(Mặt trận) -Từ năm 2019 đến nay, thành phố Đà Nẵng triển khai phân loại rác trên địa bàn và hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần mang lại hiệu quả về giảm rác thải nhựa ra môi trường, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
|
Các chi hội phụ nữ, đoàn thể hưởng ứng phong trào phân loại, thu gom rác thải rắn tại nguồn, giảm thiểu rác thải ra môi trường. |
Nhiều mô hình hay
Cuối tuần, người dân khu dân cư (KDC) Mân Lập Đông 2, phường Mân Thái, quận Sơn Trà lại bắt gặp hình ảnh chiếc xe đẩy của ban đại diện KDC đến từng ngõ, hẻm để thu gom rác thải tài nguyên. Kể từ ngày phát động (19-5) của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, Ban công tác Mặt trận Mân Lập Đông 2 chủ động xây dựng, lập kế hoạch triển khai mô hình “Chung một tấm lòng”. Sau khi được cấp ủy chi bộ KDC, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường thống nhất thông qua, Ban công tác Mặt trận KDC lên phương án vận động, quyên góp từ trong ban quân - dân - chính KDC để đóng góp mua sắm xe đẩy thu gom rác thải tài nguyên.
Trưởng ban công tác Mặt trận KDC Mân Lập Đông 2 Nguyễn Hưng Long chia sẻ, Mặt trận KDC phân công cụ thể từng thành viên từ cấp ủy chi bộ đến trưởng các chi hội, đoàn thể trong KDC tham gia, thành lập theo từng tổ do cấp ủy viên phụ trách. Cuối tuần, từng tổ sẽ đến các tổ dân phố được phân công để thu gom rác thải tài nguyên. Số rác thải tài nguyên này là do người dân trong KDC tự nguyện phân loại, quyên góp để ủng hộ mô hình.
Sau khi thu gom, tổ mang bán và thu tiền về, giao cho thủ quỹ là Phó trưởng ban công tác Mặt trận KDC quản lý. Theo kế hoạch, số tiền thu được sẽ trích 30% hỗ trợ đối tượng là phụ nữ nghèo, đơn thân có hoàn cảnh khó khăn trong KDC để ổn định cuộc sống, vượt qua nghịch cảnh lúc ngặt nghèo. Số tiền còn lại sẽ hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ khó khăn, học sinh con hộ nghèo… Sau thời gian triển khai, mô hình “Chung một tấm lòng” thực sự mang lại hiệu quả. Mỗi tháng, mô hình mang về cho KDC hơn 1 triệu đồng từ việc bán rác thải tài nguyên (phế liệu).
Cũng giống như KDC Mân Lập Đông 2, nhiều hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố có những cách làm hay, hiệu quả như: thực hiện đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phát động. Trong 2 ngày 30-9 và 1-10, các chi hội phụ nữ trên địa bàn phường An Hải Tây ra quân vệ sinh môi trường, phân loại và thu gom rác tài nguyên tại nguồn và bán được số tiền 5,9 triệu đồng.
Tiền thu được các chi hội đưa vào quỹ chăm lo công tác an sinh xã hội tại khu dân cư như: thăm hỏi đau ốm, tặng quà cho phụ nữ khó khăn, neo đơn, hỗ trợ hộ khó khăn, trẻ em nghèo, trẻ hoàn cảnh đặc biệt... Mới đây, thực hiện phong trào thi đua “Mỗi hội viên - một cử chỉ đẹp, mỗi tổ chức hội - một hành động ý nghĩa” trong tháng 9-2023, các chi hội phụ nữ phường Thọ Quang tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, kết hợp thu gom và phân loại rác thải tại nguồn, bán gây quỹ an sinh xã hội tại khu dân cư được số tiền 4,66 triệu đồng…
Góp phần cải thiện môi trường sống
Được biết, các mô hình nói trên được triển khai dựa trên Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 10-5-2013 của UBND thành phố về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố với mục tiêu chất thải rắn sinh hoạt được quản lý, phân loại tại nguồn nhằm giảm thiểu tối đa lượng rác thải phát sinh và xử lý tại khu xử lý tập trung, góp phần tối ưu các chi phí đầu tư, xử lý của thành phố cũng như nâng cao ý thức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được phân chia thành các nhóm như: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (các loại giấy, nhựa, kim loại); chất thải thực phẩm (chất thải nhà bếp trước và sau sơ chế, chế biến, thực phẩm thừa, quá hạn, rác vườn…); chất thải rắn sinh hoạt khác (quần áo, phụ kiện cũ, đồ gỗ thải bỏ, chất thải thủy tinh, pin, ắc-quy đã qua sử dụng, vỏ bình, chai lọ hóa chất, chất thải cồng kềnh…
Theo Phó chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thị Kim Hà, với nhiệm vụ tuyên truyền triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố, hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố ban hành các Kế hoạch triển khai thực hiện. Đến nay, UBND các quận, huyện đã triển khai tại địa phương, xây dựng nội dung hoạt động và nhu cầu trang thiết bị, dụng cụ, tài liệu thực hiện phân loại chất thải theo phương thức chung của thành phố; tổ chức các hoạt động tuyên truyền như hội thi, ngày hội thu đổi chất thải tài nguyên thu hút sự quan tâm của tổ chức, cộng đồng, người dân tích cực tham gia…
Qua 9 tháng năm 2023, các hoạt động truyền thông, tổ chức thực hiện được các sở, ban, ngành liên quan và nhất là UBND các quận, huyện triển khai tích cực. Các mô hình hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm sử dụng vật dụng nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy đã được nhiều lượt cộng đồng dân cư hưởng ứng, tham gia; nhiều Ngày hội thu gom rác thải tái chế, tái sử dụng đã được tổ chức hết sức ý nghĩa, có tính lan tỏa cao.
Riêng các ngày hội thu gom rác thải trong tháng 6-2023, đã thu gom được 19.632kg rác tái chế các loại. Từ tháng 6 đến tháng 8-2023, số lượng rác tái chế được cộng đồng dân cư tổ chức thu gom: 1.696 bao bì ni-lông đã qua sử dụng; 5.741kg chất thải nhựa; 12.699kg giấy và 3.080kg kim loại; thu gom rác tái chế được hơn 178 triệu đồng (số liệu cập nhật được từ các tổ chức hội đoàn thể).
PGS.TS Trần Văn Quang, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết:“Theo khảo sát, tìm hiểu và nghiên cứu của chúng tôi, Đà Nẵng đã triển khai phân loại rác tại nguồn tương đối tốt, có nhiều nơi rất tốt. Hệ thống tư nhân (các cơ sở, hộ kinh doanh phế liệu) trên địa bàn thành phố đã thu gom các loại rác tái chế rất tốt, thậm chí là tại bãi rác Khánh Sơn gần như không có các loại giấy, kim loại và nhựa có giá trị bị chôn lấp.
Nếu đến các bãi chôn lấp rác ở nước ngoài, việc thu hồi, tái chế, phân loại rác bằng Đà Nẵng, điều này chúng tỏ ý thức và việc thực hiện phân loại rác của nhân dân thành phố cũng như việc thực hiện kinh tế tuần hoàn là rất tốt. Nhưng phân loại rác chỉ là một phần, thành phố cần tập trung cho công tác xử lý rác tiên tiến hơn vì trong tương lai gần, chúng ta thiếu nơi chôn lấp rác”.
Ngọc Bích