anh Phạm Thành Công - Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ mỏ (Công ty CP Than Hà Lầm - TKV) đã làm lợi cho Công ty hơn 33,6 tỷ đồng; sáng kiến “Sửa khuôn khắc phục lỗi nứt sản phẩm bồn cầu” của anh Vũ Văn Bính - Công ty TNHH Toto Việt Nam đã tạo ra bước đột phá về cách tiếp cận khắc phục lỗi, mang lại lợi nhuận sau cải tiến cho Công ty hơn 13,5 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, có không ít sáng kiến có ý nghĩa chính trị - xã hội, đổi mới công tác quản lý, điều hành, thúc đẩy nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng. Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các sáng kiến tham gia Chương trình đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng năng suất lao động, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời điểm cả nước đang căng mình phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tạo động lực, khí thế thi đua mới

Nhằm triển khai có hiệu quả phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động, từ thành công của Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” trong CNVCLĐ.

Trong đó, nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và chăm lo đời sống, ổn định việc làm cho đoàn viên, người lao động, góp phần phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình. Đồng thời, chương trình thi đua được phát động gắn với việc học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị từng đối tượng cán bộ, đoàn viên, người lao động nỗ lực vượt khó, không ngừng sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn và đất nước. Cụ thể, cán bộ công đoàn đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động đáp ứng yêu cầu của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; chủ động nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất; bản lĩnh, tâm huyết, linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết các nhiệm vụ được giao với mục tiêu “Tất cả vì đoàn viên, người lao động”.

Tích cực tham gia phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”, phát huy trí tuệ, hiến kế, đề xuất, thực hiện các giải pháp, biện pháp mới, khoa học, khả thi, thiết thực, hiệu quả trong quá trình tổ chức hoạt động và triển khai nhiệm vụ công tác, nhất là cán bộ Công đoàn cơ sở, cán bộ chuyên trách.

Chương trình cũng hướng tới vận động đoàn viên là công nhân lao động trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ra sức thi đua nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề, phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động; là những hạt nhân tích cực tham gia phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” và “Năng suất cao, chất lượng tốt”, góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

Với đoàn viên là cán bộ, công chức các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, thi đua nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sáng tạo, đổi mới quy trình làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, thực hiện cải cách hành chính gắn với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đồng hành cùng các đơn vị và doanh nghiệp vượt khó, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, ngành và đất nước. Tham gia tích cực và thực hiện có hiệu quả phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”.

Với cán bộ, viên chức, người lao động các đơn vị sự nghiệp, thi đua đổi mới phương thức tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng phục vụ, dịch vụ và hiệu quả kinh doanh; tích cực sáng tạo, tham mưu thực hiện tốt cơ chế tự chủ và có giải pháp thích ứng trong tình hình mới.

“Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi đoàn viên, người lao động cả nước tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vượt khó, hăng hái thi đua, nhân lên niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đặc biệt, các điển hình tiên tiến xuất sắc đã được tôn vinh tiếp tục cống hiến, sáng tạo không ngừng và lan tỏa, truyền cảm hứng sáng tạo đến những đồng nghiệp của mình và nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu trong Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam”, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang kêu gọi CNVCLĐ ra sức hưởng ứng các phong trào thi đua.

Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” đề ra mục tiêu: Trong năm 2022 và 2023, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ cả nước đóng góp 1 triệu sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn.

Cụ thể: Giai đoạn 1 (từ nay đến hết tháng 5/2022): Thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022 với mục tiêu 300.000 sáng kiến (sáng kiến được tính từ 1/9/2021). Giai đoạn 2 (từ tháng 6/2022 đến tháng 9/2023): Chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023) và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII với mục tiêu 700.000 sáng kiến.