Xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang: Những con đường khởi sắc

(Mặt trận) - Dọc theo tuyến kênh Thần Nông về xã Phú Thành (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), ấn tượng đầu tiên là những đường hoa và cột cờ rực rỡ ven theo trục lộ. Theo mùa, các loại hoa lần lượt khoe sắc, từ cây cao lớn cho bóng mát, như: phượng vĩ, bằng lăng, sứ đến cây cảnh tầm thấp là hoàng yến, sao nhái, dừa cạn, mười giờ…

Những ngôi nhà ấm tình đoàn kết ở Kon Thụp

Thành phố Việt Trì chăm lo đời sống cho người nghèo

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở huyện Yên Định

Đoạn đường “4 trong 1” ở xã Phú Thành 

Vẻ mỹ quan xanh - sạch - đẹp gắn với những tuyến đường láng nhựa, bê-tông ở nơi từng được mệnh danh “xứ khỉ ho cò gáy” là một trong những nỗ lực xã Phú Thành quyết tâm thực hiện để tiến lên xã nông thôn mới (NTM).

“Xã Phú Thành chưa được chọn trong lộ trình xây dựng NTM, nhưng địa phương đã xác định chỉ có tiến lên NTM thì đời sống vật chất và tinh thần của người dân mới được đáp ứng đầy đủ. Do vậy, những tiêu chí vừa sức được địa phương ưu tiên thực hiện, huy động nhân dân tham gia từ khá sớm. Trọng tâm là đầu tư xây dựng cầu, làm đường kết hợp trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh, lắp đặt cột cờ, đèn led, đèn năng lượng mặt trời, tạo diện mạo khang trang cho vùng nông thôn” - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Thành Lý Thị Lệ Hằng chia sẻ.

Là địa bàn vùng sâu, điều kiện đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp trên địa bàn khiêm tốn, nhưng người dân xã Phú Thành luôn khát khao phát triển vươn lên, dù đóng góp một phần nhỏ bằng tiền hay công sức họ đều muốn được tham gia.

Có được tinh thần đoàn kết và sự đồng lòng của người dân, Đảng ủy, UBND, UBMTTQVN xã phát động từng đợt đóng góp thực hiện các công trình trọng điểm theo vụ mùa hoặc vào dịp Tết. Trước khi thi công, nhân dân được mời dự họp và đóng góp ý kiến, thành lập các tổ tự nguyện đóng góp ngày công. Bà con còn tận dụng mối quan hệ ngoài địa phương để kêu gọi thêm nguồn lực. Do vậy, hầu hết các công trình an sinh xã hội đều được xã hội hóa.

6 tháng đầu năm 2021, xã Phú Thành đăng ký 4 mô hình cấp huyện và 12 mô hình cấp xã thi đua dân vận khéo. Kết quả đã hoàn thành 130m tuyến đường kênh Thần Nông với số tiền 180 triệu đồng, kéo đèn năng lượng mặt trời tổng trị giá hơn 160 triệu đồng, hoàn thiện nhiều tuyến đường nội bộ bằng bê-tông. Đặc biệt, xã thực hiện đoạn đường “4 trong 1” (đèn hoa, đèn chiếu sáng, cờ nước, pa-nô tuyên truyền) tổng chiều dài 7km, là công trình chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Sau 5 năm, xã Phú Thành đã xóa toàn bộ cầu tạm, cầu ván, thay vào đó là 5 cây cầu bê-tông cốt thép, 4 cây cầu sắt vững chắc đảm bảo phục vụ lưu thông đi lại cho nhân dân. Các đoạn đường chính và đường nội bộ được đầu tư lần lượt theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đến nay, đã láng nhựa, bê-tông đạt 80%. Địa phương vận động nhân dân chặt mé cây xanh che khuất tầm nhìn, giải tỏa các chuồng, trại cất trên đất công, mái ta-luy và tất cả cây trồng ven trục lộ ảnh hưởng đến giao thông. Đồng thời, tổ chức trồng hàng ngàn cây xanh, hoa kiểng tạo cảnh quan sạch - đẹp theo tiêu chí 17 về xây dựng cảnh quang môi trường.

“Trên địa bàn xã có 2 trục đường chính phía Đông và phía Tây, trong đó, đường phía Tây đã bê-tông hóa toàn bộ, đường phía Đông mới thực hiện một phần. Còn lại 7 tuyến đường Nam Hòa Bình, Bắc Hòa Bình và các đường nội bộ nhỏ vào văn phòng ấp, đường nhánh, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện theo hình thức xã hội hóa, phấn đấu hoàn thành 100% vào năm 2022” - bà Lý Thị Lệ Hằng thông tin.

Để chung tay bảo vệ thành quả, đường sá hoàn thiện đến đâu, người dân rủ nhau trồng hoa đến đó, vừa tạo cảnh quan, vừa tăng ý thức về bảo vệ môi trường.

Điển hình như đoạn đường chỉ 100m qua khu dân cư ấp Phú Trung vừa mới hoàn thành, bà Nguyễn Thị Khuya (người dân trong ấp) cho biết, hơn 40 năm sống ở đây, chứng kiến con đường thay đổi từ bùn lầy, nước ngập, bụi bặm đến khi rải đá rồi được bê-tông cao ráo mà lòng vui khó tả. Kinh tế gia đình không khá, song khi được thông báo chuẩn bị làm đường, bà Khuya đóng góp 1 triệu đồng, tự nguyện trồng nhiều hoa ven đường và chăm sóc hàng ngày.

Theo đánh giá, phong trào thi đua dân vận khéo và dân vận khéo trong xây dựng NTM ở xã Phú Thành đã đem lại kết quả cụ thể, hài hòa 3 lợi ích: tập thể, cá nhân và xã hội, tạo được sức lan tỏa sâu rộng và trở thành một trong những điểm sáng của huyện Phú Tân. “Ở vùng quê này, dù là công trình lớn hay nhỏ, người dân đều tích cực tham gia, bởi ai cũng mong quê mình phát triển. Nhờ ý chí đoàn kết, trong nhiều năm qua, không riêng chuyện đầu tư đường cộ nông thôn, bà con còn đóng góp cho an sinh xã hội khá tốt” - ông Đỗ Thanh Vân (Hội Chữ thập đỏ xã Phú Thành) bày tỏ.