(Mặt trận) -Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó truyền thông được xem là nhiệm vụ quan trọng giúp người nghèo nắm vững, hiểu đúng và đầy đủ về các chính sách hỗ trợ, từ đó tiếp cận các nguồn lực để vươn lên thoát nghèo.
|
Tuyên truyền các nội dung về chương trình giảm nghèo, phát triển kinh tế, mô hình sản xuất... qua Đài truyền thanh xã. |
Nghèo về thông tin không những gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình), mà còn gây thiếu hụt thông tin về đời sống, kinh tế - xã hội. Do đó, để bù đắp những thiếu hụt về thông tin, Chương trình đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm truyền thông và giảm nghèo về thông tin (Dự án 6). Mục tiêu của Dự án là tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo nhằm thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong cộng đồng. Ngay sau khi UBND huyện ban hành Kế hoạch số 1295/KH-UBND về “Thực hiện Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin thuộc Dự án 6 - Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2024”, UBND xã Thụy Liễu đã tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về công tác giảm nghèo đa chiều nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để triển khai thực hiện Chương trình đạt được mục tiêu đề ra, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, ban hành các văn bản, hướng dẫn, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về Chương trình. Nhiều hoạt động truyền thông nhằm giảm nghèo về thông tin đã được triển khai ở 6/6 khu dân cư cho 1.285 hộ dân, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Gắn bó với công việc phát thanh viên của xã được 2 năm nay, dù mùa Hè hay mùa Đông, chị Nguyễn Thị Thúy vẫn đều đặn có mặt ở UBND xã trước 6 giờ sáng để khởi động loa truyền thanh, phát đi những bản tin của địa phương đến từng khu thông qua 10 cụm loa phát thanh. Chị Thúy cho biết: “Đều đặn hằng ngày, hệ thống loa truyền thanh xã sẽ tiếp sóng của Trung tâm Văn hoá thể thao du lịch và truyền thông huyện trong khung giờ 6 giờ-6 giờ 30 phút và 17 giờ-18 giờ. Những bản tin của xã sẽ được phát trước và sau khi tiếp sóng của huyện. Trong các bản tin của địa phương, nhiều tin, bài tuyên truyền các nội dung về chương trình giảm nghèo, phát triển kinh tế, mô hình sản xuất, những tấm gương vượt khó thoát nghèo... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân thích ứng với kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa và có tư duy, ý chí làm ăn để vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Cùng với hoạt động truyền thanh, xã còn thành lập các nhóm Zalo cộng đồng để truyền tải những thông tin chỉ đạo của chính quyền huyện, xã đến người dân. Hiện, 60% số hộ ở các khu đã thực hiện kết nối vào nhóm Zalo để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác. Công an xã duy trì nhóm Zalo cộng đồng với gần 1.000 thành viên thường xuyên truyền tải các thông tin về an toàn giao thông, an ninh trật tự ở cơ sở. Từ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xã đã cập nhật thông tin từ các phương tiện truyền thông, báo, đài, mạng xã hội... để học hỏi kinh nghiệm về trồng trọt và chăn nuôi, những mô hình kinh tế hiệu quả, kiến thức hữu ích để áp dụng vào thực tế sản xuất. Anh Nguyễn Văn Minh ở khu 2 chia sẻ: Sáng nào tôi cũng nghe thông tin trên đài truyền thanh của xã phổ biến về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các điển hình làm kinh tế giỏi... Tôi và người thân trong gia đình cũng có điện thoại thông minh và đăng ký mạng 4G để đọc báo, xem tin tức trên mạng Internet. Qua đọc báo, nghe đài, tôi đã tìm được việc làm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình, mang lại thu nhập ổn định”.
Công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin đã góp phần quan trọng giúp địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm còn 4,6%; cận nghèo giảm còn 5,3%. Thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/người/năm.
Thanh Nga