Xây dựng nông thôn mới: Khó đâu gỡ đó

(Mặt trận) - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong nước phức tạp kéo dài. Để khắc phục, các xã phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2021 đã linh hoạt trong cách làm, triển khai nhiều giải pháp, xác định khó đâu gỡ đó để thực hiện các tiêu chí.

Những ngôi nhà ấm tình đoàn kết ở Kon Thụp

Thành phố Việt Trì chăm lo đời sống cho người nghèo

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở huyện Yên Định

Đường bê tông nội đồng thôn 10, xã Tân Long (Yên Sơn) vừa hoàn thành. 

Khơi dậy sức mạnh từ lòng dân

Hết năm 2020, xã Tân Long (Yên Sơn) đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Theo kế hoạch, xã sẽ về đích nông thôn mới năm 2021. Đồng chí Nguyễn Sỹ Thuật, Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết: Trong 6 tiêu chí còn lại có đến 4 tiêu chí là giao thông, môi trường, nhà ở dân cư, thu nhập rất cần sự đồng lòng, chung sức của nhân dân. Chính vì thế, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo, tuyên truyền, vận động từng thôn để người dân hiểu chủ trương, chính sách và trách nhiệm cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới.

Xã rà soát từng tiêu chí đối với từng thôn, sau đó lập kế hoạch, giải pháp thực hiện để khó tới đâu, gỡ tới đó. Tiêu chí về giao thông được xã triển khai sớm theo Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh nên chỉ trong 8 tháng đã hoàn thành 100% kế hoạch với 10,4 km đường đã được bê tông. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sỹ Thuật bảo, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các nguồn thu của người dân bị ảnh hưởng, triển khai thực hiện làm đường bê tông vào khu sản xuất hàng hóa, đường nội đồng theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” người dân tự giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu cát, sỏi và ngày công tính ra nhiều tỷ đồng. Do vậy, nếu không có giải pháp triển khai linh hoạt, phù hợp, quyết liệt thì khó hoàn thành.

Thôn 10, xã Tân Long vừa hoàn thành 800m đường giao thông nội đồng từ sự đồng lòng hiến đất, góp công, góp của từng người dân. Đồng chí Nguyễn Đông Hưng, Bí thư Chi bộ thôn 10 chia sẻ, để giảm bớt khó khăn đóng góp mua cát sỏi, thôn thống nhất làm từng tuyến một, với 2 tuyến thôn chia đóng góp làm 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 tháng. Vì thế, việc triển khai làm thuận lợi hơn. Cùng đóng góp mua cát sỏi thì người dân đã hiến 1.300 m2 đất mở đường rộng đủ 5m, hộ hiến nhiều nhất là gia đình bà Nguyễn Thị Tường hiến đến 600 m2.

Tuyến đường bê tông vào vùng sản xuất hàng hóa của thôn Tú Tạc, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) dài trên 1.000 m vừa được hoàn thành bởi sự đồng lòng của người dân. Đồng chí Lương Mạnh Tiến, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cho biết: Tuyến đường bê tông này là sự mong mỏi của người dân nhiều năm qua. Trước do điều kiện kinh tế còn hạn hẹp nên chưa làm được. Năm nay, chung sức, đồng lòng cùng người dân trong xã xây dựng nông thôn mới, lại được tỉnh hỗ trợ xi măng, người dân trong thôn quyết tâm đóng góp mua cát sỏi, hiến đất làm đường.  

Anh Nguyễn Văn Khoa, tự nguyện hiến trên 100 m2 đất vườn để thôn Tú Tạc mở đường còn đóng góp 10 triệu đồng mua cát sỏi. Anh chia sẻ, thu nhập của gia đình chưa cao, song nghĩ đến lợi ích lâu dài tuyến đường mang lại, gia đình đã bàn bạc và nhất trí đóng góp để làm đường. Đường làm xong, ai nấy đều vui vì sự đổi mới của quê hương có công sức của mỗi gia đình.

Năm 2021, xã Tú Thịnh về đích nông thôn mới, đây vừa là vinh dự vừa là thử thách đối vơi cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong xã, bởi hết năm 2020 xã mới đạt 14/19 tiêu chí. Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tú Thịnh khẳng định việc xây dựng nông thôn mới phải được sự ủng hộ, đồng lòng chung sức của nhân dân. Vì thế cấp ủy, chính quyền xã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, dân vận để người dân hiểu được lợi ích của xây dựng nông thôn mới, sức mạnh đem lại từ chủ thể là người dân. Vì vậy trong 8 tháng qua, Tú Thịnh đã cơ bản hoàn thành thêm 3 tiêu chí nữa giao thông, thu nhập, nhà ở dân cư. Xã phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại trước tháng 12-2021.

Tập trung nâng cao thu nhập

Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh (Yên Sơn) Tạ Xuân Trình cho biết, trong các tiêu chí thì thu nhập là tiêu chí khó nhất, thế nên việc tìm ra hướng đi bền vững, hiệu quả nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xã quan tâm. Ngoài phát huy tiềm năng, lợi thế, xã vận động người dân đưa các giống cây con giá trị gia tăng vào nuôi, trồng. Điển hình như đầu năm 2021 xã đưa vào trồng thử nghiệm cây dưa chuột theo hướng an toàn khá hiệu quả. Trồng dưa chuột nông dân được cung cấp giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc và đảm bảo bao tiêu sản phẩm với giá thấp nhất là 2.000 đồng/kg, còn giá trung bình là 5.000 đồng/kg. Nhờ đó mà sau 1 vụ trồng dưa, nhiều hộ gia đình đã có thu lãi 7 triệu đồng/sào, cao gấp 2, đến 3 lần so với trồng lúa, ngô. Bên cạnh đó, xã duy trì và phát triển tốt 14ha bưởi, 6,5ha thanh long, 2.100ha rừng sản xuất, trong đó 424ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Hàng năm diện tích rừng của xã cho khai thác đạt 120ha, thu về hơn 10 tỷ đồng. 

Năm 2021, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) phấn đấu về đích NTM. Xã đã đạt 16 tiêu chí, còn 3 tiêu chí là trường học, nhà ở dân cư và thu nhập. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 33 triệu đồng/người/năm; toàn xã chỉ còn 30 hộ nghèo, 46 hộ cận nghèo. Hiện 6/7 thôn có nhà văn hóa thôn gắn với sân thể thao, đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; bê tông hóa được trên 17km đường giao nông thôn, làm 10,8km đường điện thắp sáng đường quê, tỷ lệ hộ dân có nhà xây kiên cố chiếm trên 70%...  

Xã Thổ Bình (Lâm Bình) phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 37,95 triệu đồng/năm. Để đạt được mục tiêu, xã Thổ Bình đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, duy trì có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất thuộc các Chương trình 135, Chương trình 30a gắn với khai thác tối đa những lợi thế của địa phương. Đồng thời, vận động người dân thực hiện tăng hiệu quả kinh tế đối với cây chè, lạc và chăn nuôi dê, lợn thịt, trâu vỗ béo. Bên cạnh đó, tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ để đa dạng hóa nguồn thu. Xã đã có 2 hợp tác xã tham gia chế biến chè Khau Mút, 34 cơ sở và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, 162 hộ kinh doanh dịch vụ đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Đồng chí Vi Văn Sự, Chủ tịch UBND xã Thổ Bình cho biết: Xác định tiêu chí thu nhập là nền tảng vững chắc trong xây dựng nông thôn mới, do đó từ các nguồn vốn được bố trí xã đã thực hiện hỗ trợ hộ nghèo mua giống lợn đen sinh sản, dê, mua máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng nhiều năm qua nên xã hình thành một số mô hình phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao như trồng chè, lạc, chăn nuôi trâu nhốt vỗ béo, dê núi... Qua đó, góp phần tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân. Đến hết năm 2020, xã có 180 hộ nghèo thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 27,09% cuối năm 2020 và phấn đấu hết năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 11%. 

Theo kế hoạch năm 2021, tỉnh phấn đấu có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm xã Thổ Bình (Lâm Bình); Kiên Đài, Tân An  (Chiêm Hóa); Tân Thành, Thái Sơn (Hàm Yên); Tân Long, Phú Thịnh (Yên Sơn); Hợp Thành, Tú Thịnh (Sơn Dương). Việc các xã chủ động, linh hoạt thực hiện các tiêu chí trong điều kiện còn nhiều khó khăn đã và đang đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, nâng cao cuộc sống cho người dân các địa phương.