Trao sinh kế giúp người nghèo vươn lên

(Mặt trận) -Để giúp người nghèo có cuộc sống ổn định, giai đoạn 2019 - 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai đã triển khai dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản tại xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng. Qua 3 năm thực hiện, dự án đã phát huy hiệu quả, tạo động lực giúp nhiều hộ nghèo quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

 Dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản đã giúp hàng chục hộ nghèo tại thôn Trì Thượng, xã Trì Quang vươn lên thoát nghèo.

Năm 2019, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng được hỗ trợ 300 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2019-2022.

Ngay sau khi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch về xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững thuộc dự án 3 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2019 tại xã Trì Quang, Ủy ban MTTQ huyện Bảo Thắng đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ xã Trì Quang tham mưu cho Đảng ủy xã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện và thành lập Ban thực thi, xây dựng quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Cùng với đó, Ủy ban MTTQ đã phối hợp với UBND xã, các ban ngành đoàn thể xã lựa chọn thôn Trì Thượng để triển khai dự án. Tham gia dự án có 20 hộ nghèo và cận nghèo, mỗi hộ được hỗ trợ kinh phí 15 triệu đồng để mua 1 con bò sinh sản. Hình thức thu hồi vốn là 50% đối với hộ nghèo, 60% đối với hộ cận nghèo, 75% đối với hộ mới thoát nghèo. Sau 3 năm sẽ quay vòng bò sinh sản cho các hộ chăn nuôi khác.

Qua thời gian thực hiện, đàn bò tại thôn Trì Thượng đã phát triển ổn định giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập. Trước đây, gia đình chị Đặng Thị Hòa thuộc diện hộ nghèo khó khăn của thôn Trì Thượng, xã Trì Quang. Nhà neo người lại thiếu vốn, tư liệu sản xuất nên cuộc sống gia đình luôn túng thiếu. Nhưng chỉ sau 3 năm tham gia chương trình hỗ trợ nuôi bò sinh sản của Mặt trận, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo. Cùng với gia đình chị Hòa, đến nay đã có hơn 10 gia đình ở thôn Trì Thượng cũng đã thoát khỏi diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhiều hộ đã xây dựng được nhà ở mới, có kinh tế ổn định hơn trước rất nhiều.

Đánh giá về hiệu quả của dự án này, ông Giàng Seo Vần - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai cho biết, việc triển khai hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản có thu hồi vốn cho các đối tượng hộ nghèo được triển khai tại thôn Trì Thượng, xã Trì Quang đã góp phần tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống. Đến nay, các hộ tham gia dự án đã hoàn đủ vốn theo quy định. Từ 20 con bò giống ban đầu được hỗ trợ, đàn bò trên địa bàn thôn Trì Thượng đã tăng lên 32 con. Sau khi tham gia dự án, đã có 9 hộ thoát nghèo, 5 hộ thoát cận nghèo. Thu nhập bình quân của các hộ tham gia dự án đạt 40 triệu đồng/người/năm.

Từ những kết quả thiết thực đó, sau khi tổng kết dự án, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2022 - 2024 nhằm hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng nuôi bò sinh sản. Với việc thay đổi phương thức từ cho không sang hỗ trợ có ràng buộc trách nhiệm, dự án nhân rộng mô hình hỗ trợ nuôi bò sinh sản có thu hồi vốn cho hộ nghèo đã góp phần nâng cao trách nhiệm của hộ được hưởng lợi từ đó tạo động lực giúp họ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống sớm thoát nghèo bền vững.

Để triển khai dự án, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện Bảo Thắng, Ban điều hành dự án huyện lựa chọn đối tượng hỗ trợ, phương thức hỗ trợ trong giai đoạn tiếp theo đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện chăn nuôi và nguyện vọng của người dân. 

Để triển khai hiệu quả, dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản tại xã Trì Quang, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai, huyện Bảo Thắng đã phối hợp với UBND xã Trì Quang lựa chọn đơn vị cung ứng bò giống đảm bảo chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán chăn thả của người dân. Trong quá trình tham gia dự án, các hộ gia đình đều được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại.

ANH VŨ