TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp

(Mặt trận) -Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, những năm qua, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, xóa các điểm ô nhiễm do rác thải, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp được triển khai đồng bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố về thực hiện Cuộc vận động "Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Niềm vui được đón Tết trong những ngôi nhà mới ở Quảng Trị

TP Đà Nẵng: Phát động chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát” năm 2025

Duy trì nhiều điểm công trình xanh

Chia sẻ về chương trình nâng cao chất lượng môi trường nông thôn nói riêng và toàn TP. Hồ Chí Minh nói chung, ông Trần Minh Quân, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, hàng năm, các đơn vị của thành phố và các quận, huyện, TP. Thủ Đức đều đã có kế hoạch, văn bản triển khai hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường trên địa bàn thành phố, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương.

 Các hoạt động nhằm tăng mảng xanh được thực hiện trên địa bàn quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, năm 2022, có 375 hoạt động; năm 2023 có khoảng 500 hoạt động hưởng ứng được tổ chức đồng loạt trên toàn thành phố với hình thức đa dạng, phong phú tạo điều kiện cho người dân trực tiếp tham gia như thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình, thu gom chất thải có thể tái chế, ngày hội Sống Xanh, tọa đàm, hội  thi, ra quân tổng vệ sinh, trồng cây xanh, tạo mảng xanh...

Mặt khác, nhằm đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Chỉ thị số 19, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố còn phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thi "Xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng tại khu dân cư năm 2022 và năm 2023". Qua 2 lần tổ chức, Hội thi có 1.251 công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường của hơn 300 đơn vị dự thi cấp quận, huyện, TP. Thủ Đức, trong đó, có 88 sản phẩm công trình dự thi cấp thành phố và có 71 sản phẩm đoạt giải.

Hiện, TP. Hồ Chí Minh đang tiếp tục duy trì 1.920 điểm, công trình sạch, xanh, thân thiện môi trường; đã có 198 điểm ô nhiễm được chuyển thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên, khu sinh hoạt cộng đồng.

Xử lý dứt điểm những tồn đọng về rác thải

Theo Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi Trường TP. Hồ Chí Minh Trần Nguyên Hiền, trong tháng 7.2023, UBND các quận, huyện đều chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dọn dẹp vệ sinh tại các điểm tồn đọng rác thải.

Trong đó, để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên địa bàn, UBND quận Tân Phú đã xử lý vi phạm đối với 1 trường hợp vứt, bỏ rác thải trên vỉa hè. UBND quận Gò Vấp chỉ đạo xem xét lắp đặt camera tại vị trí thường xuyên phát sinh rác thải. UBND quận Phú Nhuận chỉ đạo rà soát, xác định các vị trí, khu vực thường xuyên hoặc có nguy cơ vi phạm để lắp đặt camera bổ sung, thiết bị ghi hình và camera từ các hộ dân, doanh nghiệp để phát hiện hành vi vi phạm và xử lý theo quy định…

Mặc dù các đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động dọn dẹp vệ sinh tại các điểm tồn đọng rác thải, song, qua công tác kiểm tra giám sát, đến hết tháng 7.2023, Sở Tài nguyên và Môi trường ghi nhận còn 204 điểm tồn đọng rác thải (129 điểm đã được vệ sinh nhưng tái phát sinh, 20 điểm phát sinh mới và 55 điểm chưa dọn dẹp vệ sinh) trên địa bàn quản lý của các đơn vị trên.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh tại các điểm đã được báo cáo, cũng như các điểm tại các đơn vị chưa báo cáo để ghi nhận, báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo. Bên cạnh đó, Sở đã dự thảo trình UBND TP. Hồ Chí Minh kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023 - 2025.

Theo đó, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, ít nhất 70% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; từ 98% trở lên chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; từ 50% trở lên số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả…

T.Đ