Vùng cao Trạm Tấu rộn ràng đón Ngày hội Đại đoàn kết

(Mặt trận) -Những ngày này, khắp các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) đang rộn ràng các công việc ra quân dọn vệ sinh môi trường, tập luyện chương trình văn nghệ, thi đấu thể thao… chuẩn bị cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023 - ngày hội của toàn dân, gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Bà con thôn Làng Nhì, xã Làng Nhì tích cực tập luyện văn nghệ chuẩn bị cho Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc của thôn sẽ diễn ra vào ngày 12/11.

Là địa phương được lựa chọn làm điểm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết nên công tác chuẩn bị được bà con xã Làng Nhì đang rất háo hức. Xã Làng Nhì có 5 thôn với 421 hộ gia đình, hơn 2.100 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông. Để tổ chức thành công Ngày hội ở các thôn, tạo không khí vui tươi phấn khởi, an toàn và tiết kiệm, Ủy ban MTTQ xã Làng Nhì đã chỉ đạo Ban công tác mặt trận các thôn, bản chủ động phối hợp với các đoàn thể tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. 

Anh Hờ A Súa - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Làng Nhì, xã Làng Nhì chia sẻ: "Sau khi nhận được sự chỉ đạo của MTTQ xã, chúng tôi đã họp thôn để triển khai các nhiệm vụ và công tác chuẩn bị cho Ngày hội như: treo cờ Tổ quốc, vệ sinh môi trường và tập luyện văn nghệ, thi đấu thể thao để biểu diễn, giao lưu trong Ngày hội. Đây là hoạt động thường niên hàng năm, gắn kết bà con nên ai cũng rất phấn khởi, tích cực tham gia”. 

"Tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở xã Làng Nhì, bà con sẽ cùng nhau ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, báo cáo khái quát kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết quả phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Đồng thời, xã cũng sẽ biểu dương, khen thưởng các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2020-2023. 

Cùng với đó, tại phần hội, bà con sẽ được tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc, múa khèn Mông; tham gia các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, chạy nam nữ… phát huy nét văn hóa tuyền thống của dân tộc, của địa phương” - ông Tráng A Chư, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Làng Nhì thông tin. 

Không khí Ngày hội ở nơi gần 100% là đồng bào dân tộc Thái là xã Hát Lừu cũng không kém phần sôi động. Ngày hội Đại đoàn kết ở Hát Lừu sẽ được tổ chức trong 2 ngày 11 và 12/11 nhưng từ nhiều ngày nay, không khí rộn ràng đã lan tỏa ở 4 thôn. 

Chị Lò Thị Mến - thôn Hát 2 hào hứng: "Gần 2 tuần nay, cứ  19h30 phút, sau khi đã hoàn tất mọi công việc đồng áng, gia đình là chị em chúng tôi lại có mặt đông đủ ở nhà văn hóa để tập luyện các tiết mục văn nghệ chuẩn bị cho Ngày hội. Ai cũng phấn khởi, nhiệt tình tập luyện bởi đây là dịp để chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt thêm tình cảm xóm làng”. 

Ngay sau khi kết thúc phần lễ và phần hội của Ngày hội, các thôn sẽ tổ chức bữa ăn đại đoàn kết với sự tham gia của 100% hộ gia đình trong thôn. Ông Lường Văn Tiểng - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Lừu 1 chia sẻ: "Khi đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, bà con càng tích cực tham gia các hoạt động để gắn kết tình làng xóm; việc tổ chức Ngày hội không chỉ mang đến không khí đầm ấm, thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa bà con mà còn là diễn đàn để người dân phát huy dân chủ ngay từ cơ sở”.

Đến thời điểm này,công tác chuẩn bị cho Ngày hội của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã cơ bản hoàn thành để sẵn sàng tổ chức đồng loạt vào ngày 11 và 12/11/2023.

Ông Giàng A Chang - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trạm Tấu cho biết: "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023 trên địa bàn huyện Trạm Tấu được tổ chức tại 57 thôn, tổ dân phố. Trong đó, 2 điểm có lãnh đạo tỉnh dự; 10 điểm Ban Thường vụ Huyện ủy, tổ trưởng công tác phụ trách xã dự; 45 điểm các tổ công tác của huyện phân công phụ trách thôn dự".

"Để Ngày hội lan tỏa đến mọi người dân, huyện đã vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình; cổng thông tin điện tử, trang fanpage, mạng xã hội của cộng đồng, địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và mỗi cá nhân. 

Cùng với đó, huyện tuyên truyền qua cuộc họp thôn (bản), tổ dân phố; chỉ đạo treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích... tuyên truyền cổ động trong dịp kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam. MTTQ các cấp trong huyện cũng đã chủ trì và phối hợp hướng dẫn việc tổ chức Ngày hội đảm bảo thời gian, trang trọng, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí, tạo không khí vui tươi, đầm ấm và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”, ông Chang nói. 

N.T