Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

(Mặt trận) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12/10/2021 ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

 

Phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan chủ quản

Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai nghiêm túc, có chất lượng và hiệu quả Nghị quyết số 24/2021/QH15 nhằm nâng cao công tác quản lý, điều hành và thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15; xác định cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc tiến hành các hoạt động thực hiện Nghị quyết trên phạm vi cả nước.

Yêu cầu của Kế hoạch là bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 24/2021/QH15 để xây dựng giải pháp, cơ chế quản lý, điều hành Chương trình; đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết hiệu quả, chất lượng và đạt được mục tiêu đã được Quốc hội thông qua trong giai đoạn 2021-2025.

Xác định nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan chủ quản Chương trình, các cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình là các bộ, cơ quan Trung ương và cơ quan thực hiện Chương trình ở địa phương là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát 

Theo Kế hoạch, các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định tại Nghị quyết số 24/2021/QH15 và theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ chủ yếu sau: Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành và nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

Xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức triển khai Chương trình.

Rà soát, xây dựng ban hành theo thẩm quyền, trình cấp có thẩm quyền ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản điều hành quản lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15.

Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ban chỉ đạo các cấp trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình bảo đảm đúng mục tiêu đã được phê duyệt.

Nội dung Quyết định cũng nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện: Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động, tích cực triển khai Kế hoạch này theo nhiệm vụ được phân công, bảo đảm tiến độ, chất lượng hiệu quả.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; ban hành tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025; quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình.

Cùng với đó cần rà soát, trình ban hành theo thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, cơ chế kiểm tra, giám sát Chương trình; Hướng dẫn các địa phương sớm hoàn thành rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 làm cơ sở thực hiện Chương trình; Nghiên cứu, xây dựng các chương trình, nhiệm vụ, dự án có liên quan đến công tác giảm nghèo trong phạm vi của Chương trình thuộc trách nhiệm được phân công, bảo đảm không chồng chéo với các nhiệm vụ, nội dung của các Chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; quy định nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn của 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; Khẩn trương, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia; ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng và ban hành cơ chế quản lý tài chính đối với nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo thẩm quyền.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh triển khai truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Các bộ, cơ quan trung ương được giao chủ trì dự án thành phần hoặc tiểu dự án thuộc Chương trình phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, cơ quan chủ trì Chương trình hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình; rà soát, xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình; phối hợp tổ chức thực hiện các nội dung Chương trình theo nhiệm vụ được phân công.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên theo chức năng, nhiệm vụ, giám sát việc thực hiện Chương trình; vận động hội viên, nhân dân thực hiện hiệu quả phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình và đơn vị điều phối, giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và các quy định pháp luật liên quan; Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình trên địa bàn.

Đồng thời cần ưu tiên cân đối ngân sách địa phương để đối ứng thực hiện Chương trình; huy động nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của Chương trình.

Cùng với đó cần khẩn trương hoàn thành công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 để làm cơ sở thực hiện các chính sách, Chương trình tại địa phương; Rà soát, ban hành các văn bản liên quan đến điều hành, thực hiện và kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình ở địa phương.