Tự quản giữ xóm làng ở Bắc Giang sạch đẹp

(Mặt trận) -Phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân, nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang thành lập tổ tự quản ở khu dân cư. Các tổ tự quản đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Tham gia tuần tra dọc khu vực ngã ba cột đèn thôn Cửa Sông, xã Hợp Đức (Tân Yên) mỗi ngày đã trở thành việc làm quen thuộc của ông Thân Trọng Cường, Trưởng thôn - Tổ trưởng Tổ an ninh trật tự (ANTT). 

Đường làng, ngõ xóm tại thôn Nam Đồng, xã Danh Thắng sạch đẹp nhờ sự chung tay của hội viên phụ nữ. 

Thôn có 86 hộ, 300 nhân khẩu, địa phận giáp sông Thương, sông Sỏi. Bởi vậy khu vực này tiềm ẩn phức tạp về ANTT, đặc biệt là tình trạng khai thác cát trái phép trên sông. Tháng 8/2021, Công an xã Hợp Đức tham mưu Chủ tịch UBND xã thành lập tổ ANTT nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép tại đây.

Theo ông Cường, tổ có 6 thành viên chính thức song thực tế hầu hết các hộ trong thôn đều tham gia. Từ việc lập nhóm zalo để trao đổi thông tin đến phối hợp tuần tra, báo tin khi thấy đối tượng khả nghi xuất hiện trên địa bàn đều được người dân tích cực hưởng ứng. 

Nhờ vậy tháng 7/2022, qua tin báo của nhân dân, tổ ANTT đã phát hiện một đối tượng hút cát trái phép và bàn giao cho lực lượng công an xử lý. Ghi nhận đóng góp đó, mới đây, Giám đốc Công an tỉnh đã tặng Giấy khen cho tổ về thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đại úy Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Công an xã Hợp Đức cho biết: “Từ hiệu quả mô hình điểm, hiện toàn xã đã thành lập 10 tổ cựu chiến binh tự quản về ANTT; 28 mô hình liên kết và tự quản tại khu, cụm dân cư. Ngoài tích cực trao đổi, nắm bắt tình hình ANTT, Công an xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các tổ, nhóm tự quản về thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm, biện pháp xử lý”.

Tại xã Danh Thắng (Hiệp Hòa), công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ vệ sinh môi trường của các tổ tự quản được duy trì thường xuyên. Mỗi thôn đều thành lập một tổ, thành viên là trưởng các ngành, đoàn thể; hoạt động tự nguyện, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. 

Các tổ phát động nhân dân dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm 2 lần/tháng, trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa, hướng dẫn bà con phân loại rác thải tại nguồn. Rác tái chế như vỏ chai lọ, bìa giấy gom bán gây quỹ; rác sinh hoạt tập kết gọn để vận chuyển đến khu xử lý tập trung. 

Chị Trần Thị Lương, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Nam Đồng nói: “Hoạt động của tổ tự quản không chỉ giúp thay đổi cảnh quan thôn xóm mà còn thay đổi nhận thức của bà con, các hộ đều tự giác dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh chung”. Nhờ vậy đến nay Danh Thắng đã có 4/8 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Đánh giá của Ủy ban MTTQ các huyện, TP cho thấy, các mô hình tự quản được thành lập đều xuất phát từ thực tế địa phương và nhu cầu của nhân dân. Bởi vậy khi triển khai đều được cộng đồng dân cư đồng thuận hưởng ứng và có sức lan tỏa. Các tổ tự quản góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của nhân dân theo hướng tích cực.

Nhân rộng điển hình

Xác định tầm quan trọng của mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, MTTQ các cấp đã phối hợp với chính quyền, các ban ngành, tổ chức thành viên cùng cấp xây dựng nội dung mô hình phù hợp với từng khu dân cư. 

Việc xây dựng mô hình tự quản tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, không sử dụng chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... 

Toàn tỉnh hiện duy trì hơn 2,5 nghìn tổ tự quản bảo vệ môi trường, 20 nghìn tổ liên gia tự quản về an ninh trật tự, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Hoạt động của từng mô hình đều do các tổ chức, đoàn thể chủ trì thực hiện theo phương châm “3 rõ” là: Rõ đơn vị chủ trì, rõ người, rõ việc.

Phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm với cộng đồng, các tổ chức đoàn thể thi đua góp sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. 

Đơn cử, Hội Cựu chiến binh tham gia với các mô hình bảo vệ ANTT; Hội Liên hiệp Phụ nữ phụ trách tuyên truyền, tổ chức thu gom, phân loại rác thải; Tỉnh đoàn thanh niên tiên phong thực hiện chuyển đổi số. 

Thực tế cho thấy, từ khi các tuyến đường, khu dân cư được người dân tham gia quản lý, tình hình vệ sinh môi trường cải thiện rõ rệt, việc tổ chức tổng vệ sinh khu vực nhà ở, đường sá, tạo bộ mặt khang trang cho thôn, xóm, tổ dân phố được phát động thường xuyên. 

Ở các thôn, không chỉ trục đường chính mà các ngõ luôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Các mô hình tự quản góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm; các cuộc vận động, phong trào thi đua cũng được triển khai thuận lợi hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Thân Đức Luân, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Si, xã Nội Hoàng (Yên Dũng) cho hay, mô hình phải phù hợp thực tế, mang lại lợi ích và trong khả năng thực hiện của hội viên và nhân dân. 

Từ hiệu quả của tổ dân cư tự quản ANTT, người dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp gần 15 triệu đồng lắp 6 camera an ninh và 6 đèn chiếu sáng trong ngõ. Hệ thống camera giám sát đã giúp lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ trộm cắp cũng như những trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh môi trường.

Theo ông Trịnh Hữu Bàn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang, mỗi nơi có cách làm khác nhau trong triển khai mô hình tự quản song mục tiêu hướng đến đều là xây dựng khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Các mô hình tự quản khơi dậy được sự tham gia của cộng đồng dân cư, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. 

Để các mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả, cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục quan tâm định hướng, tạo điều kiện để các tổ tự quản hoạt động. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tự quản, đặc biệt phát huy vai trò huy động, tập hợp nhân dân của ban công tác mặt trận. 

Căn cứ tình hình địa phương và các nhiệm vụ phát triển KT-XH, các khu dân cư tiếp tục nghiên cứu thành lập mô hình tự quản phù hợp hơn.

Bài, ảnh: Ngọc Anh - Hoài Thu