Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thuận Bắc: Nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ người nghèo

(Mặt trận) -Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo vươn lên trong cuộc sống, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận và các tổ chức thành viên đã phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực trong toàn xã hội thực hiện đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Mô hình trồng ớt trên vùng đất thiếu nước giúp nông dân xã Lợi Hải nâng cao thu nhập.

Huyện Thuận Bắc có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Xác định công tác chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài, thời gian qua, với vai trò là cơ quan thường trực, nòng cốt trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, phát hành thư ngỏ kêu gọi và nhận được sự sẻ chia, hưởng ứng tích cực của nhân dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện tham gia đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” của địa phương.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 tới nay, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” huyện đã tiếp nhận số tiền hơn 625,6 triệu đồng, đạt 125% chỉ tiêu tỉnh giao. Từ nguồn kinh phí trên, huyện hỗ trợ quà Tết và xây mới 5 căn nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, với kinh phí 450 triệu đồng, nâng tổng số nhà được xây dựng đến nay lên 112 căn, với trên 2,4 tỷ đồng, tạo sự phấn khởi cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ổn định nơi ăn, chốn ở.

Song song đó, để kịp thời hỗ trợ, động viên, khuyến khích hộ nghèo ý thức vươn lên trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, Mặt trận huyện cùng với các tổ chức thành viên tăng cường vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, hình thành các mô hình kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhiều mặt hàng nông sản làm ra được chứng nhận sản phẩm OCOP, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đặc biệt, trên cơ sở nguồn lực phân bổ của cấp trên, Mặt trận huyện chú trọng đề xuất UBND huyện thực hiện hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế các mô hình làm ăn phù hợp, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đơn cử như hộ anh Pa Tâu Axá Thọ, ở thôn Đá Mài Trên, xã Phước Kháng, từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gia đình anh được hỗ trợ 1 con bò, anh mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trồng 1,2 sào đậu xanh. Nhờ nắm bắt kỹ thuật chăm sóc; đến nay, bò phát triển lên 4 con, năng suất đậu xanh đạt từ 1,2-1,5 tạ/sào; qua đó, giúp ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Thông qua các chương trình giảm nghèo, từ năm 2016 đến nay, địa phương tập trung khai hoang, cấp đất sản xuất cho 133 hộ, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, với hơn 8,6 tỷ đồng; thực hiện chính sách cho vay tín dụng cho trên 11.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách... Tác động từ các chính sách hỗ trợ trong thời gian qua không chỉ tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân; thúc đẩy tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2021 giảm còn 13,9%; trong đó, các xã Lợi Hải, Công Hải, Bắc Phong có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% theo chuẩn nghèo nông thôn mới.

Đồng chí Lữ Phụng Trường, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thuận Bắc, cho biết: Qua khảo sát thực tế, trên địa bàn hiện còn 335 hộ chưa có nhà ở ổn định và nhiều hộ thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất. Trong thời gian tới, Mặt trận huyện và các tổ chức thành viên tiếp tục đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa vùng miền núi và vùng đồng bằng. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò của những người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, huy động nguồn lực hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, phát triển các mô hình sản xuất; phấn đấu mỗi năm vận động hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà Đại đoàn kết; đảm bảo 100% các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội đủ điều kiện đều được thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội.

Hồng Lâm