Yên Châu (Sơn La): Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững

(Mặt trận) -Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tập trung mọi nguồn lực, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống nhân dân.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

 Nông dân xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Xã Sặp Vạt đang có 1.070 hộ, gần 4.450 nhân khẩu. Thực hiện tiêu chí thu nhập, UBND xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực sản xuất, chuyển đổi cây trồng, đưa các loại cây, con giống có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Sặp Vạt, cho biết: Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, Đảng bộ và chính quyền xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, góp công sức xây dựng các công trình dân sinh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi;  liên kết, thành lập HTX sản xuất bền vững...

Toàn xã Sặp Vạt đang trồng 70 ha sắn, hơn 230 ha mía, 373 ha xoài, 163 ha nhãn, 117 ha chuối và gần 50 ha cây ăn quả khác; duy trì trên 33.100 con gia súc, gia cầm; nuôi trồng 38 ha thủy sản; giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt trên 70 triệu đồng/ha. Xã đã hoàn thành xây dựng 7,4 km đường giao thông nông thôn, 11,4 km đường trục chính nội đồng, tổng kinh phí trên 8,4 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp trên 5,3 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 42,1 triệu đồng/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 70%; tỷ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 95%; các trường học, trạm y tế đầu tư xây dựng đạt chuẩn; hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã đến nay còn 12,8%. Năm 2023, xã hoàn thành 19 tiêu chí, 57 chỉ tiêu và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tại xã biên giới Lóng Phiêng có 10 bản, với 1.422 hộ, có 4 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 52% dân số. Từ năm 2012 đến nay, xã Lóng Phiêng hoàn thành xây dựng gần 17km đường giao thông nông thôn; 52,5km đường trục chính nội đồng, tổng kinh phí trên 67 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp gần 9 tỷ đồng. Hiện nay, giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt trên 85 triệu đồng/ha; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94,5%; các trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng đạt chuẩn; hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ hộ nghèo còn 12,83%... Xã vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu năm 2024.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2023, huyện Yên Châu đã huy động trên 8,1 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương cấp hơn 5,5 tỷ đồng; ngân sách tỉnh trên 1,6 tỷ; ngân sách huyện 140 triệu đồng và trên 860 triệu đồng từ vốn huy động hợp pháp khác; xóa nhà tạm cho 996 hộ nghèo. Đến nay, huyện Yên Châu có trên 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 27,75%. Có 6/14 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư; 5/14 xã đạt tiêu chí thu nhập; 6/14 xã đạt tiêu chí nghèo đa chiều; 11/14 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động...

Nói về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã xây dựng kế hoạch với những nhiệm vụ cụ thể, giải pháp sát thực; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong nông nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn...

Xuân Hiếu