Tiền Giang: Xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) -Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (gọi tắt là Ngày hội) ở khu dân cư (KDC) được tổ chức hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18-11). Trong suốt 20 năm triển khai tổ chức Ngày hội tùy vào từng giai đoạn, MTTQ các cấp tỉnh Tiền Giang tích lũy kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức với phương châm “lấy KDC là trọng tâm, người dân là chủ thể”. Đến nay, việc tổ chức Ngày hội đã trở thành nền nếp, bài bản không thể thiếu trong cộng đồng dân cư.

Diện mạo mới vùng nông thôn Hà Giang

Hiệu quả từ việc đổi mới, nâng cao chất lượng Công tác Mặt trận ở Lam Sơn

Mặt trận Tổ quốc TX. Cai Lậy: Dấu ấn qua một nhiệm kỳ

KHƠI DẬY SỨC DÂN

20 năm qua, MTTQ các cấp tỉnh Tiền Giang phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền về Ngày hội được 68.608 cuộc, với 2 triệu lượt người dự. Bên cạnh đó, Ngày hội còn được tuyên truyền rộng rãi qua hệ thống đài tuyền thanh, trang web, Zalo, Facebook của MTTQ các cấp trong tỉnh, các tổ chức thành viên, hội, đoàn thể...

Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đặc biệt, việc tổ chức Ngày hội đã phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước nói chung và quê hương Tiền Giang nói riêng.

Cụ thể như: Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền...

 Lãnh đạo Trung ương, tỉnh thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho các dân tộc trên địa bàn tỉnh nhằm gắn kết, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hằng năm, có 100% KDC tổ chức Ngày hội, trung bình mỗi KDC có từ 70 - 150 đại biểu, có nơi lên đến 350 đại biểu tham dự.

Ngày hội với sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên cư trú trên địa bàn, thành viên Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp xã; các chi, tổ hội đoàn thể ấp, khu phố; đại diện các tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, đại diện hộ gia đình tiêu biểu ở KDC… tham dự.

Thông qua Ngày hội, có 12.350 lượt KDC (trung bình 61,44% KDC/năm) và trên 100 ngàn lượt hộ gia đình (chiếm tỷ lệ 1,2%/năm) được biểu dương, khen thưởng; 944/1.005 KDC (tỷ lệ 93,9% KDC) tổ chức bữa cơm đoàn kết…

Trong 20 năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, sự phối hợp của HĐND, UBND và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh, cùng với sự nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và sự tham gia tích cực của đồng bào các dân tộc, tổ chức tôn giáo và nhân dân trong tỉnh, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tỉnh cơ bản ổn định, quốc phòng, an ninh ngày càng được củng cố, tăng cường, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022 đạt 7,02%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 63,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,27%; hộ cận nghèo 2,01%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.

Tỷ lệ gia đình văn hóa và KDC văn hóa ngày càng tăng lên, cụ thể số hộ gia đình đạt 3 tiêu chuẩn gia đình văn hóa từ 80% (năm 2003) tăng 95,87% (năm 2022); công nhận mới 337 ấp, khu phố văn hóa, nâng toàn tỉnh có 1.005/1.005 ấp, khu phố văn hóa (100%); công nhận mới 96 xã văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, nâng toàn tỉnh có 160/172 xã văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; có 362.454  “Gia đình học tập”, 477 “Dòng họ học tập”, 987 “Cộng đồng học tập”; 942 “Đơn vị học tập”.

Về xây dựng nếp sống văn hóa nơi công cộng, toàn tỉnh hiện có 65 chợ văn hóa; 824 con đường văn hóa, 543/628 cơ sở thờ tự văn hóa, 18 công viên văn hóa. Từ việc tổ chức Ngày hội đã góp phần tăng cường tình đoàn kết thống nhất trong nhân dân ở từng KDC cũng như toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, thông qua việc tổ chức Ngày hội còn góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò chủ thể của nhân dân đối với việc thực hiện các phong trào cũng như sự phát triển của địa phương. Trong các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo trong đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống.

Trong 20 năm qua, có 2.734 công trình dân sinh do nhân dân đóng góp xây dựng; xây dựng mới 6.134 nhà đại đoàn kết và sửa chữa 879 nhà đại đoàn kết và có 1.728 căn nhà được trao trong Ngày hội. Đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã tự nguyện hiến 1,8 triệu m2 đất và hơn 100 ngàn ngày công lao động để xây dựng các công trình giao thông nông thôn.

ĐOÀN KẾT, ĐỒNG THUẬN CAO TRONG NHÂN DÂN

Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội, đại diện các dân tộc, tôn giáo và nhân dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ thể hiện sự đoàn kết, đồng thuận cao cùng các cấp chính quyền chung tay góp sức xây dựng quê hương, đất nước.

Hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đồng bào các tôn giáo trong tỉnh đã đóng góp hơn 80 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động để làm cầu, đường giao thông nông thôn; xây hàng trăm nhà đại đoàn kết; đóng góp hàng chục tỷ đồng cho Quỹ Vì người nghèo...

Theo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang, trong thời gian qua, Phật giáo Tiền Giang luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và nhân dân trong tỉnh, xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh. Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là chương trình mang tính nhân văn, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nhằm chung tay cùng các địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh luôn chủ động làm “cầu nối” giữa các nhà hảo tâm với các địa phương còn khó khăn để xây dựng cầu giao thông nông thôn, nhà tình thương và các chương trình an sinh xã hội khác, trị giá trên 67 tỷ đồng...

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có 30 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đa phần là người Kinh, các dân tộc thiểu số có 6.757 người (chiếm 0,38% dân số toàn tỉnh), chủ yếu là người Hoa, Khmer, Chăm, Thái… Về tôn giáo, toàn tỉnh có 11 tổ chức, hệ phái tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, hoạt động hợp pháp, với 628 cơ sở thờ tự tôn giáo, 2.642 chức sắc, 2.765 chức việc và 229.993 tín đồ các tôn giáo (chiếm 13,33% dân số của tỉnh).

Trong thời gian qua, đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại KDC, các chương trình an sinh xã hội và cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động.

Trưởng Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Tiền Giang Võ Văn Thượng cho biết: “Từ trước những năm 2009, thấy các em học sinh vùng sâu, vùng xa đi học qua những chiếc cầu ván hoặc phải lội qua những con rạch vô cùng vất vả, từ đó “Đội bắt cầu từ thiện” của Phật giáo Hòa Hảo tỉnh ra đời và đến nay đội có 25 thành viên đã vận động, xây dựng 10 cây cầu giao thông nông thôn với kinh phí gần 4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Phật giáo Hòa Hảo tỉnh còn vận động xây dựng 17 nhà tình thương cho hộ nghèo; phát trên 2.000 phần quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ gần 19 ngàn suất ăn miễn phí; xe chuyển viện từ thiện trên 658 lượt...”.

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình đánh giá, thời gian qua, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam và UBND các cấp xây dựng kế hoạch liên tịch tổ chức Ngày hội phù hợp theo từng năm, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và theo tính chất của từng KDC, từ đó phát huy sức mạnh của toàn dân, trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; triển khai tổ chức Ngày hội ở KDC trên địa bàn tỉnh với đa dạng các hoạt động, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong từng cộng đồng dân cư.

Thời gian tới, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc có vai trò rất quan trọng, đồng chí Võ Văn Bình đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần phát huy sự năng động, sáng tạo của Ban Công tác Mặt trận trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội sát với tình hình thực tế của cộng đồng dân cư, rút ngắn phần lễ, tăng phần hội bảo đảm vừa trang trọng, trang nghiêm, vừa vui tươi, phấn khởi, gần gũi, gắn bó trong nhân dân.

Cùng với đó, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chủ động tham gia Ngày hội, đây là những nhân tố tích cực kết nối, lan tỏa tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của nhân dân ở cộng đồng, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất và tự giác tham gia các hoạt động Ngày hội của nhân dân trên địa bàn dân cư.

Tăng cường vận động, tập hợp các tổ chức, cá nhân sinh sống tại địa bàn dân cư, con em quê hương Tiền Giang đang sinh sống, công tác ở địa phương khác hướng về Ngày hội, huy động các nguồn lực, thực hiện tốt việc xã hội hóa tạo nguồn lực trong việc tổ chức Ngày hội và các hoạt động ở KDC.

LÊ PHƯƠNG