(Mặt trận) -Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bên cạnh nguồn vốn bố trí từ ngân sách nhà nước, nhân dân các làng quê khu vực ngoại thành Hà Nội đã chung sức tạo nên nguồn lực lớn đóng góp xây dựng quê hương. Đây là tiền đề để thành phố tiếp tục khơi dậy sức dân cùng nhau xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...
|
Người dân xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) tham gia vệ sinh môi trường. |
Góp tiền của, công sức
Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) đã huy động được hơn 140 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 12,9 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng nguồn vốn.
Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Bùi Tất Thêm cho biết, bên cạnh những công trình hạ tầng trọng điểm như điện, đường, trường, trạm... được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, còn những công trình tâm linh, việc chỉnh trang đường làng, ngõ xóm thì kinh phí chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hạ Mỗ Cao Xuân Dục thông tin thêm, chủ trương xây dựng nông thôn mới hợp lòng dân nên được bà con ủng hộ rất cao. “Riêng việc chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, chúng tôi đã xã hội hóa được 270 ngày công để sơn sửa lại các bức tường ven đường. Các chi hội, chi đoàn cũng đăng ký tự quản 5 tuyến đường thực hiện trồng hoa, cây xanh dài 3,1km; bích họa (hoặc gắn tranh) được 630m2, đặt 600 thùng rác, 154 chậu hoa, xây 24 cổng chào các ngõ...”, ông Cao Xuân Dục cho biết.
Không riêng Đan Phượng, tại huyện Chương Mỹ, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, địa phương đã huy động được hơn 962 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn huy động ngoài ngân sách là hơn 222 tỷ đồng, chiếm 23,1%. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, đầu năm 2022, Chương Mỹ đã phát động hai đợt tổng vệ sinh môi trường, thu hút hơn 9.000 lượt người tham gia, giúp diện mạo nông thôn của huyện ngày càng đổi mới.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, từ năm 2021 đến hết quý I-2022, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố là hơn 30.820 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là hơn 1.204 tỷ đồng (chiếm 3,91%). Nhân dân đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa xây dựng nông thôn mới nên rất hưởng ứng, nhờ đó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, có thêm nguồn lực đầu tư cho chương trình.
Tiếp tục khơi dậy sức dân
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận định, xây dựng nông thôn mới đã tạo nên phong trào thi đua mới rộng khắp các làng quê. Từ đây, tạo đà phát triển toàn diện lĩnh vực ở các địa phương. Người có của thì góp của, có sức thì góp sức, có ý tưởng thì hiến kế..., tạo phong trào thi đua trong mỗi gia đình, mỗi thôn xóm..., làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn.
Đến nay, cùng với nguồn lực trong nhân dân, thành phố Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dẫn đầu cả nước. Bên cạnh đó, thành phố có 47 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Là địa phương dẫn đầu thành phố về xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam chia sẻ, nhờ sự khích lệ, động viên đóng góp chung sức của cộng đồng, huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các xã khi tổ chức lễ công bố và đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đều tổ chức khen thưởng những tập thể và cá nhân có đóng góp cho phong trào. Việc khen thưởng kịp thời chính là nguồn động lực để nhân dân chung sức nhiều hơn cho phong trào xây dựng quê hương.
Trong khi đó, là huyện đang hoàn tất các tiêu chí để Trung ương xem xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng thông tin, để phong trào xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, duy trì và nâng chất lượng, huyện đã triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Đặc biệt, UBND huyện duy trì những cuộc thi bảo vệ môi trường để toàn dân cùng chung tay xây dựng huyện xanh - sạch - đẹp, phát triển giàu đẹp, văn hóa, văn minh.
Hiện nay, Hà Nội đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã, cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp huyện. Các địa phương đang tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Giai đoạn mới, việc khơi dậy sức dân vẫn tiếp tục là yêu cầu cấp thiết. Để cụ thể hóa nội dung trên, đòi hỏi các địa phương tiếp tục đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đóng góp trí tuệ, công sức, phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Mai