Tuyên Quang: Huyện Hàm Yên bứt phá mạnh từ xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) - Sau hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI với mục tiêu xây dựng Hàm Yên trở thành huyện nông thôn mới (NTM) của tỉnh, bức tranh tươi sáng về một miền quê đổi mới hiện hữu rõ nét ở những ngôi nhà khang trang ngày càng mọc lên san sát; những cung đường được thảm nhựa, bê tông rộng rãi, sạch đẹp; đường điện, đường hoa, đường cây xanh bừng sáng cả một vùng quê…

Xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững

Tuyên Quang huy động mọi nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Hòa An thực hiện hiệu quả công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát

Nhà văn hoá thôn Kai Con, xã Nhân Mục (Hàm Yên) được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân

Bám sát lộ trình

Để thực hiện mục tiêu, huyện đã chỉ đạo quyết liệt, nhất quán; xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện để theo dõi, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu NTM. Cùng với đó, công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ chủ trương, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện là nhiệm vụ hàng đầu được Đảng bộ, chính quyền huyện quan tâm thực hiện.

Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 3 xã là Thành Long, Hùng Đức, Minh Hương đạt chuẩn NTM; phấn đấu đến hết năm 2024, 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Tân Yên đạt chuẩn đô thị văn minh; năm 2025 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.

Đồng chí Triệu Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Minh Hương cho biết, đầu năm 2023, qua rà soát, đánh giá, xã mới đạt được 9/19 tiêu chí. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, xã đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung sức thực hiện các tiêu chí như: Giao thông, thủy lợi, môi trường, nhà ở dân cư… Qua đó, xã đã huy động nhân dân trên địa bàn đóng góp gần 1.700 công lao động nạo vét, sửa chữa hơn 61 km kênh mương; làm mới gần 1,7 km đường bê tông; xóa 30/40 nhà tạm… Hiện xã đã hoàn thành 13/19 tiêu chí. Đây là nguồn động lực để xã phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại năm 2023 theo đúng kế hoạch đề ra.

Đồng chí Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhấn mạnh, huyện thường xuyên rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, bám sát lộ trình đề ra với những giải pháp cụ thể. Đồng thời, tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của nhân dân, doanh nghiệp tham gia chung sức thực hiện các tiêu chí liên quan đến giao thông, thủy lợi, môi trường và xây dựng thêm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị… góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ chủ trương đúng đắn, phong trào được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, khơi dậy được những lợi thế, tiềm năng của địa phương và phát huy vai trò chủ thể của người dân.

Nỗ lực bứt phá

Hơn 2 năm thực hiện xây dựng huyện NTM đã tạo thêm luồng sinh khí mới cho vùng đất này, diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt. Các công trình hạ tầng nông thôn như: Điện, đường, trường học, trạm y tế được đầu tư kiên cố, khang trang; nhiều tuyến đường thôn xóm, liên xã được đổ bê tông, rải nhựa rộng và đẹp; đa số các thôn của huyện đều có nhà văn hóa gắn với sân thể thao; khuôn viên nhà cửa, được chỉnh trang sạch đẹp.

Huyện đã huy động được hơn 114 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, chiếm 21% nguồn vốn xây dựng NTM; vận động nhân dân hiến gần 68.000 m2 đất, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Từ nguồn xã hội hóa và nguồn ngân sách Nhà nước, huyện đã đầu tư, cải tạo hơn 150 km đường giao thông nông thôn; lắp đặt 30 km kênh mương; nâng cấp 11 công trình thủy lợi; cải tạo, xây mới 24 công trình trường học; 6 nhà văn hóa xã, 21 nhà văn hóa thôn được nâng cấp, xây mới; hỗ trợ xóa 1.264 nhà tạm, dột nát…

Huyện hình thành và duy trì 19 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, 15 HTX, 14 doanh nghiệp với gần 2.200 hộ gia đình tham gia liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ; xây dựng được 21 sản phẩm OCOP, 10 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu, 1 sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý. Nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là cam sành Hàm Yên, vịt bầu Minh Hương, chè xanh Làng Bát, thanh long ruột đỏ xã Yên Phú...

Các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển phù hợp, huyện đã thu hút được một số dự án đầu tư lớn như: Nhà máy sản xuất giày của Công ty TNHH Sản xuất giày CHUNG JEY Tuyên Quang với tổng mức đầu tư trên 575 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương; Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8A có công suất 27MW, điện lượng trung bình 106,61 KWh; nhà máy sản xuất gạch, nhà máy chế biến gỗ… Huyện đã hình thành Cụm công nghiệp Tân Thành, diện tích 72,2 ha đã hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất.

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới, huyện Hàm Yên đã có nhiều cách làm sáng tạo, trong đó có Phong trào Ngày thứ 7 cùng dân, hay Ngày thứ 7 làm nông thôn mới. Theo đó, hàng tuần cán bộ, đảng viên trực tiếp cùng nhân dân thực hiện các phần việc trong xây dựng nông thôn mới. Đây là chủ trương lớn được Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 01 - CT/HU ngày 18/12/2020 về tổ chức phong trào cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại cơ sở. Tính đến tháng 6-2023, huyện đã huy động được gần 250.000 lượt cán bộ, đảng viên và người dân tham gia trồng và chăm sóc gần 274 km đường hoa; lắp đặt hơn 133 km đường điện thắp sáng; giúp 1.088 hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát…

Chứng kiến từng bước chuyển mình của quê hương, ông Phạm Văn Nguyện, thôn Hưng Long, xã Thành Long chia sẻ, thời gian qua, hạ tầng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn trên địa bàn được đầu tư sửa chữa, xây dựng khang trang. Những tuyến đường được trải nhựa, bê tông sạch sẽ dần thay thế các con đường đất nắng bụi, mưa lầy. Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đời sống người dân đã có sự đổi thay vượt bậc so với trước đây. Trẻ em được học trong ngôi trường khang trang. Nhà nào cũng có xe máy, ti vi. Cùng với đó, phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao cũng được quan tâm... Người dân vô cùng phấn khởi.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hiện Hàm Yên đã đạt 3/9 tiêu chí huyện NTM là tiêu chí Quy hoạch, Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, Điện; 11/17 xã cơ bản đạt tiêu chí NTM; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bình quân các xã đạt 14,9 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 40,8 triệu đồng, dự kiến năm 2023 đạt 46 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 là 6,6%, bình quân mỗi năm giảm 4,9%/năm; các chỉ tiêu công nghiệp, nông nghiệp, thu ngân sách nhà nước đạt 81 - 83% so với mục tiêu Nghị quyết…

Phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng NTM, đồng thời, để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXI đã đề ra, trong thời gian tới, Hàm Yên tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực thực hiện xây dựng NTM. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân; hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, phát huy được vai trò chủ động, sáng tạo của người dân trong xây dựng NTM để từng bước thực hiện hoàn thành các tiêu chí, quyết tâm về đích NTM theo lộ trình kế hoạch đã đề ra…