Xử lý tại nguồn để giảm bớt lượng rác thải

(Mặt trận) -Trước nhu cầu cần xử lý lượng rác thải ra môi trường rất lớn mỗi ngày, góp phần bảo vệ môi trường sống, các đoàn thể, xã, phường, tổ nhân dân tự quản (NDTQ) và trường học nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã và đang triển khai nhiều mô hình xử lý rác tại nguồn, góp phần giảm bớt lượng rác thải đáng kể, vừa có thể tái chế sử dụng lại một cách hữu ích.

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Niềm vui được đón Tết trong những ngôi nhà mới ở Quảng Trị

 Mô hình thu gom pin để gửi đi xử lý của Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 5, TP. Bến Tre.

Phân loại rác thải tại hộ gia đình

Tại Phường 5, TP. Bến Tre có nhiều mô hình đang triển khai hiệu quả, hộ dân đồng tình cao và có thể nhân rộng ra cộng đồng, góp phần hạn chế rác thải ra môi trường. Chị Lương Thị Hồng Thu, cán bộ Mặt trận Khu phố 2 chia sẻ: “Chúng tôi đã bước đầu triển khai mô mình phân loại rác tại nguồn tại Tổ NDTQ số 11, Khu phố 2. Trước hết, bản thân tôi và gia đình là gương mẫu thực hiện. Sau đó, tuyên truyền qua các hình thức như: Zalo, tổ NDTQ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh”.

Hộ gia đình chị Trần Ngọc Thủy, ngụ Tổ NDTQ số 11 bộc bạch: “Hầu hết hộ của tôi và từng hộ gia đình trong tổ đều thực hiện có hiệu quả từ khi áp dụng mô hình phân loại rác thải. Theo mô hình này, rác thải nhựa, chai lọ được hộ để riêng ra bán ve chai. Một số hộ gom vào thùng rác chung của tổ, đến khi nhiều thì đem bán để bổ sung kinh phí hoạt động của tổ. Các loại rác thông thường, rác sinh hoạt thì cho vào túi riêng để xe thu gom rác đến lấy.

Theo chị Thủy, sau này để tiếp tục giảm thiểu rác thải gây ô nhiễm môi trường, cần tiếp tục có phân loại rác hữu cơ để hộ tự xử lý riêng. Muốn vậy, hộ dân cần được sinh hoạt, hướng dẫn kỹ hơn để thực hiện.

Đánh giá kết quả từ tháng 5-2022 đến nay, mô hình này được nhận định là rất thành công. Bà con rất đồng thuận và phấn khởi. Vì hiệu quả mang lại, vừa giảm lượng rác thải ra môi trường, vừa có thêm kinh phí hoạt động cho tổ. Hộ nào không góp cho tổ thì cũng có thêm nguồn kinh phí cho sinh hoạt gia đình sau khi bán rác thải nhựa, vừa nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, sử dụng các loại rác thải có thể phân hủy, không gây độc hại cho môi trường...

Chị Lương Thị Hồng Thu nhận định: “Qua 1 năm thực hiện, thấy nhận thức bà con nâng lên rõ rệt. Cùng với mô hình phân loại rác, bà con ở trong tổ và khu phố nâng cao ý thức trong việc sử dụng túi sử dụng một lần (túi tự hoại). Từ từ sẽ tiến tới từ bỏ túi sử dụng 1 lần. Tổ luôn được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ từ đầu hẻm đến cuối hẻm. Sắp tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình đến Tổ NDTQ số 6”.

Phân loại rác thải độc hại

Người dân trong Khu phố 2 cũng đã ý thức việc phân loại rác đối với các loại pin điện tử vì nhận thức tác hại của pin là rất lớn: 1 cục pin nhỏ có ảnh hưởng đến 1m2 đất và đến 50 năm nên bà con rất sợ. Hễ nhà nào có pin là bà con đem đến phường, phường sẽ thu gom để đóng gói gửi lên TP. Hồ Chí Minh xử lý...

 Người dân Tổ NDTQ số 11, Khu phố 2, Phường 5, TP. Bến Tre phân loại rác thải và mang đến thùng rác chung của tổ.

Nói về mô hình thu gom pin, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 5 Nguyễn Trung Hiếu cho biết: Pin dân dụng thường ngày được quăng vào thùng rác chung nhưng tác hại nó rất nặng nề. Nếu trước đây, chúng ta chỉ nghĩ đến rác thải nhựa thì cũng cần quan tâm việc xử lý đối với các loại rác thải độc hại như pin.

Ban đầu, để phát động bà con trong các khu phố ý thức việc gom pin trong tổ để đổi gạo: Cứ mỗi kg pin đổi 1kg gạo. Sau đó dần dần 2kg đổi 1kg và sau này 5kg pin đổi 1kg gạo. Từng tổ dùng số gạo này để hỗ trợ bà con nghèo, khó khăn tại tổ. Đến nay, việc làm này đã trở thành thói quen, bà con tự giác đem pin đến để thu gom xử lý.

Để xử lý số pin thu gom được tại địa phương, mặc dù ở tỉnh chưa có chỗ thu gom rác thải độc hại, nhưng Phường 5 đã sớm nhận thấy ý nghĩa của việc làm này nên đã trích 1 phần kinh phí để hỗ trợ tiền xe vận chuyển pin lên TP. Hồ Chí Minh xử lý. “Hiện nay, mô hình này đã nhân rộng các liên đội trường học trên địa bàn thành phố, có sự ràng buộc trách nhiệm và hệ thống trong tất cả các đoàn thể, các cấp cùng tham gia thực hiện”, anh Nguyễn Trung Hiếu cho biết.

Thuận lợi của các mô hình phân loại rác thải tại Phường 5 là có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể. Mỗi đoàn thể có 1 cách làm nhưng tựu trung góp phần nâng nhận thức của bà con về phân loại rác thải. Được biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 5 có kế hoạch sẽ triển khai hỗ trợ hộ dân trang bị dụng cụ phân loại thêm đối với rác thải hữu cơ, góp phần giảm ít nhất lượng rác thải ô nhiễm ra môi trường hàng ngày.

Không chỉ ở Phường 5, TP. Bến Tre, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cũng đã triển khai sâu rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn, trong đó phân loại các loại rác thải nhựa, lon, chai để riêng; rác hữu cơ để riêng và tiếp tục được xử lý cùng với chế phẩm, giúp tạo phân hữu cơ dùng bón cho cây trồng, hoặc có thể trồng rau, hoa tại nhà phố.

“Đối với mô hình phân loại rác tại nguồn được triển khai trong đoàn thanh niên đã mang lại kết quả bước đầu là trang bị cho các bạn nhận thức về bảo vệ môi trường, hiểu lý do tại sao phải phân loại rác. Tuy nhiên, hạn chế là việc làm này chưa trở thành thói quen thường xuyên, chưa tác động toàn diện đến gia đình nơi các em ở.

Năm 2023, Tỉnh đoàn sẽ tổ chức mô hình dân vận khéo về phân loại rác tại nguồn tại tổ NDTQ, với 50 tổ, triển khai đều 9 huyện, thành phố, gồm: Trang bị thùng rác 2 ngăn giúp hộ dân thuận tiện phân loại rác; tập huấn cho hộ tham gia cách thức phân loại rác và có sự cam kết thực hiện, hướng dẫn ủ phân hữu cơ từ rác hữu cơ… Được biết, mô hình đã triển khai đăng ký từ tháng 3-2023, dự kiến sẽ kết thúc giai đoạn 1 vào cuối năm 2023. Nguồn kinh phí vận động xã hội hóa”. (Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Như Quỳnh)

Cẩm Trúc