Tuyên Quang: Hỗ trợ sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững

(Mặt trận) - Với phương châm hỗ trợ để hộ nghèo thoát nghèo bền vững thông qua việc trao “cần câu” thay vì trao“con cá”, Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã triển khai Dự án "Nhân rộng mô hình phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản, tạo sinh kế để hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo". Từ cách làm hiệu quả này của Mặt trận nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã có điểm tựa để vươn lên trong cuộc sống.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Ông Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh kiểm tra bò tại hộ dân 

Cuối năm 2019, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam lựa chọn là địa phương triển khai Dự án "Nhân rộng mô hình phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản, tạo sinh kế để hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo". Dự án thực hiện hỗ trợ 23 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn không tính lãi, mức hỗ trợ 15 triệu đồng một hộ. Tổng số tiền thực hiện dự án là 383,5 triệu đồng (trong đó vốn hỗ trợ của Dự án là 345 triệu, vốn đối ứng của hộ gia đình là 38,5 triệu), với phương thức sau chu kỳ 3 năm thu hồi 50% vốn đối với hộ nghèo và 60% đối với hộ cận nghèo, số còn lại dự án hỗ trợ.

Khi triển khai Dự án, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện phối hợp với UBND xã Kim Quan lựa chọn đơn vị cung ứng bò giống đảm bảo chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán chăn thả của người dân. Cùng với việc được trực tiếp lựa chọn con giống với người cung ứng, các hộ tham gia dự án đều được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc; phòng ngừa dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại.

Trước kia, gia đình anh Thạch Văn Phương, thuộc diện hộ nghèo của thôn Khuôn Hẻ, xã Kim Quan. Nhà đông nhân khẩu lại thiếu vốn, tư liệu sản xuất nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhưng kể từ khi được tham gia thụ hưởng chương trình hỗ trợ nuôi bò sinh sản của Mặt trận, gia đình anh đã có hai con bò. Đến nay, không chỉ có gia đình anh Phương mà hàng chục gia đình ở xã Kim Quan đã dần thoát khỏi diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhiều hộ đã xây dựng được nhà mới, có kinh tế khấm khá hơn trước rất nhiều.

Ông Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh làm việc với xã Kim Quan về triển khai vòng 2 Dự án 

Chia sẻ về kết quả thực hiện dự án này, bà Lương Thị Như - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Kim Quan cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện dự án, tất cả bò đã đẻ lần 1, nhiều con đã đẻ lần 2, lần 3. Từ 23 con bò ban đầu được hỗ trợ, đến nay tổng đàn bò trên địa bàn xã đã tăng lên 50 con.

Bà Lương Thị Như cũng thông tin thêm, việc phát triển chăn nuôi bò theo Dự án được lãnh đạo xã Kim Quan đánh giá cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ thâm canh trong chăn nuôi của người dân. Hiệu quả ban đầu cho thấy, các hộ tham gia Dự án đều có việc làm và thu nhập ổn định, đời sống từng bước được nâng lên. Hiện, tất cả 23 hộ tham gia dự án đã hoàn trả vốn đúng thời hạn. Đã có 3/4 hộ thoát nghèo, 19/19 hộ thoát cận nghèo.

Cùng với xã Kim Quan, tháng 10/2020, Dự án "Nhân rộng mô hình phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản, tạo sinh kế để hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo" cũng được MTTQ tỉnh Tuyên Quang triển khai tại xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hoá để hỗ trợ 26 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Qua hai năm triển khai, từ 26 con ban đầu số lượng bò từ Dự án đã phát triển lên 48 congiúp nhiều hộ có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Được biết từ hiệu quả Dự án vòng 1, theo đề nghị của nhân dân và lãnh đạo xã Kim Quan, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã thống nhất triển khai Dự án vòng 2, với số vốn thu hồi theo quy định để 10 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo khác được tham gia Dự án.

Tại buổi làm việc với cấp uỷ, chính quyền, MTTQ xã Kim Quan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang Đỗ Minh Tân đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai, rà soát, lựa chọn hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia Dự án đảm bảo đúng đối tượng; lựa chọn đơn vị cung ứng giống đảm bảo chất lượng; mở sổ theo dõi quản lý chi tiết, cụ thể; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Dự án, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã, duy trì, nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.