Trưởng Ban Công tác Mặt trận nghĩa tình, trách nhiệm

(Mặt trận) -Trước khi làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận, ông Trần Văn Sáu đã làm Trưởng thôn Bảo Phác (nay là tổ dân phố Bảo Phác), thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc suốt 17 năm. Dù ở bất cứ vị trí công tác nào, ông Sáu luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Ông Trần Văn Sáu (bên phải) luôn quan tâm, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Ông Trần Văn Sáu là người dân tộc Sán Dìu, sinh ra và lớn lên tại tổ dân phố Bảo Phác. Trước đây, với cương vị là Trưởng thôn Bảo Phác, ông Sáu tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới.

Ông tuyên truyền để bà con hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, bà con đồng lòng, nhất trí cùng Đảng ủy, chính quyền địa phương tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Người dân trong thôn đã hiến hơn 1.000 m2 đất thổ cư và hàng trăm ngày công làm đường giao thông. Đường làm đến nhà ai, nhà đó sẵn sàng hiến đất. Hiện nay, hệ thống đường giao thông ở Bảo Phác được quy hoạch, làm mới như thế bàn cờ, đâu đâu cũng có đường bê tông giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.

Từ tháng 3/2020, thôn Bảo Phác chuyển thành tổ dân phố sau khi Hợp Châu trở thành thị trấn. Tổ dân phố Bảo Phác hiện có 307 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó, hơn 90% dân số là người dân tộc Sán Dìu.

Ông Trần Văn Sáu luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; đồng thời, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Khi dịch Covid-19 bùng phát và lây lan trong cộng đồng, ông Sáu cùng các thành viên trong tổ phòng, chống Covid cộng đồng đến nhà từng hộ dân để tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Nhờ đó, đến nay, tổ dân phố Bảo Phác chưa có trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.

Ông Sáu còn là một hòa giải viên giỏi khi hòa giải thành công nhiều vụ xung đột, mâu thuẫn trong nhân dân, không làm nảy sinh thành vấn đề phức tạp. Vài năm trước, ở địa phương có 2 anh em ruột nảy sinh mâu thuẫn do tranh chấp lối đi chung. Mâu thuẫn ngày càng căng thẳng khiến tình cảm anh em bị “rạn nứt”.

Nắm bắt được sự việc, ông Sáu cùng các thành viên tổ hòa giải cơ sở đã nhiều lần đến nhà để tuyên truyền, vận động, thuyết phục 2 anh em xóa bỏ những bất đồng, xích mích, hàn gắn lại tình cảm gia đình. Ông Sáu đã phân tích về tình, về lý để đôi bên hiểu rõ và thông cảm, chia sẻ với nhau. “Mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng, 2 anh em đó đã xóa bỏ mâu thuẫn, sống hòa thuận.

Ở tổ dân phố Bảo Phác có hộ gia đình chị T.T.K có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chị K bị nhiễm HIV và lây sang 2 con, một người con của chị K đã mất vì căn bệnh hiểm nghèo. Dù sức khỏe suy giảm, chị K vẫn phải đi làm thuê nhiều nghề để có tiền trang trải cuộc sống.

Cách đó không xa là gia đình anh Trần Văn Hùng. Năm 2004, anh Hùng bị tai nạn lao động, trở thành người tàn tật, không còn khả năng lao động. Anh Hùng có 3 con nhỏ, cả nhà 5 miệng ăn phụ thuộc vào những đồng thu nhập ít ỏi từ việc đi xách vữa, phụ hồ của vợ anh Hùng.

Nắm bắt được hoàn cảnh của gia đình chị K, anh Hùng, ông Sáu thường xuyên đến nhà động viên, giúp đỡ, khi thì mớ rau, khi nải chuối, khi là chút tiền ông tích cóp được từ việc đi làm bảo vệ để hỗ trợ một phần chi phí thuốc thang cho gia đình. Ông Sáu “thương người như thể thương thân”, luôn quan tâm, yêu thương, đùm bọc nhân dân như người nhà.

Với tinh thần trách nhiệm cao, thái độ tận tụy trong công việc, ông Sáu luôn lắng nghe, phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền, góp phần tích cực trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bạch Nga