Vì một Cô Tô không rác thải nhựa

(Mặt trận) -Là cơ quan chủ trì đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”, MTTQ huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các đơn vị trong huyện triển khai có hiệu quả đề án, tạo sức lan tỏa góp phần bảo vệ môi trường vùng biển đảo.

Tri Tôn quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Xuân ấm áp bên những căn nhà mới ở tỉnh Long An

Lâm Hà nỗ lực giảm nghèo

 Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cô Tô dọn vệ sinh môi trường, hưởng ứng ngày “Chủ nhật xanh”.

Cô Tô là huyện đảo ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền khoảng 60 hải lý. Với cảnh quan đẹp và cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ nên trong những năm qua Cô Tô luôn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn.

Vào mùa hè, trung bình mỗi ngày Cô Tô đón khoảng hơn 2.000 khách du lịch đến tham quan, du lịch. Ngày cao điểm, huyện đảo này đón trên 5.000 khách, bằng dân số toàn huyện. Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày huyện phát sinh từ 10-12 tấn rác, trong đó có khá nhiều rác thải nhựa. Đây là áp lực rất lớn với địa phương vì năng lực xử lý rác thải còn hạn chế.

Trước thực trạng nói trên, ngày 4/6/2021, Huyện ủy Cô Tô đã thực hiện quyết định phê duyệt Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” gắn với tuyên truyền, vận động khách du lịch không mang túi nilon, đồ nhựa dùng một lần khi thăm quan, du lịch tại huyện đảo. Thời điểm thực hiện bắt đầu từ ngày 1/9/2022.

Với vai trò là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện Đề án, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền trực tiếp đến các hộ gia đình, các nhà hàng, khách sạn, tiểu thương, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cam kết chung tay giảm thiểu rác thải nhựa.

Qua đó, góp phần đưa Đề án thật sự đi vào đời sống, lan tỏa ý nghĩa thiết thực đến mỗi người dân và du khách. “Cô Tô không có rác thải nhựa” không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động, việc làm cụ thể của mỗi cá nhân, đơn vị và cả hệ thống chính trị trong việc bảo vệ môi trường, gìn giữ màu xanh đảo ngọc, thể hiện qua các hành động thiết thực, cụ thể như: Thu hồi, thay thế túi nilon truyền thống, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Việc thực hiện Đề án đã mang lại những hiệu quả tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân trong việc sử dụng túi nilon và rác thải nhựa một lần.

Bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cô Tô cho biết, việc triển khai Đề án của huyện đã nhận được sự đồng thuận, chung tay hành động của cộng đồng vì mục tiêu xây dựng huyện Cô Tô phát triển bền vững. Các xã, thị trấn đã triển khai thành lập nhiều mô hình như: Các tổ tự quản ở các thôn, khu; các nhóm hộ gia đình để quản lý rác thải nhựa... Tiêu biểu là phong trào “Biến rác thành tiền”, “Ủ phân hữa cơ” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phát động đem lại hiệu quả cao, thu hút hầu hết các chi hội tham gia; phong trào “Tiếng trống sạch trường” của các trường học…

MTTQ huyện đã phối hợp cấp phát miễn phí các sản phẩm thay thế đồ dùng bằng nhựa như: 1.200 chai thủy tinh, 1.200 túi vải, 1.600 túi giấy, 17.000 ống hút bằng tre cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, UBND các xã, thị trấn theo chương trình “Chống rác thải nhựa” của UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cô Tô, để làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, MTTQ huyện đã phối hợp với Ban Quản lý dịch vụ công ích liên hệ các nhà sản xuất để cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường như: Túi giấy, túi tự phân hủy, hộp giấy, cốc giấy... Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân làm túi giấy, cung cấp các loại túi thân thiện với môi trường.

ĐÔNG BẮC