Vĩnh Long: Phát huy hiệu quả mô hình tự quản về an ninh trật tự

(Mặt trận) -Thời gian qua, MTTQ các cấp tỉnh Vĩnh Long đã phát huy vai trò, vận động Nhân dân đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự ở các khu dân cư được duy trì, phát huy hiệu quả; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từ cơ sở.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

 Công an xã Trung Thành (Vũng Liêm) đến tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer. Ảnh minh họa

Công tác tuyên truyền phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” luôn được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh thực hiện gắn với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” với nhiều hình thức đa dạng và phong phú.

Theo đó, công tác triển khai phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội đã được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện.

Kết quả, năm 2023, toàn tỉnh có 8/8 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện công tác vận động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội đồng bộ đến khu dân cư; có 100% xã, phường, thị trấn; 100% khu dân cư và 100% cơ quan, doanh nghiệp, trường học, cơ sở thờ tự đăng ký thực hiện an toàn về an ninh trật tự.

Ông Trần Thanh Lâm- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, cho biết, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được lồng ghép, gắn kết với nhiều phong trào khác thực sự đã tạo được sức hút, lan tỏa và đem lại hiệu quả từ gia đình, thôn xóm đến các xã phường, cơ quan, đoàn thể, trường học.

Đến nay, toàn tỉnh có 319 mô hình phòng, chống tội phạm trên địa bàn nông thôn được hình thành theo cơ chế “dân tổ chức, dân tự quản lý, dân thực hiện, dân nuôi” có sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền, công an nhân dân hướng dẫn như mô hình “cụm liên kết bảo vệ an ninh trật tự”, “cảm hóa giáo dục người lầm lỗi ở cộng đồng dân cư”, “Tổ liên gia tự quản”…

Chị Trần Thị Trúc Linh- Bí thư Xã Đoàn Mỹ An (Mang Thít) cho biết, về mô hình cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư, đối với thanh niên địa phương vi phạm pháp luật, có nguy cơ mắc tệ nạn xã hội, xã đoàn kết hợp với công an xã mời gọi cảm hóa, giáo dục định kỳ; góp phần hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên tại địa phương.

Song song đó, nhiều mô hình quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự đang phát huy hiệu quả như mô hình “Đèn trước ngõ, mõ trong nhà”, “CLB nhà cho thuê phòng, chống tội phạm”, “Trường học an toàn không có tội phạm, không có ma túy”...

Riêng mô hình cổng an ninh trật tự, hiện nay có trên 1.059 cổng và 23 kẻng an ninh nhân dân. Thông qua các mô hình đã phát huy được vai trò tự quản của Nhân dân trong giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Nổi bật, mô hình “Tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc Khmer xã Trung Thành (huyện Vũng Liêm) đoàn kết phòng chống tội phạm ở địa bàn dân cư” đã và đang phát huy vai trò, hiệu quả tích cực; góp phần tích cực giúp lực lượng công an trong công tác đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự.

Theo đó, lực lượng công an địa phương đã phối hợp với chức sắc, chức việc tổ chức tuyên truyền trong đồng bào dân tộc Khmer nhằm giúp người dân thông hiểu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, khu dân cư an toàn về an ninh trật tự.

Ông Kiên Chức (ấp Trung Trạch, xã Trung Thành) phấn khởi chia sẻ về sự tham gia hưởng ứng của đồng bào Khmer ở xã từ khi thực hiện mô hình: “Sư Cả tổ chức hội nghị, tuyên truyền cho đồng bào, nhất là trong những ngày bà con đi chùa mỗi tháng; động viên bà con tránh xa tệ nạn xã hội, không nghe lời xuyên tạc, nói xấu, kích động của các thế lực thù địch. Theo đó, bà con ở địa bàn khu dân cư luôn chấp hành tốt pháp luật, chí thú làm ăn”.

Việc xây dựng các mô hình tự quản đã góp phần quan trọng vào kết quả chung trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” của toàn tỉnh. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 273.567 trong tổng số 276.808 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; tăng 0,32% so kế hoạch và tăng 0,72% so với năm 2022.

Thanh Nga