(Mặt trận) -Xác định công tác giảm nghèo bền vững chính là việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội, tăng cường triển khai chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, kết nối, giới thiệu, hỗ trợ việc làm cho người nghèo... Huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững, đảm bảo tiêu chí của huyện nông thôn mới.
|
Cán bộ Ngân hàng CSXH và các đoàn thể đến rà soát, kiểm tra việc sử dụng vốn vay ưu đãi tại gia đình hộ nghèo. |
Việc tạo sinh kế cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Yên Mô quan tâm triển khai nhiều năm qua, giúp người nghèo mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình chị Phạm Thị Bưởi, hội viên phụ nữ xóm Thái Bình, xã Yên Đồng mấy năm gần đây đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi hộ nghèo và các chương trình hỗ trợ của các cấp Hội, đoàn thể trong xóm. Chị Phạm Thị Bưởi cho biết: Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn, chồng và người con trai thứ 2 là người khuyết tật. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội và sự hỗ trợ về giống, vốn, khoa học kỹ thuật của các tổ chức, đoàn thể đã tạo lực đẩy cho gia đình tôi phát triển kinh tế từ việc nấu rượu, nuôi lợn, nuôi cá, trừ chi phí mỗi năm lãi trên 50 triệu đồng. Đến năm 2017, gia đình tôi đã thoát nghèo và xây dựng được nhà cửa kiên cố, tạo tiếp tục phấn đấu xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bà Bùi Thị Hạnh, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Mô cho biết: Hàng năm, khi có danh sách về hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu thoát nghèo, cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện sẽ rà soát, xác định các điều kiện, nhu cầu vay vốn… Cán bộ Ngân hàng sẽ trực tiếp xuống tận hộ, tuyên truyền cho hộ dân có nhu cầu về nguồn vốn vay thực hiện các quy trình vay vốn qua Tổ tiết kiệm vay vốn, qua hội, đoàn thể làm hồ sơ và được vay vốn nhanh nhất.
Bên cạnh đó, Ngân hàng chú trọng kiểm tra, giám sát trước khi cho vay, trong khi cho vay và sau khi cho vay, phối hợp nắm bắt mô hình, đối tượng đầu tư, hướng dẫn hộ vay phát triển kinh tế.
Hiện, Ngân hàng đang thực hiện 13 chương trình cho vay, trung bình mỗi năm có hàng nghìn hộ vay vốn phát triển kinh tế và trên 4 nghìn hộ vay từ chương trình nước sạch- vệ sinh môi trường; học sinh sinh viên được tiếp cận nguồn vốn để trang trải chi phí học tập. Tính đến 28/2/2022, tổng dư nợ cho vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Mô đạt trên 438 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân trên địa bàn huyện.
Bên cạnh việc ưu tiên tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Mô quan tâm thực hiện chi đúng, đủ, kịp thời các chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định Nhà nước.
Ông Ngô Xuân Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết: Thời gian qua, xã Khánh Thượng đã tổ chức rà soát các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Để hỗ trợ hộ nghèo vươn lên, xã đã phát động các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn động viên, giúp đỡ, hỗ trợ các nguồn lực cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục mở rộng các ngành nghề, tạo công ăn việc làm, quan tâm đến công tác vay vốn xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn, để hộ nghèo có điều kiện tham gia phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, chỉ đạo các hội, đoàn thể tín chấp vay vốn. Các hộ vay đã tận dụng được tối đa nguồn vốn, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.
Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đưa cây, con có giá trị, áp dụng KHKT vào sản xuất; mở rộng mô hình trang trại thủy hải sản, đá mỹ nghệ với hàng chục mô hình, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động địa phương, đã góp phần đắc lực trong công tác giảm nghèo của xã. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã Khánh Thượng đạt trên 58 triệu đồng/năm; xã đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Để cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn, huyện Yên Mô đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách về giảm nghèo, đa dạng các hình thức truyền thông trực tiếp như tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, hộ cận nghèo, xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, phổ biến chế độ, chính sách mới về giảm nghèo cho cán bộ làm công tác giảm nghèo từ huyện đến cơ sở.
Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai kịp thời, hiệu quả. Chính sách hỗ trợ về giáo dục được thực hiện kịp thời; chính sách hỗ trợ về y tế được quan tâm, triển khai hiệu quả. Chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất được thực hiện có hiệu quả. Đã có hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất về con giống…
Huyện Yên Mô cũng tích cực triển khai chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo. Từ năm 2011 đến nay, đã xây mới nhà ở cho 388 hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng và hàng trăm ngôi nhà được hỗ trợ vay vốn từ NHCSXH, giúp cho các hộ nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Cùng với đó, công tác dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động trên địa bàn thường xuyên được quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Bình quân huyện đã tạo việc làm mới cho trên 2.500 lao động/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, đã đưa trên 1.600 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, bình quân 179 lao động/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch 100 lao động/năm), góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Với những chính sách thiết thực, phù hợp, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Yên Mô đạt bền vững qua từng năm. Năm 2001, tỷ lệ hộ nghèo huyện Yên Mô chiếm 15,70%; đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,46%.
Tiến Minh