Yên Bái: Khẳng định ý nghĩa, giá trị của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) -Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT) đến nay đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị không thể thiếu ở cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Yên Bái với những giá trị, ý nghĩa đã được khẳng định qua thực tiễn.

Góp sức xây dựng nông thôn mới ở huyện Cao Phong

Bắc Kạn: Cải thiện môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Mặt trận Tổ quốc thị xã Điện Bàn chung tay xây dựng đô thị văn minh

 Nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao trong Ngày hội ĐĐKTDT ở bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải năm 2023.

Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW ngày 01/08/2003 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam về việc tổ chức Ngày hội ĐĐKTDT, hơn 20 năm qua, hệ thống MTTQ Việt Nam của tỉnh Yên Bái đã không ngừng đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức Ngày hội ĐĐKTDT vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11) hằng năm. Cho đến nay, Ngày hội ĐĐKTDT ngày càng khẳng định ý nghĩa, giá trị, tầm quan trọng, góp phần củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hơn hai mươi năm qua, từ thành công của việc lựa chọn một số khu dân cư tổ chức điểm Ngày hội ĐĐKTDT, số khu dân cư tổ chức Ngày hội ĐĐKTDT của tỉnh Yên Bái tăng dần theo từng năm. Nếu như năm 2009, tỷ lệ khu dân cư tổ chức Ngày hội ĐĐKTDT toàn tỉnh đạt 82% thì đến năm 2012 đạt 93%, năm 2013 đạt 94%, năm 2022 đạt 100%. Năm 2023, toàn tỉnh tiếp tục có 1.356/1.356 thôn, bản, tổ dân phố tổ chức Ngày hội ĐĐKTDT, có trên 98% thôn, bản, tổ dân phố tổ chức đủ cả phần lễ và phần hội; 97,9% khu dân cư tổ chức bữa cơm "đại đoàn kết”. 

Trong Ngày hội ĐĐKTDT, phần lễ thường được tập trung vào việc tuyên truyền về truyền thống lịch sử MTTQ; báo cáo kết quả thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua do MTTQ phát động, nhất là tập trung đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của khu dân cư; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa; biểu dương các tập thể, gia đình, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào tại khu dân cư… 

Bởi vậy, đây là dịp người dân được giáo dục về truyền thống yêu nước, ý thức tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên tham gia ngày càng hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ phát động, tăng cường đồng thuận xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.

Phần hội trong Ngày hội ĐĐKTDT với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, mà còn là dịp trao truyền các nét văn hóa đặc sắc có giá trị của cộng đồng, đặc biệt là các bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Thông qua các buổi tập luyện và biểu diễn trong Ngày hội mà các làn điệu khắp cọi, then của dân tộc Tày, làn điệu hát páo dung của dân tộc Dao, các điệu khèn của dân tộc Mông, điệu múa của dân tộc Khơ Mú, Nghệ thuật Xòe Thái… được bảo tồn, trao truyền cho thế hệ trẻ và lan tỏa trong cộng đồng. 

Ngày hội ĐĐKTDT góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong mỗi cộng đồng là một trong những ý nghĩa rất rõ ràng. Trong dịp này, MTTQ các cấp thực hiện công tác hỗ trợ xây dựng nhà "Đại đoàn kết”; đề xuất để cấp ủy, chính quyền các cấp tham dự Ngày hội và tặng quà cho các thôn, tổ dân phố tiêu biểu; thăm hỏi, tặng quà hộ nghèo, gia đình chính sách… Đó cũng chính là giá trị nhân văn của Ngày hội, góp phần bồi đắp tinh thần đoàn kết, sẻ chia, nghĩa đồng bào trong mỗi cộng đồng.

Ngày hội ĐĐKTDT cũng là dịp đánh giá, biểu dương, khen thưởng nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản thôn, bản, tổ dân phố do mặt trận các cấp thành lập trong toàn tỉnh và các mô hình của các đoàn thể chính trị - xã hội như "tuyến đường thanh niên tự quản”, mô hình "5 không 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; "Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” của Hội Nông dân… 

Ngày hội là dịp tổng kết hoạt động thi đua của toàn dân trong 1 năm thực hiện phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn thôn, tổ dân phố, người dân được bày tỏ ý kiến, tham gia các giải pháp để xây dựng bản làng, thôn xóm, khu dân cư ngày càng văn minh, hạnh phúc. 

Đặc biệt, tại rất nhiều địa phương trong tỉnh, việc tổ chức hoạt động của Ngày hội với quy mô cấp xã đã tranh thủ quảng bá được hình ảnh đặc trưng về văn hóa, ẩm thực, con người của địa phương và nhận được sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của cá nhân sinh sống trên địa bàn và con em quê hương, các doanh nghiệp góp sức xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, xây mới hoặc nâng cấp các công trình công cộng, công trình phục vụ dân sinh, các thiết chế văn hóa ở cơ sở… Bởi vậy, Ngày hội ĐĐKTDT là dịp để phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với MTTQ, Ngày hội ĐĐKTDT còn là thể hiện sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác Mặt trận từ mỗi địa bàn cơ sở. Việc tổ chức Ngày hội ĐĐKTDT là dịp để cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cùng đoàn viên, hội viên nhìn nhận, đánh giá hiệu quả của các mô hình, các phong trào đã xây dựng trong năm qua từ cơ sở. Qua tổ chức Ngày hội, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở các cấp từng bước được trưởng thành, được rèn luyện trong thực tiễn, gần dân, sát dân, đáp ứng với yêu cầu công tác Mặt trận.

Cùng đó, Ngày hội ĐĐKTDT với khía cạnh là tổng kết 1 năm thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư; trong đó, cốt lõi là Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đã tạo điều kiện cho việc phát huy quyền dân chủ của nhân dân; tạo môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Từ những ý kiến đóng góp, xây dựng của nhân dân, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức, đoàn thể ngày càng được củng cố, vững mạnh. 

Qua kinh nghiệm thực tiễn tổ chức Ngày hội ĐĐKTDT những năm qua, để phát huy hơn nữa hiệu quả, chất lượng tổ chức Ngày hội ĐĐKTDT, theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trước hết, MTTQ các cấp cần chủ động tham mưu giúp cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hoạt động Ngày hội; phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong công tác chuẩn bị kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ Ngày hội; cần sớm xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai tổ chức Ngày hội để chủ động tạo dựng sự đồng thuận cao nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị, sự ủng hộ các tầng lớp nhân dân. 

Thực tế qua hơn 20 năm tổ chức Ngày hội, địa phương nào có sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của chính quyền với mặt trận và đoàn thể, sự ủng hộ của đông đảo nhân dân thì Ngày hội ĐĐKTDT ở đó được tổ chức có chất lượng cao. Cùng đó, Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể cần không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động để tiếp tục nâng cao nhận thức của đông đảo nhân dân về ý nghĩa của Ngày hội ĐĐKTDT để nâng cao được ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc tham gia Ngày hội. 

Mặt khác, cũng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố vì đội ngũ cán bộ có chất lượng là điều kiện tiên quyết trong công tác thực hiện các nhiệm vụ mặt trận nói chung, trong thực hiện các nhiệm vụ tổ chức Ngày hội ĐĐKTDT nói riêng. Quan tâm huy động mọi nguồn lực cho Ngày hội, đặc biệt là kinh phí tổ chức Ngày hội để phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác tổ chức Ngày hội.

Những ngày này, không khí của Ngày hội ĐĐKTDT lại chộn rộn khắp các khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Sự chăm lo của MTTQ, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cho việc tổ chức Ngày hội ĐĐKTDT thật ý nghĩa, chất lượng, thiết thực được hòa quyện với tinh thần đoàn kết của nhân dân để cùng bước vào "Ngày hội lớn” trong cộng đồng dân cư, để thêm quyết tâm và động lực phấn đấu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

T.H