TP Thái Nguyên phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn: Quyết liệt từ cơ chế đến hành động

(Mặt trận) -Với mục tiêu giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025. Đề án đã và đang đem lại nhiều kết quả, nhưng chưa như mong đợi.

Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phước Đông: Quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu

Quảng Trị: Đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

 Mục tiêu của TP. Thái Nguyên đến hết năm 2025 là có 50 tuyến đường được lắp đặt các thùng rác màu sắc khác nhau để phân loại rác thải.

Thực hiện Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, đến hết năm 2022, TP. Thái Nguyên có khoảng 40% hộ dân, cơ quan, đơn vị thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; khoảng 90% hộ dân xả rác đúng giờ; có 10 tuyến đường được lắp đặt các thùng rác công cộng theo màu sắc phân loại rác; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được tuyên truyền về phân loại rác thải tại nguồn…

Phát huy những kết quả đã đạt được, TP. Thái Nguyên tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các xã, phường thực hiện các chỉ tiêu của Đề án. Mục tiêu là hết năm 2023, tỷ lệ hộ dân, cơ quan, đơn vị thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đạt 75% (tăng gần gấp đôi so với năm 2022); lắp đặt hệ thống thùng rác công cộng theo màu sắc quy định tại 40 tuyến đường trung tâm (tăng thêm 30 tuyến đường so với hiện tại); xe thu gom rác thải sinh hoạt tại 100% xã, phường của đơn vị thu gom được dán chữ, biểu tượng để phân biệt 2 loại rác thải sinh hoạt đốt được và không đốt được…

Phường Hoàng Văn Thụ có số lượng rác thải sinh hoạt xả ra hàng ngày lớn, để đảm bảo mỹ quan đô thị, bảo vệ môi trường, phường đặc biệt chú trọng đến việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Ông Hà Quang Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ, thông tin: Giai đoạn 2017-2020, Hoàng Văn Thụ là một trong 4 phường thực hiện thí điểm Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Để thực hiện Đề án có hiệu quả, UBND phường đã tham mưu Đảng ủy ban hành Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; triển khai Kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn; thành lập Ban Chỉ đạo và các tổ tự quản tại tổ dân phố thực hiện Đề án. Đến nay, 100% hộ gia đình trên địa bàn đã ký cam kết thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Phường sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, đồng thời kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc người dân thực hiện theo đúng quy định, phấn đấu đến hết năm 2025, khoảng 90% số hộ thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn.

 Hết năm 2023, TP. Thái Nguyên phấn đấu tỷ lệ hộ dân, cơ quan, đơn vị thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đạt 75%.

Về vấn đề này, bà Đào Thị Hoàng Loan, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên - đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn TP. Thái Nguyên, cho biết: Thực hiện Đề án phân loại rác thải tại nguồn, chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn và cho ký cam kết với tất cả các chủ nguồn thải là cơ quan, đơn vị trên địa bàn; phổ biến tới toàn thể cán bộ, công nhân viên của Công ty. Đơn vị đã chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ việc phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác trên toàn địa bàn thành phố. Hiện nay, rác thải không đốt được đã được phân loại, chúng tôi đang thực hiện thu gom vào thứ 3 và thứ 7 hàng tuần để xử lý; còn rác thải đốt được và tái chế được thu gom, xử lý hàng ngày.

Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã và đang được các phòng, ban, đơn vị, xã, phường tích cực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn nữa, ngoài tuyên truyền thường xuyên, liên tục, thành phố cũng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống phương tiện, trang thiết bị thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải…

Ngọc Bích