TP Cần Thơ: Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

(Mặt trận) - Các cấp, các ngành trên địa bàn TP Cần Thơ đã tích cực tuyên truyền, phát động nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường (BVMT). Từ đó, góp phần nâng cao ý thức BVMT của người dân. Bà con thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa, phân loại rác và trồng hoa kiểng, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Với ưu điểm giá thành rẻ, tiện lợi nên túi ni lông, chai nhựa, lọ nhựa… được nhiều người sử dụng. Bà Lê Thị Dung ở phường Long Hưng, quận Ô Môn, nói: “Túi ni lông được đa số người hoạt động mua bán sử dụng, từ các tiểu thương ở chợ đến các quán giải khát, điểm ăn vặt… Sau một lần sử dụng, nhiều người thường quăng bỏ mặc dù biết đây là rác thải khó tiêu hủy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống”.

Từ thực tế đó, các ngành, các địa phương đã vận động, tuyên truyền, giúp bà con nâng cao ý thức BVMT. Cụ thể, Ban Thường vụ Hội LHPN quận Ô Môn phát động thực hiện phong trào “Dùng giỏ xách nhựa đi chợ, thay cho bọc ni lông”. Bà Võ Thị Thúy Ðoan, Chủ tịch Hội LHPN quận Ô Môn, cho biết: “Qua phát động phong trào, chúng tôi mong muốn mỗi chị em, mỗi gia đình làm tốt vai trò và trách nhiệm của mình đối với việc chống rác thải nhựa trong sinh hoạt gia đình cũng như sản xuất, kinh doanh”.

Hội LHPN quận, phường tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy bằng việc sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. Bà Tô Thị Thành An, Chủ tịch Hội LHPN phường Long Hưng, quận Ô Môn, cho biết: “Thông qua các lần sinh hoạt chi hội, tổ hùn vốn... chúng tôi tuyên truyền cho hội viên nhiều nội dung quan trọng, trong đó có BVMT". Theo bà Nguyễn Thị Loan, người dân địa phương, qua việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn của Hội LHPN, ý thức BVMT của chị em đã nâng lên. "Giờ đây, tôi biết cách phân loại và xử lý rác đúng cách. Không chỉ vậy, tôi còn tuyên truyền, vận động nhiều chị em bỏ rác đúng nơi quy định” - bà Loan chia sẻ.

Hội LHPN huyện Thới Lai cũng phối hợp Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện tổ chức tuyên truyền thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” và “Phụ nữ phân loại rác tại nguồn”. Mô hình phân loại rác thải tại nguồn được Hội LHPN huyện nhân rộng ra các xã, thị trấn trên địa bàn. Những thành viên tham gia mô hình được hỗ trợ thùng phân loại rác 2 ngăn. Bà Khúc Thị Bé ở xã Ðịnh Môn, cho biết: “Gia đình tôi có thùng phân loại rác vô cơ, hữu cơ. Nhờ vậy, những người làm công tác thu gom, vận chuyển được dễ dàng”. Chị Trương Thị Mỹ Sương ở ấp Thới Hiệp B, xã Xuân Thắng, trước đây thường gom rác đem đi đốt. Từ khi tham gia mô hình, chị biết phân loại rác hữu cơ như vỏ trái cây, rau củ thì đem chôn dưới các gốc cây. Ðối với rác thải vô cơ, chị gom lại, loại nào tái chế được thì bán ve chai, còn lại đem ra bỏ ở xe rác. "Thấy tôi làm vậy, nhiều chị em trong xóm cũng làm theo. Tôi mong mô hình ngày càng phát triển rộng" - chị Sương nói. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thới Lai, thông tin: "Luật BVMT đã quy định về việc phân loại rác thải tại nguồn. Trên cơ sở đó, chúng tôi tuyên truyền, vận động chị em tham gia mô hình để góp phần chung tay với các ngành chức năng thực hiện tốt các quy định về BVMT. Qua đó, ý thức BVMT của chị em ngày càng nâng cao, góp phần giúp địa phương thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng đến kiểu mẫu". 

T.L