Xây dựng làng quê đáng sống

(Mặt trận) -Với quyết tâm xây dựng những làng quê đáng sống, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã phát huy vai trò nòng cốt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, tích cực thực hiện các tiêu chí theo kế hoạch đề ra, xây dựng thôn, làng, tổ dân phố trở thành nơi đáng sống.

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thị trấn Hương Canh phối hợp với Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố Trong Ngoài kiểm tra các thiết bị thể thao được lắp đặt tại khu thiết chế văn hóa, thể thao. Ảnh: Dương Chung. 

Thời gian qua, việc triển khai một số nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2030 và Nghị quyết số 08/NQ-HĐND về việc thông qua đề án xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tỉnh Vĩnh Phúc dành 2.610 tỷ đồng để xây dựng 60 “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Đó là những khu dân cư hiện đại, văn minh, sạch đẹp với các mô hình kinh tế và văn hóa đa dạng. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sẽ nhận được nhiều chương trình hỗ trợ. Đơn cử như, Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng cho mỗi mô hình siêu thị mini mới có diện tích tối thiểu 200m2; hỗ trợ 100 triệu đồng đối với mô hình điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của địa phương với diện tích tối thiểu 100m2…

Một trong những địa phương làm tốt mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” đó là huyện Bình Xuyên với nhiều công trình, hạng mục đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm qua. Điều này khẳng định sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của người dân trong việc chung tay xây dựng những vùng quê ngày càng giàu đẹp. Trong đó, Tổ dân phố Trong Ngoài, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên là một trong những địa phương được chọn làm điểm xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” và đầu tư khu thiết chế văn hóa, thể thao khang trang, hiện đại. Ông Trần Minh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Hương Canh cho biết, sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban MTTQ các cấp, Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố Trong Ngoài đã thành lập Ban quản lý, giao nhiệm vụ đến các thành viên đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động; họp và yêu cầu các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch cụ thể như vận động trồng cây xanh, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp. Vì vậy, Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố đã tập trung truyên truyền tới người dân nội dung của đề án, lợi ích, ý nghĩa của việc xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Bên cạnh đó, Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố cũng trở thành cầu nối tiếp nhận những ý kiến của người dân, kịp thời phản ánh với chính quyền. Từ đó, cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện.

Ông Trần Khắc Hữu - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù cho biết, với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu, có nhiều phong tục tập quán đặc thù nên khi cán bộ Mặt trận đến tuyên truyền, vận động cũng như hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải tại nhà nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con. Nhận thấy hiệu quả thực tế mang lại nên hiện nay, người dân trong thôn đã hình thành và duy trì thói quen phân loại và xử lý rác thải ngay từ trong gia đình. Hiện nay, để phát huy hiệu quả mô hình này, xã Đạo Trù đã giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên phối hợp cùng triển khai thực hiện. Đây được xem là nội dung quan trọng trong thực hiện tiêu chí về môi trường của quá trình xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” tại địa phương.

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc, qua hơn một năm triển khai xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”, MTTQ tỉnh đã tham mưu xây dựng quy trình giám sát các hoạt động triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” đối với Ban Công tác Mặt trận. Trong đó, nội dung giám sát tập trung vào tổ chức công tác thông tin, phổ biến, công khai dân chủ về quy hoạch, kế hoạch thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư các tiêu chí xây dựng cũng như việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư từ ngân sách và các nguồn lực huy động sự đóng góp của nhân dân trong triển khai xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” ở các địa phương. Qua triển khai thực hiện, Ủy ban MTTQ các xã đã thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại 28/28 thôn, Tổ dân phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Qua giám sát, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và nhân dân đã phát hiện, kiến nghị xử lý 15 vụ việc. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã tổ chức 4 đợt kiểm tra toàn diện do lãnh đạo Ủy ban MTTQ là trưởng đoàn đi kiểm tra trực tiếp ở thôn, Tổ dân phố nơi xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” để nắm bắt tình hình nhân dân.

Với sự năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, mô hình xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có cơ hội thụ hưởng thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội mang lại.

Tuệ Phương