Vai trò của Mặt trận Tổ quốc huyện Phú Tân trong công tác an sinh xã hội

(Mặt trận) - Phát huy vai trò chăm lo an sinh xã hội, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, qua nửa nhiệm kỳ (2019-2024) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, UBMTTQVN huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đã đạt nhiều kết quả đáng trân trọng. Đặc biệt, đời sống người dân, ổn định xã hội, an ninh… ở xứ đạo được đảm bảo nhờ nhiều cách làm thiết thực và huy động nhiều nguồn lực tham gia.

Yên Bái: 100% hộ dân bị thiệt hại về nhà do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Theo Chủ tịch UBMTTQVN huyện Phú Tân Nguyễn Thành Ân, nhờ công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng thường xuyên, nên nhân dân đã chuyển biến tích cực về nhận thức, chủ động tham gia các phong trào, cuộc vận động, đóng góp tiền, vật chất, ngày công xây dựng các công trình và thực hiện an sinh xã hội…

Thành quả trên có được từ việc tập hợp, đoàn kết và phát huy vai trò của các nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu trong tôn giáo tiếp tục được UBMTTQVN từ huyện đến xã chú trọng. Đồng thời, hệ thống mặt trận thường xuyên giữ mối quan hệ gắn bó, gần gũi, là cầu nối giữa các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo với Đảng và chính quyền.

 Gắn kết với các tổ chức tôn giáo, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc

Điển hình trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hàng năm, UBMTTQVN các cấp đều xây dựng kế hoạch triển khai, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, lồng ghép các nội dung về phòng, chống tội phạm, an toàn giao thông. Kết quả, toàn huyện có 38.292 hộ gia đình văn hóa, 88 ấp văn hóa, 58/58 cơ quan văn hóa, 2 thị trấn văn minh đô thị.

Huyện còn vận động các nguồn lực trong và ngoài địa phương đóng góp Quỹ Cây mùa xuân, Quỹ Vì người nghèo, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ người khó khăn, người nghèo, thiên tai… Tính đến tháng 6/2022, Quỹ Vì người nghèo toàn huyện trên 58,6 tỷ đồng, đạt 360% so nghị quyết đại hội.

Qua đó, đã chi cất mới 648/600 căn nhà Đại đoàn kết (đạt tỷ lệ 108%) và sửa chữa 140 nhà. Đồng thời, hỗ trợ 85.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, cất 7 cây cầu bê-tông nông thôn. Ban Thường trực UBMTTQVN huyện chuyển nguồn Quỹ Vì người nghèo ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện đề án thoát nghèo hơn 4 tỷ đồng, giúp 123 hộ vay vốn sản xuất, chăn nuôi.

Thực hiện Kế hoạch 39-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Tân về việc phát động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hành tiết kiệm, góp phần chăm lo an sinh xã hội. UBMTTQVN huyện tiếp nhận hơn 570 triệu đồng của 126 đơn vị, tổng tồn quỹ trên 2,1 tỷ đồng. Nguồn quỹ này đã giúp đỡ cho nhiều trường hợp khó khăn trên địa bàn...

Đặc biệt, năm 2020-2021, tình hình dịch bệnh COVID-19, diễn biến phức tạp, thực hiện thư kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQVN, UBMTTQVN các cấp trên địa bàn huyện phát động trong các tổ chức thành viên, cán bộ, đảng viên, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đóng góp.

Trong 2 năm qua, các nguồn lực ủng hộ được trên 26,1 tỷ đồng, gồm tiền mặt và hiện vật. Trong đó, cấp huyện vận động được hơn 14,3 tỷ đồng. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập 21 “Gian hàng 0 đồng”, 23 “Chuyến xe 0 đồng” và 4 cây ATM gạo, đến nay vẫn đang hoạt động.

Bên cạnh đó, huyện còn khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của UBMTTQVN tỉnh An Giang rà soát các đối tượng lao động ngoài tỉnh và trong huyện đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Qua đó, kịp thời báo cáo về tỉnh để được hỗ trợ 1.400 túi an sinh, 300 phần quà đại đoàn kết, 800 suất ăn. Nhà hảo tâm còn tham gia hỗ trợ 500.000 đồng/hộ cho 2.370 hộ trên địa bàn huyện, với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, thông qua UBMTTQVN tỉnh, Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) đã ủng hộ cho UBMTTQVN huyện để chăm lo cho 22 trẻ em mồ côi do COVID-19 trên địa bàn huyện, mức hỗ trợ 2,1 triệu đồng/em/quý.

 Doanh nghiệp hỗ trợ nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo

Ông Nguyễn Thành Ân thông tin, huyện còn tiếp nhận các nguồn lực ủng hộ và chăm lo người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 không thuộc diện theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Cụ thể, tiếp nhận 2 đợt gạo từ Cục Dự trữ quốc gia hơn 318 tấn để giúp đỡ cho hơn 21.900 người, bao gồm hộ nghèo, cận nghèo, nhân khẩu bảo trợ xã hội và hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ 61 lượt trẻ mồ côi do dịch COVID-19, trẻ sơ sinh là con sản phụ nhiễm COVID-19. Với nhóm đối tượng này, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ, đỡ đầu 30 em mồ côi do dịch COVID-19, với số tiền 200.000/tháng/em đến hết năm 2023.

Thời gian qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn không lường trước được của dịch bệnh, thiên tai... nhưng mặt trận các cấp đã nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, thích ứng linh hoạt với tình hình và yêu cầu đặt ra trong công tác mặt trận. Những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống cho người nghèo của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đã lan tỏa sâu rộng và phát huy được tinh thần "Tương thân tương ái" trong cộng đồng.

Theo Báo An Giang