Tuyên Quang: Hiệu quả bố trí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận

(Mặt trận) -Mô hình Bí thư Chi bộ thôn (tổ dân phố) kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã phát huy hiệu quả thiết thực. Việc bố trí cán bộ thôn đảm nhiệm "hai vai" giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu khu dân cư, vừa tinh giản bộ máy, sớm đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Danh sách tài khoản tiếp nhận ủng hộ hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Mặt trận Tổ quốc xã Văn Phú thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Thạnh - Lan tỏa sâu, rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua

Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đến tháng 10-2023, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 256 đồng chí Bí thư chi bộ thôn kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận, tập trung ở 6 huyện (thành phố Tuyên Quang không có). Qua đánh giá chung, việc bố trí cán bộ thôn đảm nhiệm "hai vai" quan trọng này ở khu dân cư đã phát huy hiệu quả tích cực, được đông đảo đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

 Đồng chí Dương Minh Toàn (thứ 2 từ phải qua trái), Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Cao Đường, xã Yên Thuận (Hàm Yên) nắm tình hình trồng rau sạch tại thôn.

Đồng chí Tướng Đức Tôn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Thuận (Hàm Yên) cho biết: Xã có 3 thôn là Cao Đường, Cầu Treo và thôn Đẻm bố trí Bí thư chi bộ thôn kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận. Những đồng chí này đều là người gương mẫu, có kinh nghiệm, năng lực, uy tín, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu thôn. Đồng thời, phát huy tốt vai trò cấp ủy thôn trong lãnh đạo, điều hành và tuyên truyền, vận động, huy động sức mạnh Nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

Là thôn khó khăn nhất của xã Yên Thuận, Cao Đường có 83 hộ dân chủ yếu là dân tộc Mông, Dao. Trước đây, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Chi bộ nhiều năm liền không phát triển được đảng viên. Trước thực trạng đó, từ năm 2021 đến nay, đồng chí  Dương Minh Toàn, dân tộc Mông, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo phân công đảng viên phụ trách từng nhóm hộ. Đồng thời, quan tâm phát hiện các quần chúng ưu tú, bồi dưỡng xem xét kết nạp Đảng.

Chi bộ, Ban công tác Mặt trận đã lãnh đạo tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật, đoàn kết hỗ trợ giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế như thâm canh lúa, trồng thêm ngô, rau màu, chăn nuôi trâu, bò, lợn đen, gà thả đồi. Một số hộ ở thôn đã đầu tư cải tạo nhà ở làm dịch vụ lưu trú homestay đón khách, giúp từng bước đánh thức tiềm năng du lịch của Cao Đường. Nhờ đó, năm 2023, chi bộ thôn kết nạp được 2 đảng viên mới, nâng số  đảng viên chi bộ lên 11 đồng chí. Thôn có 5 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo xuống còn 45,8%/tổng số hộ. Các quy ước, hương ước của thôn được Nhân dân thực hiện nghiêm túc.

 Chị Đặng Thị Thơm (thứ ba từ phải qua trái), Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Éo, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) cùng các đảng viên, nhân dân trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây ăn quả.

Thôn Éo, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) có 108 hộ với 460 nhân khẩu đều là dân tộc Dao. Những năm qua, thôn có nhiều đổi thay tích cực trong đó có phần đóng góp của chị Đặng Thị Thơm, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn. Là người nhiệt tình, năng động, tâm huyết, trách nhiệm nên chị Thơm luôn được các đảng viên, nhân dân quý mến, đồng tình ủng hộ.

Năm 2022, thôn được Nhà nước đầu tư tuyến đường bê tông dài 300 m, trong khi nền đường nhỏ hẹp, không có kinh phí giải phóng mặt bằng. Chị Thơm đã cùng acác đảng viên, trưởng đoàn thể thôn kiên trì đến từng hộ giải thích, vận động. Khi hiểu rõ lợi ích lâu dài hiến đất mở rộng đường, 14 hộ dân đã tự nguyện hiến hơn 600m2 để đổ tuyến đường bê tông rộng rãi giúp nhân dân đi lại thuận tiện.  Chị Thơm cũng đã vận động thành lập, duy trì Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh y; vận động thành công các hộ dân khi tổ chức lễ cấp sắc giảm từ 3 ngày trước đây xuống còn 1,5 ngày.

Chị Thơm chia sẻ, khi một mình chị "gánh hai vai" công việc, trách nhiệm tăng lên đòi hỏi bản thân chị không ngừng nỗ lực, dành nhiều thời gian cho công việc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đảng viên và Nhân dân. Để mọi việc thuận lợi, chị luôn cùng tập thể chi bộ họp bàn kỹ lưỡng, đưa ra chủ trương thực hiện phù hợp. Đồng thời, tăng cường phối hợp tuyên truyền, giải thích rõ, vận động để bà con thấy được lợi ích, từ đó đồng thuận tham gia thực hiện hiệu quả.

Ông Toàn, chị Thơm chỉ là hai trong số rất nhiều Bí thư Chi bộ thôn kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã, đang làm tốt nhiệm vụ được giao.

Theo đồng chí Tăng Thị Dương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang, việc bố trí Bí thư chi bộ thôn kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận đã mang lại những hiệu quả rõ nét, góp phần tinh gọn bộ máy, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến tổ chức thực hiện. Bởi, bí thư chi bộ thôn là người nắm rõ chủ trương chung của chi bộ nên dễ dàng vận dụng trong tuyên truyền, vận động bà con cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Khi cán bộ thôn kiêm "hai vai" cũng được tăng thêm phụ cấp nên càng yên tâm, tận tụy, nêu cao trách nhiệm trong công tác.

Báo Tuyên Quang