Xã nghèo chuyển mình từ nông thôn mới

(Mặt trận) -Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đang ngày càng “thay da đổi thịt”.

Những ngôi nhà ấm tình đoàn kết ở Kon Thụp

Thành phố Việt Trì chăm lo đời sống cho người nghèo

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở huyện Yên Định

 Mô hình trồng bưởi Diễn tại thôn Tôm, xã Ái Thượng giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập.

“Gỡ khó” từ những việc làm cụ thể...

Địa hình đồi núi chia cắt, xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tình trạng sản xuất tự phát khá phổ biến, chuyển dịch cơ cấu sản xuất còn chậm, thiếu sự đồng đều giữa các thôn... là những rào cản, thách thức lớn đối với mục tiêu XDNTM của xã Ái Thượng.

Nhận thức sâu sắc điều đó, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, điều kiện thực tế, sự chỉ đạo sát sao, quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, xã đã chủ động xây dựng các giải pháp cụ thể về XDNTM với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hướng đến mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; huy động nội lực, tranh thủ ngoại lực thực hiện chương trình XDNTM. Quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nguồn lực con người. Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội. Phát triển kinh tế kết hợp với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...

Hằng năm, xã ban hành các nghị quyết, văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí phù hợp với từng thôn. Các thành viên ban chỉ đạo phối hợp cùng các đoàn thể chính trị trực tiếp xuống thôn mình phụ trách chỉ đạo, tuyên truyền để Nhân dân, đoàn viên, hội viên hiểu rõ về thực hiện chương trình XDNTM. Từ đó, phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, kết hợp cùng nguồn lực chương trình XDNTM từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn huy động được để XDNTM. Trong phát triển kinh tế xã chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp; khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế của địa phương. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng chuyên canh tập chung, sản xuất hàng hóa và tiêu thụ. Thực hiện đấu thầu, giao thầu diện tích lòng hồ để phát triển nuôi trồng thủy sản, chú trọng nhân rộng các mô hình, trang trại, gia trại. Đồng thời, thực hiện tốt các chương trình, dự án của Chính phủ, tiếp nhận các chương trình, dự án đầu tư, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái.

... đến những tín hiệu vui

Từ những nỗ lực đó, nhiều mô hình kinh tế hộ đã hình thành, phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao như: hộ ông Bùi Dũng Tuấn, ở thôn Đan cho tổng thu nhập từ 600 triệu đến 800 triệu đồng/năm; mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Đỗ Văn Lương, ở thôn Tôm cho tổng thu nhập trên 600 triệu đồng/năm... Đặc biệt, sau khi đại dịch COVID-19 giảm dần và bước sang trạng thái bình thường mới, xã có khoảng 1.000 người lao động trong độ tuổi quay trở lại các công ty trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác để làm việc, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, góp phần hiệu quả trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.

Về kinh tế hạ tầng, xã tập trung cho phát triển giao thông. Kết quả đã xây dựng được 1,455km tuyến đường giao thông xã tại thôn Tôm; 0,075km đường tràn thôn Mé, 1,05km đường trục nội thôn Thung Tâm... Điển hình trong hiến đất làm đường giao thông là hộ ông Trương Minh Tường hiến 1.000m2 đất nông nghiệp; hộ ông Vi Văn Yên hiến 80m2 cổng nhà, tường rào và 120m2 đất ở; hộ ông Phạm Văn Chiến hiến 300m2 đất nông nghiệp. Trong đóng góp tiền mặt, ngày công, hiện vật và tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay XDNTM, nhiều hộ dân đã tự bỏ vốn để tu sửa, chỉnh trang khuôn viên, làm mới 38 nhà với tổng kinh phí thực hiện gần 21 tỷ đồng. Tiêu biểu là các hộ: Nguyễn Văn Nam ở thôn Thung Tâm, Bùi Văn Mây ở thôn Khà, Trương Văn Khuyến ở thôn Mé, Trương Công Thơm ở thôn Giổi.

Việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở cũng được quan tâm, duy trì và giữ vững danh hiệu các làng, cơ quan văn hóa. Hiện 11/11 thôn đều có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng. 100% các hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và trên 80% sử dụng nước sạch từ hệ thống lọc nước mini. Nhà cửa, sân vườn được các hộ cải tạo, dọn dẹp vệ sinh thường xuyên, ngăn nắp. Nhằm tạo cảnh quan, khuôn viên xanh - sạch - đẹp, trong năm toàn xã trồng được 1.826 cây hoa giấy, 733 cây hoa ban đỏ...

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Lục, Chủ tịch UBND xã Ái Thượng cho biết: Từ khi triển khai XDNTM đến nay xã đã hoàn thành 14/19 tiêu chí và đạt 11/19 tiêu chí xã NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42,9 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế nông - lâm, thủy sản đạt 58,4%; công nghiệp, xây dựng đạt 18,2%; dịch vụ đạt 23,4%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 25% năm 2021 xuống còn 11,6% năm 2022 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025). Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo và đời sống của bà con Nhân dân. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và bà con Nhân dân xã Ái Thượng tiếp tục đoàn kết, trên dưới đồng lòng cùng nhau nỗ lực hoàn thành các tiêu chí còn lại để sớm về đích NTM.

M.Phương