Tổ Nhân dân tự quản – mô hình kết nối "Ý Đảng – lòng dân" ở Đồng Tháp

(Mặt trận) -Hiệu ứng hoạt động mô hình “Tổ Nhân dân tự quản” khơi dậy và thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao ý thức tự chủ, tự quản nơi cộng đồng khu dân cư.

MTTQ các cấp tỉnh Hải Dương dự kiến hỗ trợ xây dựng 185 nhà 'đại đoàn kết' cho hộ nghèo

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Đức tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới

Vĩnh Lợi (Bạc Liêu): Phát huy vai trò Mặt trận, đẩy mạnh các phong trào thi đua

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Tôn Hoàng thăm các Tổ NDTQ

Chủ trương nhân rộng mô hình Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các Cấp ủy Đảng đối với cộng đồng dân cư, đã nâng cao vai trò, tính tích cực, khơi dậy sức dân, chung tay xây dựng khu dân cư tiến tới hoàn thiện về mọi mặt; phát huy vai trò tích cực, tự giác của Nhân dân trong hưởng ứng thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Hiện nay đã thành lập 12.587 Tổ NDTQ phủ khắp trên địa bàn toàn tỉnh; quy mô tổ có thành viên ít nhất là 07 hộ, tổ có thành viên đông nhất là 127  hộ tham gia; có 33.704 người tham gia làm tổ trưởng, tổ phó, thư ký; gồm 428.018 hộ, với 1.740.424 người thành viên cá nhân tham gia “Tổ Nhân dân tự quản”. Qua công tác đánh giá của các địa phương về kết quả hoạt động, có 9.881 tổ hoạt động ổn định (chiếm 78,50%), 2.708 tổ  còn khó khăn, chưa đi vào nề nếp (chiếm 21,50%).

Hơn 03 năm triển khai nhân rộng, hoạt động của các Tổ NDTQ đã phát huy được những hiệu quả thiết thực, ý nghĩa, nhất là vận động nhân dân tham gia góp sức vì cuộc sống bình yên và nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân. Đây là kênh tuyên truyền hữu hiệu nhất về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Là nơi tạo dựng lòng tin của dân đối với Đảng, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Xác định rõ nhiệm vụ, các Tổ NDTQ đã sáng tạo trong vận động, tập hợp nhân dân, lắng nghe, chuyển tải nguyện vọng của nhân dân tới cấp ủy Đảng, chính quyền, thực sự đã trở thành những nhịp cầu kết nối ý Đảng với lòng dân.

Các nội dung hoạt động trong tổ trước khi đi vào thực hiện đều đưa ra dân bàn bạc thống nhất phương thức phù hợp với tình hình đời sống, nhu cầu cần thiết đối với cuộc sống của người dân tại cộng đồng dân cư; người dân tham gia thảo luận, bàn bạc, nhất là các vấn đề về an ninh trật tự; phòng, chống học sinh bỏ học; tham gia xây dựng nông mới, đô thị văn minh; an sinh xã hội; giảm nghèo; giúp nhau phát triển kinh tế; hòa giải tranh chấp nhỏ trong dân,… Từ đó, từng bước gầy dựng lòng tin trong nhân dân, giải quyết,đáp ứng mong mỏi cuả người dân, nên chất lượng sinh hoạt các Tổ NDTQ ngày càng nâng cao hơn, tính dân chủ trong Tổ cũng được phát huy mạnh mẽ. Ông Trần Bé Tiếu, Tổ trưởng Tổ NDTQ số 2, ấp Tân Trường, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh chia sẻ: “Ban quản lý của tổ làm gì đâu đó rõ ràng, nên người dân tin tưởng tổ. Những vấn đề gì thấy cần thiết đến quyền và nhiệm vụ của người dân thì mang ra bàn bạc trong họp tổ, khi thống nhất là bắt tay vào thực hiện ngay. Tổ hoạt động thành công là nhờ sự tự chủ, tự quản của tổ và người dân”.

Xuất phát từ việc chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, Tổ NDTQ đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn dân cư; thực hiện dân chủ ở cơ sở và thực hiện có kết quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc chủ trì và thực hiện. Tổ NDTQ cũng xác định rõ việc gì mà người dân tại cộng đồng dân cư có thể thực hiện được thì động viên nhau cùng thực hiện, không trông chờ vào Nhà nước hỗ trợ như làm đèn đường nông thôn, làm hàng rào, trồng cây xanh, khắc phục các tuyến đường hư hỏng nhỏ, hòa giải các tranh chấp nhỏ, tương trợ nhau phát triển kinh tế, cảnh giác phòng chống tội phạm,…Điển hình như ông Nguyễn Văn Lem, Tổ trưởng Tổ NDTQ số 24 (ấp An Khương, xã Định Yên, huyện Lấp Vò) chia sẻ: Phải chịu khó suy nghĩ, xác định nội dung trước khi họp dân, nói cái gì, làm cái gì có liên quan mật thiết với các thành viên trong tổ mang lại lợi ích thiết thân về tinh thần và vật chất thì người dân mới quan tâm; muốn được việc phải thể hiện sự ứng xử hài hòa, thân mật, hòa đồng, tôn trọng lẫn nhau (không trọng lớn, khinh nhỏ); dám nói, nói thẳng, nói thật, nói có trách nhiệm, nói đúng tâm lý, nói có tình, có lý, có lợi cho chủ thể tiếp cận, nhất thiết phải phù hợp đạo đức xã hội, phong tục, tập quán, thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài, không mất lòng ai và cũng không thiệt hại cho ai... Có như vậy, mọi người sẽ tâm đắc, tín nhiệm ủng hộ và cái được lớn nhất là công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả, được việc và mang tính thuyết phục cao". Có trường hợp, để cảm hóa một người từ bỏ ma túy, ông Lem đã quyết tâm và kiên trì tiếp cận, thuyết phục hàng trăm lần để mang lại thành công, giúp đối tượng chuyển biến nhận thức trở thành công dân tốt. Nhờ vậy, Tổ của ông Lem không còn tệ nạn xã hội.

Với phương châm hoạt động “lấy sức dân, lo cho dân”, Tổ nhân dân tự quản đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cách nghĩ, thói quen sinh hoạt và tập quán làm ăn nhỏ lẻ, manh mún thành hình thức “liên kết, hợp tác và tự quản”. Tiêu biểu là sáng kiến thành lập mô hình Quỹ “Tiết kiệm mùa Xuân” của ông Nguyễn Ngọc Minh, Tổ trưởng Tổ NDTQ số 13 (thuộc ấp An Phú, xã An Long, huyện Tam Nông). Phương thức hoạt động gửi tiết kiệm từ 17 giờ đến 20 giờ hàng ngày, số tiền gửi tiết kiệm tối thiểu 5.000 đồng/lần, ai có điều kiện thì gửi số tiền cao hơn. Gửi tiết kiệm vào Quỹ tín dụng An Long; việc thu, chi, quản lý rất bài bản, công khai minh bạch và có sự giám sát của các thành viên. Cái được lớn nhất của hộ nghèo là cuối năm, khoảng 25 tháng chạp, Ban quản lý Tổ kết toán, mời đại diện thành viên trong Tổ cùng đi rút tiền vốn và lãi suất tại Quỹ tín dụng về hoàn trả vốn tích lũy tiết kiệm của từng thành viên. Nếu ai tiết kiệm nhiều, cuối năm không nhận tiền, sang năm tiết kiệm thêm, lâu ngày sẽ có số vốn rất lớn dùng vào việc xây nhà, mua xe, kinh doanh, sản xuất... Mặt khác, từ số tiền lãi kết hợp phương thức xã hội hóa, Tổ tiết kiệm còn tổ chức bữa cơm Đại đoàn kết, tạo không khí vui tươi, đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm đón chào năm mới. Mục tiêu mô hình là hướng mọi thành viên ý thức chi tiêu tiết kiệm hàng ngày để tích lũy vốn không chỉ dành cho việc vui vẻ đón Xuân, mà còn mở ra hy vọng cho tương lai. Với mô hình hiệu quả mang lại lợi ích thiết thân, hiện nay trên địa bàn xã đã nhân ra thành 5 tổ, với trên 200 thành viên (có hộ có đến ba người tham gia), tổng số tiền gửi tiết kiệm trên 400 triệu đồng. Mô hình này còn trực tiếp góp phần ổn định ANTT, bởi đa số thành viên là lao động nghèo, nay có vốn chí thú làm ăn.

Còn nhiều và rất nhiều mô hình, cách làm hiệu quả thiết thực khác. Thực tiễn minh chứng cho thấy, nếu phát huy tốt hiệu quả hoạt động mô hình Tổ NDTQ trên địa bàn khu dân cư, sẽ tác động tích cực đến việc xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ gắn bó, chia sẻ cùng nhau, góp phần giữ vững an ninh trật tự và công tác khuyến học khuyến tài ở địa phương. Từ đó, huy động sức dân tích cực tham gia chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Hiệu ứng tích cực hoạt động mô hình Tổ NDTQ đã khơi dậy và thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao ý thức tự chủ, tự quản nơi cộng đồng khu dân cư, giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời triển khai, nắm bắt, giải quyết kiến nghị, đề xuất của dân, góp phần tạo sự gần gũi, gắn bó, củng cố thêm niềm tin giữa nhân dân với Đảng, phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết dân tộc; duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động Tổ NDTQ là phương pháp hữu hiệu nhất để giúp MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt vai trò là nhịp cầu kết nối “Ý Đảng với Lòng dân”.

 Trần Thắng