TP HCM: Khơi dậy sức dân trong bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Được triển khai theo hình thức hội thi song các công trình xây dựng sạch-xanh-thân thiện môi trường đã tạo ra những kết quả thực tế, lan tỏa mạnh mẽ ở khu dân cư góp phần xây dựng khu dân cư xanh-sạch-đẹp.

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Người dân phường 13, quận 11 trồng cây xanh để cải tạo khuôn viên trên địa bàn. (Ảnh MTTQ phường 13). 

Ý nghĩa hơn, các công trình đã thay đổi diện mạo về môi trường tại các địa phương, đó là sự chung sức, đóng góp từ chính người dân và cán bộ trên địa bàn để nhân lên ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.

Xóa nhiều điểm ô nhiễm

Tại khu phố 4, phường 13, quận 11, nhiều năm qua, người dân trên địa bàn luôn có nguyện vọng có một sân chơi công cộng để làm nơi tập thể dục, tổ chức các sinh hoạt cộng đồng nhưng chưa thể thực hiện. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 11 Lê Thị Thu Vân cho biết: Ngay khi Mặt trận thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường phát động hội thi này, Mặt trận quận đã phát động, triển khai kế hoạch đến tận các mặt trận phường, Ban công tác mặt trận các khu phố và ngay lập tức đã nhận được sự hưởng ứng của các đơn vị.

Nhận thấy một khu đất trống trước Trường mầm non phường 13, nhiều năm chưa được sử dụng hiệu quả, sau khi khảo sát, Đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc phường đã đi đến quyết định sẽ biến nơi đây thành một công viên nhỏ dùng vào tổ chức các hoạt động công cộng, sân chơi cho người dân, trẻ em trên địa bàn. Bắt tay vào việc, các đơn vị đã huy động được 250 tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính và nhiều vật tư thiết bị khác để thực hiện cải tạo khu đất. Quá trình triển khai, cán bộ, người dân trên địa bàn đã trực tiếp đóng góp ngày công để chỉ sau thời gian ngắn, một khuôn viên rộng 140m2 có đầy đủ cây xanh, sân tập thể dục, sân khấu đã hình thành.

Bà Nguyễn Thị Nho, ngụ khu phố 4, phường 13 cho biết: “Điều người dân ước mong bấy lâu nay đã trở thành hiện thực. Tôi mong các mô hình như vậy sẽ được nhân rộng để thành phố mãi xanh-sạch-đẹp”. Còn tại phường Bình Thuận, quận 7, từ sự chung sức, đồng lòng của lãnh đạo phường, người dân trên địa bàn, Mặt trận Tổ quốc phường đã biến khu đất trống ven kênh rạch bị người dân lấn chiếm xây nhà ở, đổ rác rất mất mỹ quan trở thành một công trình xanh có diện tích gần 500m2 với đầy đủ các dụng cụ thể dục, sân chơi cho thiếu nhi, đi bộ cho người dân trên địa bàn phường. Ủy ban MTTQ quận Phú Nhuận cũng để lại ấn tượng trong hội thi này với công trình trồng cây xanh dọc đường ray đi qua trên địa bàn. Thấy được ý nghĩa của công trình, từ nhiều tháng nay, ông Bùi Chánh Nghĩa và nhiều người dân khác sinh sống trên địa bàn đã hằng ngày chăm chút, tưới nước cho hàng cây xanh được trồng ngay hàng thẳng lối dọc đường ray đi qua địa bàn quận.

Được triển khai từ tháng 5/2022, đến nay, Hội thi xây dựng công trình sạch-xanh-thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng tại khu dân cư năm 2022 đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của 586 đơn vị với tổng cộng 696 công trình xanh được trải đều khắp thành phố. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Minh Tuấn cho biết: Qua hội thi, Mặt trận thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường mong muốn lan tỏa, nhân lên ý thức về bảo vệ môi trường, trong đó, lấy người dân làm trung tâm để vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là đối tượng giám sát, góp phần làm môi trường ngày một đẹp hơn.

Qua đây, cũng sẽ đúc rút thực tiễn, đề ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các mô hình, công trình trong giai đoạn mới nhằm tạo cơ sở cho việc xây dựng khu dân cư sạch-đẹp; đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội, vận động người dân, cộng đồng dân cư cùng tham gia trang trí tạo mảng xanh, giữ gìn không gian xanh-sạch-đẹp tại các khu dân cư, khu vực công cộng trên địa bàn thành phố.

Huy động sức dân bảo vệ môi trường

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường. Trước thực tế đó, yêu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường, bảo đảm mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, phát triển bền vững, công tác kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường luôn được thành phố quan tâm chỉ đạo.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết: Bên cạnh giải pháp quản lý, giải pháp công trình, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường đã được đẩy mạnh đồng loạt trên toàn thành phố với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các sở, ngành, chính quyền các cấp. Trong đó, sự đồng lòng tham gia của nhân dân đóng một vai trò rất quan trọng. Nhiều mô hình bảo vệ môi trường từ nhân dân, sau đó đã được nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố. Tầm quan trọng của sức dân trong công tác bảo vệ môi trường cũng được đề cập trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Một trong những điểm mới quan trọng của Luật này là phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo vệ môi trường; bổ sung “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác bảo vệ môi trường. Luật cũng bổ sung các quy định giúp cộng đồng dân cư thuận lợi trong tham gia giám sát hoạt động bảo vệ môi trường; xác định mục tiêu xuyên suốt của các quy định là nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành. Ông Phạm Minh Tuấn cho biết: Hoạt động này cũng là một trong những công tác trọng tâm trong chương trình phối hợp triển khai các mục tiêu xây dựng khu dân cư sạch, đẹp giữa Ủy ban MTTQ thành phố và UBND thành phố đã ký kết.

Chương trình hướng đến mục tiêu đến cuối năm 2022 thành phố xây dựng 500 khu dân cư được công nhận khu dân cư sạch, đẹp; trong đó, mỗi phường, xã, thị trấn có ít nhất một khu dân cư sạch, đẹp. Đến cuối năm 2023, toàn thành phố có 1.000 khu dân cư sạch, đẹp và đến cuối năm 2024 có 1.500 khu dân cư sạch, đẹp. Trong đó, có ít nhất 10% khu dân cư sạch đẹp tiêu biểu để khen thưởng cấp thành phố.

Quang Quý