(Mặt trận) -Thời gian qua, MTTQ các cấp tỉnh Tuyên Quang đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hạn chế các tập tục lạc hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Từ năm 2021 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Theo đó, 7/7 huyện, thành phố; 138/138 xã, phường, thị trấn đã tổ chức gặp mặt 6.655 đại biểu là các già làng, trưởng họ, bí thư chi bộ, trưởng thôn, thầy cúng, người có uy tín tiêu biểu. Các thôn, tổ dân phố đã đưa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang vào quy ước của khu dân cư và tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện. Nhờ đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã có những chuyển biến tích cực, với nhiều cách làm sáng tạo, có lợi cho người dân.
|
Cán bộ MTTQ xã Minh Khương (Hàm Yên) biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. |
Ông Nguyễn Chí Khiêm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) cho biết: MTTQ phường đã tổ chức cho 100% các hộ gia đình trên địa bàn ký thi đua và cam kết không vi phạm pháp luật. Cùng với đó, MTTQ phường cũng đã chủ trì, tổ chức được 2 hội nghị gặp mặt các đại biểu tiêu biểu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và hội nghị gặp mặt các thầy cúng tiêu biểu, những người với vai trò, tiếng nói uy tín của mình đã vận động rút gọn việc làm “nhà xe” trong đám tang của người Cao Lan từ 7 ngày, xuống còn 4 ngày... Ngoài ra, một số tổ dân phố trên địa bàn phường cũng đã vận động rất hiệu quả để bà con đồng thuận trong việc các đám tang không thuê phường bát âm, thợ kèn, mà chỉ dùng băng đĩa nhạc hiếu... góp phần từng bước nâng cao chất lượng khu dân cư văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Xã Hùng Lợi (Yên Sơn) là một trong những điểm sáng của huyện Yên Sơn về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Đại úy Trần Huy Hiếu, Phó trưởng Công an xã Hùng Lợi cho biết: xã Hùng Lợi có trên 90% dân tộc thiểu số, trong đó có trên 50% dân tộc Mông. Ngày trước, người Mông khi nhà có người mất thường giết mổ rất nhiều trâu, bò, lợn, gà... mời anh em, làng xóm đến ăn. Họ quan niệm làm như vậy, người mất khi sang thế giới bên kia với tổ tiên, ông bà mới có cuộc sống ấm no, sung túc. Điều này dẫn đến tốn kém cả về thời gian, công sức, tiền bạc, trong khi đa phần bà con còn nghèo. Nhưng thời gian qua, nhờ làm tốt tuyên truyền, vận động; các thôn bản xây dựng quy ước, người dân đã tự nguyện thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang. Các hộ đã tuân thủ và chấp hành nghiêm túc việc cưới, việc tang theo đúng quy định của pháp luật, quy ước của khu dân cư, không lợi dụng việc tang để hành nghề mê tín dị đoan... góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, văn minh ở cơ sở.
|
Đám cưới của người Dao quần trắng, xã Yên Lâm (Hàm Yên). |
Trên cơ sở phong tục tập quán của từng địa phương, dân tộc, mỗi nơi lại có một cách làm riêng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân. Anh Đặng Văn Cảnh, Bí thư chi bộ thôn Tiên Hóa 2, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và được nhân dân đồng tình, ủng hộ, nên hiện nay nhìn chung các đám cưới ở khu dân cư Tiên Hóa 2 khá tiến bộ. Các đám cưới được tổ chức theo hướng tiết kiệm, ngắn gọn, phù hợp với phong tục tập quán địa phương và hoàn cảnh của từng gia đình. Đám cưới, đám tang về cơ bản không sử dụng âm thanh gây tiếng ồn quá mức quy định, không mở nhạc trước 6 h sáng và sau 22 h đêm, không dựng rạp trên lòng, lề đường gây cản trở giao thông, người dân có ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Có thể thấy, việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang theo hướng “gạn đục, khơi trong” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Để thực hiện có hiệu quả và bền vững nội dung này bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, rất cần phát huy tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc tuân thủ quy ước của cộng đồng khu dân cư. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt bỏ các thủ tục rườm rà, phức tạp, các tập tục không còn phù hợp trong việc cưới, việc tang, để vừa đảm bảo được thuần phong mỹ tục, vừa tạo động lực thúc đẩy xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới.
Khánh Vân