Về miền quê đáng sống

(Mặt trận) -Giao Phong đã trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Giao Thủy và tỉnh Nam Định. Nơi đây thực sự là "miền quê đáng sống" ở tỉnh Nam Định với cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; điều kiện sống, thu nhập của người dân cao; các cấp học đều đạt chuẩn quốc gia...

Phú Thọ: Phát huy vai trò của MTTQ trong xây dựng đời sống văn hóa

Lào Cai: Chăm lo để người nghèo đón Tết đầm ấm, an vui

Chiêm Hóa linh hoạt, sáng tạo làm nhà cho hộ nghèo

 Thành quả của xây dựng nông thôn mới đã giúp cảnh quan và đời sống người dân xã Giao Phong, huyện Giao Thủy đổi thay, được nâng cao hơn nhiều so với trước đây.

Lâm Phú là xóm có quy mô không lớn, chỉ với 195 hộ, 529 nhân khẩu. Người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản nhưng xóm đã cán đích nông thôn mới thông minh năm 2022. Thành quả ấy đến từ nội lực của địa phương, sức mạnh từ sự đồng thuận, chung tay, góp sức của cán bộ, đảng viên và toàn dân.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường trục xóm mặt đường rộng hơn 5m được thảm bê tông phẳng lỳ, hai bên đường trồng cây xanh và hoa xanh mướt, Trưởng xóm Lâm Phú Phạm Văn Minh vui mừng chia sẻ, trước đây, hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn xóm mặt đường chỉ rộng hơn 2m. Một số đường trong khu dân cư còn là đường đất hoặc chỉ rải đất đá cấp phối, gây khó khăn cho việc đi lại, giao thương hàng hóa.

Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, chi bộ xóm đã bám sát kế hoạch, chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh của Trung ương, của tỉnh, của huyện, xã để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế ở xóm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, huy động mọi lực lượng tham gia với tinh thần "cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau".

Mọi việc trong xóm đều được bàn thảo, công khai, tham vấn ý kiến của người dân - chủ thể trong xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sự thống nhất theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng".

Nhờ làm tốt việc tuyên truyền, khơi dậy được tinh thần trách nhiệm, huy động sức dân, nội lực trong dân nên từng hộ gia đình và mỗi người dân ở đây luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, thực hiện tốt các phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực.

Từ năm 2020-2022, nhân dân Lâm Phú đã hiến trên 2.500m2 đất thổ cư, đất nông nghiệp với tổng trị giá khoảng 4-5 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, giao thông, thủy lợi nội đồng. Những người con quê hương Lâm Phú đang làm ăn xa đã ủng hộ hơn 5 tỷ đồng giúp địa phương đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng công trình phúc lợi công cộng...

Theo Trưởng xóm Lâm Phú, không chỉ góp của cải, công sức để làm đường, mở rộng đường giao thông, lắp điện chiếu sáng, nhân dân còn cùng nhau xây dựng, ban hành hương ước, quy ước thực hiện các tiêu chí về vệ sinh môi trường, phân loại rác thải, đấu tranh phòng, chống, tố giác tội phạm giúp làng quê luôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, trở thành nơi thực sự đáng sống.

Đến nhà văn hóa xóm Lâm Phú, khách thập phương không khỏi bất ngờ bởi vào các buổi sáng và cuối giờ chiều, nhân dân tập trung về đây tập thể dục, thể thao, đọc sách, báo khá đông. Nhà văn hóa xóm rộng hơn 500m2 được trang bị đầy đủ thiết bị tập thể thao, tủ sách, lắp mạng wifi tốc độ cao phục vụ nhu cầu tìm hiểu cách thức trồng trọt, chăn nuôi của người dân.

Hiện nay, tỷ lệ sử dụng mạng wifi của các gia đình trên địa bàn xóm đạt tỷ lệ 70-80%. Hệ thống camera an ninh đã phủ khắp xóm. Nhờ có mạng internet, ngoài việc phục vụ học tập, tra cứu thông tin, nhiều mặt hàng nông sản của xóm đã được giới thiệu, quảng bá, giao dịch mua bán qua mạng giúp kích cầu tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm...

Bà Nguyễn Thị Nga ở xóm Lâm Phú chia sẻ, cảnh quan xóm đã thay đổi rất nhiều so với 5 năm trước. 100% tuyến đường giao thông từ dong xóm ra đến tận ruộng đều rộng rãi, được thảm nhựa hoặc bê tông. Ban đêm, các tuyến đường có điện chiếu sáng từ 18 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, thuận lợi cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giải trí của người dân.

Hướng đến đời sống người dân

Là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Nam Định, Chủ tịch UBND xã Giao Phong Phạm Văn Sơn cho biết, để đạt được kết quả đó, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2020, xã có tiếp tục thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới với quan điểm có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Chính quyền không làm thay người dân, không chạy theo thành tích mà phải làm thực sự vì mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Từ việc đánh giá sát thực tế thế mạnh, khả năng của địa phương, xã xác định tập trung hoàn thiện 4 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, khuyến khích hoạt động văn hóa cộng đồng.

Đặc biệt, nhân dân là chủ thể trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, do vậy tất cả mọi việc đều được công khai cho dân biết, tham vấn ý kiến nhân dân trước khi triển khai thực hiện, điều này đã tạo sự đoàn kết, thống nhất, tạo niềm tin, tinh thần tự nguyện, tự giác trong dân.

Nhờ đó, nhiều phần việc khó như mở rộng đường giao thông, hoàn thiện các tiêu chí về cảnh quan môi trường, phân  loại rác thải tại nguồn... khi người dân vào cuộc đã trở nên đơn giản và sớm hoàn thành.

Cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã đã gương mẫu tự nguyện tháo dỡ tường rào, công trình xây dựng nhường đất cho việc mở rộng đường giao thông với giá trị ước tính khoảng 50 tỷ đồng. Nhiều hộ dân đã hiến cả trăm mét vuông đất mà không yêu cầu đền bù. Có thể khẳng định, chính sự vào cuộc, sự đồng lòng, góp sức của nhân dân đã giúp xã cán đích nông thôn mới kiểu mẫu sớm và dẫn đầu cả huyện, cả tỉnh trong chương trình này.

Theo Chủ tịch UBND xã Giao Phong, để nâng cao thu nhập cho nhân dân, những năm qua, xã đã phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trồng trọt với quy mô trên 32ha, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã và các hộ dân ngày càng chặt chẽ, tạo ra tư duy mới trong sản xuất với quy trình sản xuất khép kín. Các vùng sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và thực hiện việc truy xuất nguồn gốc. Thu nhập bình quân đầu người của xã (năm 2021) đạt 73,62 triệu đồng/người/năm.

Hiện tại, 11/11 xóm có nhà văn hóa xây dựng kiên cố, sức chứa trên 100 ghế ngồi phục vụ hội họp sinh hoạt cộng đồng, đầy đủ các trang thiết bị để nhân dân hội họp, có sân chơi thể thao, dụng cụ tập thể dục ngoài trời để nhân dân tập luyện. Các gia đình trong xã thường xuyên được phổ biến và nghiêm chỉnh thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy chế của địa phương.

Tất cả các đường dong, ngõ xóm đã có hệ thống đèn đường thắp sáng về ban đêm với hơn 650 cột đèn điện quanh xã. Các hộ gia đình thực hiện tốt việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và xử lý rác hữu cơ tại gia đình. Rác thải vô cơ được các tổ thu gom rác thải của xã đưa về khu xử lý rác tập trung.

Đặc biệt, xã đạt được kết quả nổi bật về lĩnh vực giáo dục. Cả 3 cấp học là: Mầm mon, Tiểu học và Trung học cơ sở của xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và đạt tiêu chuẩn "Xanh - sạch - đẹp - an toàn".

Ngoài ra, xã đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80% trở lên; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 98% trở lên, 100% số xóm thực hiện phân loại rác thải tại nguồn...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy Cao Thành Nam thông tin, những cách làm linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới của xã Giao Phong sẽ được phổ biến, vận dụng, triển khai nhân rộng trên địa bàn huyện. Hơn nữa, huyện hiện có 17/22 xã, thị trấn đạt nông thôn mới nâng cao. Giao Thủy phấn đấu đến trước năm 2030 đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

 Văn Đạt (TTXVN)