Xứng đáng là cán bộ Mặt trận tiêu biểu toàn quốc

(Mặt trận) -Trong số 299 Chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022 vừa được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tuyên dương tại Thủ đô Hà Nội, Gia Lai có 5 cá nhân. Trở về từ hội nghị, mọi người rất tự hào và quyết tâm phấn đấu trở thành những “thỏi nam châm” trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dặn dò.

Thành phố Việt Trì chăm lo đời sống cho người nghèo

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở huyện Yên Định

Xây dựng những khu dân cư tự quản, ấm no, hạnh phúc ở tỉnh Phú Thọ

Là đại biểu duy nhất của tỉnh Gia Lai vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Yơp (68 tuổi) không khỏi xúc động. Bởi trong suốt 21 năm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Đê Hrel (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang), đây là lần đầu tiên ông ra Thủ đô và được gặp người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Với ông, sự ghi nhận, động viên, khích lệ từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là động lực to lớn để bản thân không ngừng nỗ lực trong thời gian tới.

Bao năm qua, ông Yơp luôn gần gũi, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để đề xuất kịp thời đến cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết. Để từng bước kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở ngôi làng có 90 hộ dân (100% là người Bahnar), ông Yơp đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ đó, đến nay, làng chỉ còn 4 hộ nghèo. Hàng năm, làng có từ 85% trở lên số hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Ông Yơp cũng đã vận động các hộ dân trong làng tham gia gần 200 ngày công, đóng góp hơn 85 triệu đồng để mua cồng chiêng, làm sân bóng đá... phục vụ các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao. Ngoài ra, ông còn tuyên truyền, vận động người dân hiến 1.000 m2 đất và tham gia hơn 300 ngày công để làm cầu dân sinh, đường giao thông nông thôn.

Ông Yơp (bìa trái) tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. 

4 đại biểu được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen gồm: ông Đào Nam Sơn-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Diên Hồng (TP. Pleiku); ông Ksor Nguy-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chư Mố (huyện Ia Pa); ông Siu Khách-Trưởng ban Công tác Mặt trận buôn Phu Ama Miơng (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa); chị Đinh Thị Byer-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Húp (xã Kông Yang, huyện Kông Chro). Đảm nhận công tác Mặt trận được 4 năm và vinh dự trở thành đại biểu nhỏ tuổi nhất của tỉnh tham dự hội nghị biểu dương, chị Byer cảm thấy rất tự hào. “Người làng hay tin mình được ra Thủ đô Hà Nội nhận bằng khen, được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ai cũng mừng và động viên. Mình tự hứa phải học hỏi, phấn đấu nhiều hơn để có những mô hình, việc làm cụ thể giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”-chị Byer bộc bạch.

Với suy nghĩ “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, nữ trưởng ban công tác Mặt trận tuổi 34 này đã chủ động nêu gương bằng chính việc chủ động thay đổi cách thức sản xuất trên diện tích đất đồi dốc của gia đình. Thay vì tiếp tục trồng lúa, bắp, chị học hỏi kinh nghiệm rồi đầu tư trồng 1 ha chuối, 1,7 ha mì và 3 ha keo. Chị cũng luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ người dân có nhu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất; đồng thời vận động bà con tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động góp phần xây dựng nếp sống văn minh. Đến nay, 100% hộ dân trong làng đã di dời chuồng gia súc ra xa nhà ở; 90% hộ dân đào hố rác trong vườn; hàng năm có khoảng 80% hộ dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

 Các Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc trò chuyện sau hội nghị biểu

Còn Trưởng ban Công tác Mặt trận buôn Phu Ama Miơng thì chia sẻ: “Chuyến đi này mình đã thỏa ước nguyện được thăm Lăng Bác, được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều tấm gương điển hình. Qua nghe họ chia sẻ, mình học hỏi được nhiều điều và có thể áp dụng vào công việc thực tế sau này”. Điều ông Siu Khách quan tâm là các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, giải quyết mâu thuẫn tại cơ sở, gắn kết tình làng nghĩa xóm, xây dựng khu dân cư văn hóa và đảm bảo an ninh trật tự. Ông cho rằng, mâu thuẫn nhỏ nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Từ năm 2017 đến nay, ông đã tham gia hòa giải thành công 16 vụ mâu thuẫn, góp phần giúp buôn Phu Ama Miơng giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hóa. Tương tự, ông Đào Nam Sơn và ông Ksor Nguy cũng luôn thực hiện tốt phương châm “Cán bộ Mặt trận đi đầu, tiên phong gương mẫu, đầu tàu dân theo”; nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu, vận động Nhân dân thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua, các cuộc vận động và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh tại khu dân cư.

Để xứng đáng với sự biểu dương, ghi nhận, mỗi cán bộ Mặt trận cơ sở tiêu biểu toàn quốc hứa sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động; sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc; quan tâm, chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng tại hội nghị biểu dương.

ANH HUY