Xây dựng nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp

(Mặt trận) -Giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí cứng trong thực hiện mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Bắc Ninh và sự nỗ lực của mỗi cư dân nông thôn, những hình mẫu nông thôn xanh đang hiện hữu, trở thành nơi đáng sống, văn minh hiện đại. Các yếu tố môi trường bền vững dần được thiết lập, đáp ứng các tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp, hợp vệ sinh.

Những ngôi nhà ấm tình đoàn kết ở Kon Thụp

Thành phố Việt Trì chăm lo đời sống cho người nghèo

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở huyện Yên Định

 Hình mẫu nông thôn xanh (thôn Cách Bi, xã Cách Bi, Quế Võ).

Nước thải, chất thải trong chăn nuôi; chất thải đồng ruộng; chất thải rắn sinh hoạt là những vấn đề nổi cộm cần giải quyết trong bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn. Tổng khối lượng chất thải chăn nuôi toàn tỉnh Bắc Ninh phát sinh khoảng 2.175 tấn/ngày; mỗi năm phát sinh khoảng 17.000 kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng; chất thải từ trồng trọt phát sinh khối lượng lớn; chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh phát sinh khoảng gần 1000 tấn/ngày (chủ yếu ở nông thôn). Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025 khẳng định: Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách trong đó có nhiệm vụ bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025, 100% rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh phải được phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển về nơi xử lý theo quy định; 100% chất thải trong chăn nuôi, chất thải trồng trọt và chất thải đồng ruộng, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý; 100% các khu dân cư có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn. Để hoàn thành các mục tiêu trên, nhiều giải pháp có tính khả thi cao đã, đang được triển khai tích cực.

Sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn. Với sức lan tỏa mạnh mẽ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh chủ trì phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, làm sạch đường làng, ngõ, xóm; đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”; phối hợp với các đoàn thể cơ sở giám sát việc giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm trong khu dân cư và tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; triển khai 16 mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường (mỗi huyện, thành phố 2 mô hình) gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” đạt hiệu quả thiết thực.

Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh triển khai phong trào vệ sinh đồng ruộng đến 8 huyện, thành Hội và 121 cơ sở Hội; thu gom gần 27,4 tấn vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, 86,4 tấn rác thải đồng ruộng mỗi năm; triển khai phong trào làm sạch đồng ruộng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy kênh mương. Ngành Tài nguyên phối hợp chặt chẽ với các địa phương bố trí lắp đặt các thùng chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, sau đó tổ chức thu gom định kỳ 6 tháng/lần để chuyển đến đơn vị có chức năng xử lý, đến nay, 100% chất thải đồng ruộng được thu gom, xử lý. Đoàn Thanh niên hưởng ứng tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chỉ đạo ra quân đồng loạt “Ngày Thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ Nhật xanh”; tiếp tục duy trì, triển khai đẩy mạnh các phong trào “Hành trình xanh”, “Tuổi trẻ Bắc Ninh làm sạch ruộng đồng, chung tay xây dựng Nông thôn mới”,“Tuổi trẻ Bắc Ninh hành động chống rác thải nhựa”; thu gom, phân loại và xử lý rác thải dân sinh, rác thải ruộng đồng, xoá các điểm đen về rác; ra quân dọn vệ sinh tại 100% các thôn, xóm trên địa bàn tỉnh... Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh ban hành hướng dẫn thực hiện mô hình điểm “Khu dân cư không rác thải”; triển khai phong trào phân loại chất thải tại nguồn, nhân rộng mô hình làng 3 sạch, mô hình đường hoa, mô hình điểm làng nông thôn mới kiểu mẫu; phong trào thi đua xây dựng quê hương sáng, xanh, sạch, đẹp; hướng dẫn ứng dụng chế phẩm vi sinh IMO trong xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón trong sản xuất nông nghiệp và ra mắt 8 mô hình “khu dân cư không rác thải”…

Ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào thu gom rác thải, phế thải làm sạch ruộng đồng, vớt bèo, rác, khơi thông dòng chảy các kênh mương; phát động và duy trì phong trào làm sạch đường làng, ngõ xóm; vận động nhân dân không đốt rơm rạ tại cánh đồng, bờ ruộng. Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người dân về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân hóa học; áp dụng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ; tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ, sản xuất nấm… Quy hoạch một số vùng chăn nuôi tập trung nhằm đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi quy mô trung bình và lớn, bảo đảm vệ sinh môi trường; di dời các cơ sở chăn nuôi ra khu chăn nuôi tập trung. Cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh tại các công trình công cộng; đối với các hồ ao đã có sẵn ở địa phương, thường xuyên nạo vét bùn, tiêu diệt các loài côn trùng gây bệnh truyền nhiễm. Xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước có nắp kín tại các thôn, làng; hệ thống các trạm xử lý nước thải tập trung cho các khu dân cư nông thôn. Với những động thái tích cực của cả hệ thống chính trị đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mang dáng dấp đô thị, khang trang, sạch đẹp.

Hoài Anh